Ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
Ngày nhập : 27/09/2022 10:33
Đó là khẳng định của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú về định hướng điều hành của NHNN tại buổi họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2022 tổ chức cuối tuần qua.

Linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách

Chia sẻ tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, điều tiết thanh khoản nhằm ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát trước các cú sốc toàn cầu. Đến ngày 16/9/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,72% so cuối năm 2021, tăng 7,2% so cùng kỳ 2021; huy động vốn tăng 4,17% so cuối năm 2021, tăng 8,95% so cùng kỳ 2021.

Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Theo đó, tín dụng được điều hành nhằm tích cực hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. NHNN chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021.
 


Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại buổi họp báo

Thông tin thêm về điều hành lãi suất, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang cho biết, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục gia tăng lãi suất đã kích hoạt động thái tương tự ở một loạt NHTW trên thế giới với 257 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu tính từ đầu năm 2022 tới nay, trong khi cả năm 2021 chỉ có 113 lượt tăng lãi suất. Động thái tăng lãi suất của Fed cũng khiến nhiều đồng tiền giảm giá mạnh so với đô la Mỹ; Lũy kế từ cuối năm 2021 tới 20/9/2022, Yên Nhật (JPY) giảm 25,18%, Won (KRW) giảm 17,57%, Nhân dân tệ (CNY) giảm 10,9%, Euro (EUR) giảm 13,49%, Bảng Anh (GBP) giảm 20,02%...

Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng rất cao, áp lực với Việt Nam về nhập khẩu lạm phát là rất lớn vì nền kinh tế có độ mở cao, doanh nghiệp trong nước chủ yếu nhập siêu. Việc để đồng VND mất giá lớn sẽ tác động tiêu cực đến nhập khẩu, tác động đến mặt bằng giá trong nước. Do đó, theo ông Quang, ưu tiên lớn nhất trong điều hành chính sách tiền tệ phải cố gắng giữ tỷ giá ổn định, từ đó hạ nhiệt lạm phát. Nhưng về nguyên lý, không thể cùng lúc ổn định lãi suất và tỷ giá. Chính vì thế khi Fed tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong vòng 40 năm đã dẫn đến mặt bằng chung tỷ giá toàn cầu xáo trộn, buộc một loạt NHTW thế giới tăng lãi suất để đảm bảo đồng tiền của họ không mất giá quá lớn.

Đối với Việt Nam, theo chia sẻ của ông Quang, nếu giữ mặt bằng lãi suất quá thấp, ổn định quá lâu trong bối cảnh thế giới biến động lớn như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá, từ đó gây nên những bất ổn kinh tế vĩ mô khác. Do đó, NHNN quyết định điều chỉnh tăng thêm 1% đối với các mức lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng; đồng thời tăng thêm 0,3% đối với trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, tăng thêm 1% đối với trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng. “Quan điểm của NHNN trong điều hành chính sách là giữ ổn định nhưng không có nghĩa là cố định đồng tiền. Do đó, NHNN thấy rằng cần phải điều chỉnh lãi suất để hóa giải những cú sốc kinh tế vĩ mô, cũng như neo giữ được tâm lý kỳ vọng lạm phát của dân chúng và đạt được những mục tiêu về lạm phát mà NHNN, Chính phủ đặt ra từ đầu năm, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Phạm Chí Quang phân tích thêm.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, động thái tăng lãi suất điều hành của NHNN thêm 1% là hoàn toàn phù hợp. TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn giám sát tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, đây là một hành động hợp lý và có trách nhiệm với kinh tế vĩ mô nói chung. “Nếu chúng ta điều hành không khéo thì sẽ rất nguy hiểm. Khi Mỹ tăng lãi suất đồng nghĩa với việc buộc đồng Việt Nam phải giảm giá trị. Áp lực thứ hai là thâm hụt cán cân vãng lai của Việt Nam trong năm là khá lớn. Chúng ta cũng hy vọng tình hình sẽ diễn ra đúng với những gì NHTW dự đoán”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói. Chung quan điểm, TS. Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia đánh giá, việc NHNN tăng lãi suất điều hành với mức tăng 1 điểm phần trăm là mức có thể chấp nhận được và thời điểm là phù hợp. Đây là biện pháp phòng thủ từ xa cần thiết trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn về địa chính trị, kinh tế và cả dịch bệnh.

TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhận định, việc tăng lãi suất điều hành của NHNN trong bối cảnh hiện nay là rất quan trọng. Nó vừa làm giảm áp lực lên lạm phát, đồng thời cũng giúp một phần giảm áp lực lên tỷ giá. Mức tăng 1 điểm phần trăm là không quá lớn, không tác động nhiều đến việc hỗ trợ quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng lại tăng thêm khả năng Việt Nam có thể giữ được ổn định kinh tế vĩ mô.

Kiên định các mục tiêu

Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động mạnh, chính sách tiền tệ trong nước bị tác động mạnh, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, NHNN đặt ra các nhiệm vụ mục tiêu quan trọng thời gian tới. Theo đó, mục tiêu quan trọng ưu tiên số 1 trong điều hành là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm giá trị tiền đồng.

Mục tiêu thứ hai là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tạo điều kiện nhanh chóng để khôi phục nền kinh tế sau dịch, đảm bảo tăng trưởng kinh tế trên 6,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra. Đồng thời, tiếp tục đảm bảo thanh khoản, đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD bằng các công cụ kiểm soát, tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan làm tốt công tác tín dụng đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình tín dụng chính sách, đặc biệt là thực hiện các chương trình theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội. Trong điều hành tín dụng, NHNN kiên định định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Về lãi suất, NHNN điều hành phù hợp với diễn biến lạm phát và thị trường trong và ngoài nước; tiếp tục chỉ đạo TCTD giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay. Theo đó, để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, Phó Thống đốc cho biết, NHNN sẽ kêu gọi các NHTM ứng dụng công nghệ hiện đại để giảm bớt chi phí, từ đó hạ lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Đối với tỷ giá, trong quý III/2022, tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu nhiều áp lực do thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ suy thoái gia tăng. Trong bối cảnh đó, “NHNN tiếp tục điều hành đảm bảo ổn định tỷ giá, duy trì trạng thái ngoại tệ hợp lý theo nhu cầu thị trường”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh