Năm 2024 NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả
Ngày nhập : 09/01/2024 13:14
Tại Hội nghị triển khai ngành Ngân hàng 2024, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết, Công điện, Công thư, Thông báo kết luận..., NHNN đã xây dựng Chương trình hành động năm 2024 với nhiều mục tiêu.

Tại Chương trình hành động này, NHNN tiếp tục kiên định mục tiêu trong năm 2024, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Qua đó, góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2024 bình quân khoảng 4-4,5%, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu khoảng 6-6,5%.

Đồng thời, điều hành tín dụng hài hòa với diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD). Trong năm 2024, sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các TCTD năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; đổi mới cơ chế điều hành mức tăng trưởng tín dụng.

Ngoài ra, triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, góp phần phát triển hệ thống các TCTD hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các TCTD yếu kém, triển khai cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.

Chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các TCTD yếu kém) dưới 3%.
 

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú
cho biết NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả

NHNN cũng sẽ tập trung nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng; tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngành Ngân hàng. Tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại và sai phạm của TCTD, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng.

Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hoạt động ngân hàng số và đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng.

Để cụ thể hoá các nhiệm vụ trọng tâm trên, Phó Thống đốc cho biết, NHNN tập trung giải pháp trọng tâm trong việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và vàng. Cụ thể, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Chủ động đề xuất, xử lý các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền của Thống đốc hoặc trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội, Trung ương những vấn đề vượt thẩm quyền.
 

Toàn cảnh Hội nghị

Trong công tác tín dụng, NHNN đã giao hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% của năm 2024 ngay từ đầu năm cho các TCTD và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng. Về phía TCTD, NHNN chỉ đạo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư). Đặc biệt là các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; tăng cường cho vay lãi suất ưu đãi các đối tượng thuộc chính sách ưu tiên, ưu đãi của Chính phủ.

Bên cạnh đó, NHNN cũng tiếp tục chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt, hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các Bộ, ngành kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Tiếp tục thực hiện các giải pháp kịp thời, linh hoạt, hiệu quả để triển khai quyết liệt chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; chương trình tín dụng 15 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản; chương trình tín dụng hỗ trợ công nhân trong các khu công nghiệp (gói 20 nghìn tỷ đồng).

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành Ngân hàng tại các Chương trình mục tiêu quốc gia; trong đó, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương được phân công theo chương trình công tác năm 2024.

Đối với công tác đảm bảo an toàn hệ thống, cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, toàn Ngành sẽ triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo phân công tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm Quyết định số 1382/QĐ-NHNN ngày 12/8/2022 của Thống đốc NHNN.

Tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các TCTD yếu kém; triển khai cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Phối hợp với cơ quan chủ sở hữu các TCTD phi ngân hàng yếu kém trong việc chỉ đạo xây dựng, phê duyệt phương án cơ cấu lại các TCTD này.

Tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm khuyến khích các TCTD phát triển mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch tại các địa phương ở vùng sâu, vùng xa, nơi không có điều kiện áp dụng ngân hàng số và các dịch vụ ngân hàng hiện đại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Hạn chế tối đa việc thành lập thêm chi nhánh, phòng giao dịch tại các thành phố lớn và vùng đô thị.

Rà soát, sửa đổi bổ sung hành lang pháp lý, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, tổ chức tài chính vi mô...) nhằm kích cầu tín dụng, tăng khả năng cung ứng vốn tín dụng chính thức cho các nhu cầu vốn vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Ngoài ra, NHNN sẽ triển khai hiệu quả, đúng tiến độ Kế hoạch thanh tra năm 2024 của NHNN, tăng cường công tác giám sát an toàn vi mô và vĩ mô; nâng cao khả năng phát hiện, phân tích, cảnh báo sớm và đề xuất các biện pháp phòng ngừa rủi ro, khủng hoảng có nguy cơ ảnh hưởng đến mức độ an toàn, ổn định của hệ thống ngân hàng.

Đối với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Các TCTD (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp gần nhất; ban hành/trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, cùng thời điểm Luật Các TCTD (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Khẩn trương hoàn thành báo cáo tổng kết Luật Bảo hiểm tiền gửi trong Quý I/2024 và thực hiện theo đúng lộ trình, kế hoạch đã đăng ký và chấp thuận của Quốc hội về sửa đổi Luật này trong năm 2024-2025.

Khẩn trương rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung một số Thông tư nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu như: gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; sửa đổi Thông tư 16 quy định việc TCTD mua, bán TPDN, Thông tư 06 quy định về hoạt động cho vay của TCTD…

(Nguồn: THỜI BÁO NGÂN HÀNG)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh