Điều hành chính sách tiền tệ tạo niềm tin cho người dân
Ngày nhập : 07/09/2023 16:05
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, 05 năm thực hiện kết luận số 43-KT/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Bí thư Đảng ủy cơ quan NHTW, Thống đốc NHNN cho biết, cho dù khó khăn đến đâu, vất vả đến mức nào, Ban Cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN cũng luôn quyết tâm chỉ đạo toàn Ngành để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, tăng cường niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy cơ quan NHTW, Thống đốc NHNN Việt Nam, qua kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và 05 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, có thể thấy, Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương đã thực sự đổi mới sự lãnh đạo công tác dân vận, công tác dân vận đã trở thành nhiệm vụ chính trị của các cơ quan trong Đảng ủy Khối, để thực hiện mục tiêu củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân.
 

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Bí thư Đảng ủy cơ quan NHTW,
Thống đốc NHNN Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Đối với Đảng ủy cơ quan NHTW, đồng chí Nguyễn Thị Hồng thông tin, Ban lãnh đạo, Ban Cán sự Đảng NHNN, Đảng ủy cơ quan NHTW nhận thức sâu sắc vai trò của công tác dân vận, vì vậy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt Nghị quyết số 25-NQ/TW cũng như kết luận số 43-KT/TW. Minh chứng là ngay sau khi Nghị quyết 25 được ban hành, Ban lãnh đạo NHNN, Đảng ủy cơ quan NHTW đã ngay lập tức tổ chức học tập, quán triệt đối với tất cả các cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ, ban hành kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết trên, đồng thời có sự phối hợp toàn diện giữa các tổ chức đoàn thể trong toàn Ngành để có thể tăng cường và đổi mới công tác dân vận.

Dưới góc độ ngành Ngân hàng, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trong nghị quyết 25 có 4 nhóm nhiệm vụ quan trọng, trong đó có nhiệm vụ là làm sao để người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Để thực hiện nhiệm vụ này, với vai trò là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, NHTW của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối; thực hiện chức năng của NHTW về phát hành tiền, ngân hàng của các TCTD và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ; quản lý nhà nước về các dịch vụ công thuộc phạm vi của NHNN, NHNN nhận thức việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối, an toàn hệ thống, sẵn sàng chi trả cho người gửi tiền là vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao niềm tin của người dân. Vì vậy, cho dù khó khăn đến đâu, vất vả đến mức nào, Ban Cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN cũng luôn quyết tâm chỉ đạo toàn Ngành để đạt được kết quả nêu trên.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong 10 năm qua, NHNN thực hiện nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và quốc tế liên tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, nhiều sự kiện chưa từng có tiền lệ xảy ra, vượt khỏi tầm dự báo của các chuyên gia như sự bùng phát của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội của các quốc gia, vùng lãnh thổ, xung đột Nga – Ukraine kéo dài, sau đó, nền kinh tế toàn cầu chuyển trạng thái từ suy thoái sâu sau đại dịch Covid-19 sang lạm phát cao, đầu năm nay, một số NHTW của Mỹ, Châu Âu đã đổ vỡ, đời sống của người dân trên thế giới gặp nhiều khó khăn.
 

Toàn cảnh Hội nghị

Với đặc thù là một nền kinh tế nhỏ, có độ mở lớn, nội tại còn nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, FDI nên kinh tế Việt Nam không tránh khỏi tác động trong thời gian qua. Mặt khác, sức khoẻ của hệ thống doanh nghiệp trên 95% là DNNVV, vốn đã khó khăn, sau đại dịch càng khó khăn hơn, cần nhiều giải pháp để tháo gỡ.

Vốn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, đầu tư của nền kinh tế còn phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng, dẫn đến tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức cao, nhiều tổ chức quốc tế như WB cũng đã lên tiếng cảnh báo, chính vì vậy, theo Thống đốc khi thị trường bất động sản, chứng khoán gặp khó khăn càng tạo ra nhiều thách thức đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, nhiệm vụ của NHNN rất nặng nề, trong việc xử lý hài hòa các mục tiêu mâu thuẫn nhau như: Vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi trong và sau đại dịch, vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát; vừa giảm áp lực mất giá mạnh của đồng Việt Nam so với USD, vừa ổn định mặt bằng lãi suất trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng mạnh; vừa giữ vững an toàn hệ thống, vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; vừa ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, vừa nâng cao tính linh hoạt, tạo dư địa chính sách để tăng khả năng hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài;... đôi khi không thể hoàn thành tất cả các nhiệm vụ này mà phải đánh đổi.

Tuy nhiên, Thống đốc cho biết, với quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống ngân hàng, sự chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng đã thích ứng nhanh với tình hình, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để có những giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả, chung tay, góp sức, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, người dân khắc phục các khó khăn, đạt được các mục tiêu vĩ mô đặt ra.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh người dân gặp khó khăn vì dịch bệnh hay thiên tai, hệ thống ngân hàng đã luôn nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Minh chứng là từ năm 2020 đến nay, bằng chính nguồn lực của mình, hệ thống ngân hàng đã hỗ trợ khoảng 60.000 tỷ đồng tiền miễn giảm lãi, phí, thể hiện sự chia sẻ của hệ thống ngân hàng với người dân, doanh nghiệp. Các chính sách tín dụng ưu đãi qua ngân hàng chính sách xã hội cũng được đẩy mạnh, thực hiện hiệu quả, để tạo niềm tin cho người dân, góp phần tạo cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Song song với đó, thời gian qua, NHNN cũng đã tham mưu, đồng thời chỉ đạo các TCTD có nhiều gói tín dụng ưu đãi để có thể hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, gần đây nhất là gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, góp phần đảm bảo nhà ở cho người dân, hướng tới mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Đặc biệt, theo Thống đốc, một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 25 là giải quyết những kiến nghị, bức xúc của người dân. Theo đó, Ban lãnh đạo NHNN, Đảng uỷ cơ quan NHTW chỉ đạo các đơn vị thuộc NHNN luôn lắng nghe, giải quyết triệt để ý kiến của người dân qua nhiều kênh như ý kiến của cử tri qua quốc hội, tổ chức kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại các địa phương.

Ngoài ra, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cũng là nhiệm vụ tại nghị quyết 25, Thống đốc vui mừng thông tin, NHNN 7 lần dẫn đầu các Bộ về chỉ số cải cách hành chính, NHNN cũng là một trong những bộ ngành đi đầu trong công tác chuyển đổi số, hiện tất cả các hoạt động gửi tiền, thanh toán đều có thể thực hiện trên không gian mạng, tới đây là hoạt động tín dụng trên môi trường mạng đang được đẩy mạnh, nhất là tín dụng tiêu dùng... Bên cạnh đó, NHNN cũng tích cực đẩy mạnh thực hiện chiến lược tài chính toàn diện.

Bên cạnh việc những kết quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, theo Thống đốc, thông qua công tác dân vận, toàn ngành Ngân hàng luôn chủ động, hết lòng, hết sức thực hiện công tác an sinh xã hội, hỗ trợ giảm nghèo bền vững theo chủ trương của Đảng, Nhà nước như tạo công ăn việc làm, thu nhập, trợ giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đảm bảo mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và tiếp cận thông tin, tiện ích ngân hàng,... Trong đó, nổi bật là các hoạt động hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 và kết nối, hỗ trợ giảm nghèo bền vững tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.

Nhiều năm liên tục, ngành Ngân hàng luôn dẫn đầu Khối các bộ, ngành Trung ương về công tác an sinh xã hội,... góp phần tích cực cùng Đảng, Nhà nước trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, tri ân người có công và hỗ trợ các địa phương trên mọi miền Tổ quốc phát triển kinh tế - xã hội; Đảng bộ cơ quan NHTW luôn được Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đánh giá, ghi nhận là một điểm sáng trong triển khai thực hiện công tác dân vận của cơ quan nhà nước gắn với thực hiện các hoạt động an sinh xã hội do Đảng ủy Khối phát động.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh