Tín dụng dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế
Ngày nhập : 14/12/2022 15:52
TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, kênh dẫn vốn quan trọng nhất cho nền kinh tế vẫn là tín dụng ngân hàng.

Tăng trưởng của kênh này hiện cao nhất trong số các kênh dẫn vốn vào thị trường, mang lại gần 1,4 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế. Hiện nay tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 12%. Với việc NHNN tăng thêm room tín dụng 1,5-2% trong năm 2022, dự báo sẽ có khoảng 300-400 nghìn tỷ đồng được các NHTM cung ứng thêm vào nền kinh tế trong tháng cuối năm.

Ông Quang khẳng định rằng, ngành Ngân hàng không thiếu vốn. Thời gian qua, NHNN tổ chức rất nhiều hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp để tìm tiếng nói chung, từ đó lan tỏa nguồn vốn tín dụng ra nền kinh tế.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng đánh giá, động thái nới room tín dụng của NHNN là rất tích cực, kịp thời. Bởi thời điểm hiện nay nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân rất lớn. Chưa kể, năm nay do các biến động về giá cả nguyên vật liệu, lao động và logistics, chi phí của doanh nghiệp tăng thêm khá nhiều, nên nhu cầu tài chính sẽ tăng thêm 7-14% so với mọi năm.

“Trong bối cảnh các kênh huy động vốn khác như trái phiếu, chứng khoán (cổ phiếu) khó tăng trưởng thì việc ngân hàng được tăng thêm hạn mức tín dụng là thông tin rất tích cực”, ông Lực nhấn mạnh.
Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn TP.HCM hiện vào khoảng 3,2 triệu tỷ đồng. Nếu tăng thêm 1,5-2% đồng nghĩa rằng, về mặt lý thuyết sẽ có thêm khoảng 32.000-60.000 tỷ được các TCTD cho vay ra trong các tuần cuối năm 2022.

Để hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và NHNN, ngành Ngân hàng TP.HCM đồng thời triển khai nhiều giải pháp kết nối, hỗ trợ khách hàng. Theo đó, NHNN chi nhánh TP.HCM liên tục chỉ đạo các TCTD bám sát các danh mục khách hàng, giải ngân đúng theo các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích; song song đó tăng cường giám sát hoạt động cho vay của các TCTD và đẩy mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân nắm được chủ trương, chính sách của ngành Ngân hàng, mở rộng cơ hội tiếp cận vốn vay cho các nhu cầu chính đáng, cấp bách.

Cũng theo ông Lệnh, trong các tuần còn lại của năm 2022 và cả năm 2023, NHNN chi nhánh TP.HCM sẽ tiếp tục kết nối ngân hàng với doanh nghiệp từng lĩnh vực, ngành nghề và triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất. Riêng với chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các NHTM bám sát mục tiêu và gắn liền với chính sách cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ… Tính đến nay, các TCTD đã giải ngân được khoảng 93% trong tổng số 443.000 tỷ đồng cam kết cho vay hồi đầu năm.

“Trong năm 2023, chương trình này sẽ tiếp tục thực hiện để tháo gỡ khó khăn về vốn và đặc biệt, gắn với Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình; và các thông tư của NHNN về hỗ trợ khách hàng để tăng tính hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp”, ông Lệnh cho biết…

(Nguồn: Thời báo ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh