Tin tưởng thị trường chứng khoán sẽ phục hồi và lên mốc
Ngày nhập : 23/05/2022 11:31
Đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam, các chuyên gia từ Dragon Capital và VinaCapital đều cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn ổn định và có tiềm năng tăng trưởng. Cùng với đó, thị trường sau đợt điều chỉnh giảm mạnh hiện đang ở mức định giá rất hấp dẫn nên đang tạo ra cơ hội tốt cho đầu tư giá trị, dài hạn. Đặc biệt, lịch sử cũng đã cho thấy, sau các đợt điều chỉnh lớn trong 10 năm gần đây, chứng khoán Việt đều hồi phục mạnh mẽ và chinh phục các mốc mới.
 

VN-Index giảm - tác nhân chính là tác động của chứng khoán toàn cầu

Theo ông Michael Kokalari - Chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital, chỉ số VN-Index đã giảm 21% so với đầu năm vào cuối tuần trước, sau khi chỉ số này gần như đi ngang từ đầu năm cho đến cuối tháng 3. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận đầy ấn tượng, nên tác nhân chính cho việc giảm điểm của chỉ số VN-Index chính là sự sụt giảm liên tục trên thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu. Tuy vậy, theo chuyên gia này, Việt Nam cũng có một số yếu tố cụ thể đã làm chỉ số VN-Index giảm mạnh.

Ông Michael Kokalari lý giải thêm, sự sụt giảm liên tục trên TTCK toàn cầu chủ yếu là do kế hoạch tăng lãi suất mạnh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Hơn nữa, các TTCK mới nổi/cận biên sẽ gánh chịu áp lực từ mức tăng giá trị 15% so với cùng kỳ năm ngoái của đồng USD, bởi sự tăng giá của đồng USD thường không thúc đẩy các nhà đầu tư bỏ vốn vào các thị trường mới nổi/cận biên. “Điều này nói lên rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đứng vững và đã giúp thúc đẩy tăng trưởng doanh thu đạt 29% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý I/2022, chúng tôi tin rằng cũng chính điều này sẽ giúp TTCK Việt Nam vượt qua được “cơn bão” đang tác động đến các TTCK quốc tế hiện nay” - Chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital cho hay.

Còn theo các chuyên gia của Dragon Capital (DCVFM), tâm lý nhà đầu tư trên TTCK đang bị ảnh hưởng sau các vụ việc giao dịch cổ phiếu không minh bạch ở một số công ty và trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán đã phải hạ tỷ lệ tự doanh, cho vay ký quỹ và chuẩn bị thanh khoản do mua lại trái phiếu. “Chính điều đó cùng với tâm lý lo ngại về biến động của thị trường Mỹ, cũng như thế giới dẫn đến tâm lý hoảng loạn và áp lực bán tăng rất mạnh trong thời gian gần đây. Thị trường đã giảm 23% tính từ đỉnh, con số chỉ nhỏ hơn các đợt điều chỉnh mạnh vào năm 2008, 2018 và năm 2020 do Covid-19.

Sẽ hồi mạnh và chinh phục đỉnh mới sau mỗi lần điều chỉnh

Các chuyên gia của Dragon Capital nhận định, TTCK Việt Nam đã giảm về vùng định giá hấp dẫn và đang có dấu hiệu quá bán. Hiện các quỹ do DCVFM quản lý đã và đang chủ động tái cơ cấu danh mục để tận dụng tốt đợt điều chỉnh mạnh này của thị trường, tăng tỷ trọng các nhóm ngành và doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận tốt trong thời gian tới; qua đó giúp tăng hiệu quả đầu tư của các quỹ.

Chuyên gia này cho rằng, khi thị trường giảm mạnh, nhà đầu tư nên đánh giá hai điều là: ổn định kinh tế vĩ mô và tiềm năng tăng trưởng; định giá thị trường. “Nếu kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, có tiềm năng tăng trưởng và định giá thị trường thấp (hiện tại định giá thị trường đang ở mức xung quanh 11 lần dưới mức trung bình 12 năm) thì nhà đầu tư nên cân nhắc tận dụng cơ hội để đầu tư với mức giá hấp dẫn. Lịch sử cho thấy sau các đợt điều chỉnh lớn trong 10 năm gần đây, thị trường đều hồi phục mạnh mẽ và chinh phục các mốc đỉnh mới” - chuyên gia của Dragon Capital khuyến nghị.

Còn theo ông Michael Kokalari, việc giảm điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam là phù hợp với những gì đã diễn ra trên thị trường toàn cầu, mặc dù áp lực bán tháo ngày càng gia tăng do sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ mới lần đầu tiên đối mặt với các lệnh dừng ký quỹ, cũng như sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ đối với các công ty vay tiền để đầu tư cổ phiếu. Tuy nhiên, không điều gì trong số những lý do này có khả năng ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, hoặc đến tổng lợi nhuận của các công ty niêm yết…

                                                                                                (Nguồn: Thời báo Tài chính)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh