Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt
Ngày nhập : 03/04/2023 15:10
Quan điểm điều hành của NHNN là phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất. Cùng với đó, điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
 

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì họp báo quý I/2023

Giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp

Chia sẻ tại Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2023, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong 3 tháng đầu năm, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Trong điều hành lãi suất, hơn hai tháng đầu năm 2023, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm ổn định lãi suất thị trường, các NHTM cũng giảm tích cực lãi suất tiền gửi và tiền vay. Đến giữa tháng 3, trên cơ sở bám sát diễn biến thực tế, NHNN quyết định điều chỉnh một số mức lãi suất điều hành, định hướng các NHTM tiếp tục giảm lãi suất cho vay. “Có thể khẳng định chính sách lãi suất là giải pháp quan trọng ngay từ đầu năm để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nền kinh tế”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Về điều hành tín dụng, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Với mục tiêu đó, ngay từ tháng 2/2023, NHNN đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD.

Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, NHNN đã chỉ đạo toàn Ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại tất cả các địa phương nhằm nắm bắt các khó khăn vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để kịp thời tháo gỡ... Bên cạnh đó, các chương trình tín dụng chính sách cũng quyết liệt, tích cực triển khai với trách nhiệm cao, như chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội...

Tính đến ngày 28/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù con số tăng trưởng tín dụng trên không cao, song đó cũng là một kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh hầu hết lĩnh vực trọng điểm, động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu, đầu tư, công nghiệp chế biến - chế tạo… suy giảm dẫn đến cầu tín dụng thấp. Ngoài ra, giải ngân đầu tư công vẫn khá chậm chạp cũng ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng.

Tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt

Dự báo tình hình trong nước và quốc tế thời gian tới tiếp tục có nhiều diễn biến khó lường, Phó Thống đốc cho biết, NHNN vẫn kiên trì mục tiêu hỗ trợ vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân để phục hồi kinh tế... Theo đó, NHNN sẽ bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.

“Quan điểm điều hành của NHNN là phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất. Cùng với đó, điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”, Phó Thống đốc cho biết.

Đối với tín dụng, NHNN cũng điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục chú trọng triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị định 31/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất 2% cho các đối tượng theo quy định; đẩy mạnh các chương trình tín dụng chính sách thông qua NHCSXH…

Thông tin thêm về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và nhà ở công nhân, Phó Thống đốc cho biết, NHNN sẽ sớm có văn bản chính thức. “Điều quan trọng trong triển khai gói tín dụng này là phải có sự đồng thuận giữa các ngân hàng để có một cơ chế cho vay thống nhất, chứ không phải mỗi ngân hàng một cách cho vay”, Phó Thống đốc lưu ý.

Đặc biệt, trước khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, Phó Thống đốc cho biết, NHNN đang nghiên cứu chính sách giãn, hoãn nợ để tạo cơ sở pháp lý cho các NHTM thực hiện. Tuy nhiên việc giãn, hoãn nợ phải nghiên cứu kỹ lưỡng cả về đối tượng lẫn mức độ để vừa hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa đảm bảo an toàn cho các ngân hàng. “Giãn, hoãn nợ song phải đảm bảo không làm sai lệch bản chất nợ xấu của nền kinh tế, không để giãn nợ nhằm che giấu nợ xấu và cũng phải đảm bảo thanh khoản, năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng”, Phó Thống đốc khẳng định và cho biết thêm, thời gian tới NHNN sẽ chỉ đạo các NHTM tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm thêm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh