TP.HCM đảm bảo nguồn vốn cho doanh nghiệp bình ổn thị trường dịp Tết
Ngày nhập : 13/11/2023 15:51
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM vừa có chỉ đạo các Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng trên địa bàn về việc đảm bảo nguồn vốn cho doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Trên cơ sở cân đối nguồn vốn, các ngân hàng bố trí nguồn tín dụng để tham gia cho vay Chương trình bình ổn thị trường là các tổ chức, cá nhân sản xuất trong chuỗi cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp bình ổn thị trường phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán.

NHNN thành phố yêu cầu các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay đối với những doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn nhiều năm qua để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định chi phí sản xuất, giữ giá thành, không tăng giá bán.

Đồng thời, ngân hàng tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương và các sở ngành có liên quan thực hiện cho vay doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường theo quy chế phối hợp đã được ký kết với ngành ngân hàng TP.HCM.

Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, tính đến tháng 9/2023, doanh số cho vay bình ổn thị trường đạt 10.477 tỷ đồng, dư nợ khoảng 4.862,7 tỷ đồng đối với 12 doanh nghiệp bình ổn và 11 doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng vay vốn ngân hàng.

Chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM thường khởi động từ tháng 4 hàng năm, các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng hóa từ giữa năm, thậm chí từ đầu năm nên nhu cầu vốn đầu tư khá lớn. Cuối năm thời điểm nhu cầu vốn lưu động phục vụ cho hoạt động kinh doanh rất lớn và cần được đáp ứng ngay lập tức cho kịp thời vụ.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 thành phố có 83 doanh nghiệp lớn tham gia chương trình bình ổn thị trường với lượng hàng tiêu dùng thiết yếu chiếm từ 25-43% so với nhu cầu thị trường. Bình quân một tháng, các doanh nghiệp bình ổn cung ứng khoảng 5.000 tấn gạo, 2.000 tấn đường, 16.000 tấn gia súc, gia cầm, thủy hải sản và 10.000 tấn rau củ quả, tăng từ 5- 7% so với Tết năm trước.

Ngoài ra, Sở Công Thương còn đẩy mạnh kết nối nguồn cung sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) với 38 tỉnh, thành phố trên cả nước để tổ chức Tuần lễ sản phẩm đặc sản đặc trưng vùng miền về thành phố, với hơn 1.000 mặt hàng như măng miếng dong rừng Tây Bắc, tôm khô cá khô Cà Mau, Bạc Liêu, bánh kẹo các vùng miền đổ về giới thiệu, bán lẻ cho người dân tiêu dùng thành phố…

(Nguồn: THỜI BÁO NGÂN HÀNG)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh