Thị trường chứng khoán: Cơ hội hồi phục rõ nét hơn từ góc nhìn “nội lực”
Ngày nhập : 06/09/2022 15:40
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua những nhịp biến động rất lớn do tác động từ cả yếu tố trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Việt Nam đang có nhiều lợi thế hơn trong tương quan với nhiều nước trên thế giới và khu vực để hỗ trợ thị trường chứng khoán phục hồi, trong đó điểm nhấn quan trọng nhất sẽ đến từ tăng trưởng kinh tế vĩ mô và sức khỏe của doanh nghiệp đang hồi sinh mạnh mẽ.
 

Những điều tệ nhất có thể đã qua ?

Hai nhịp hồi của thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước từ đầu năm tới đây đã phần nhiều giúp nhà đầu tư lấy lại niềm tin về tương lai tích cực hơn của thị trường trong giai đoạn cuối năm nay và có thể kéo dài sang nửa đầu năm tới.

Tính chung từ đầu năm, chỉ số VN-Index đã hai lần tạo đáy, sau đó củng cố, tích lũy để hồi phục. Đáy lần 1 xuất hiện hồi tháng 3/2022, khi VN-Index tạo đỉnh hơn 1.500 điểm vào tháng 1 và giảm khoảng 20% về 1.171,95 điểm vào ngày 16/5/2022. Tính tới đây, thị trường đã tạo đáy lần thứ nhất trong năm và sau đó xuất hiện nhịp hồi thứ nhất. Chỉ số VN-Index hồi trở lại và tăng lên mức 1.307,80 điểm vào 9/6/2022 và lại chuyển sang một giai đoạn giằng co, giảm điểm tích lũy.

Đáy lần 2 của chỉ số VN-Index xuất hiện vào ngày 6/7/2022 và cũng là đáy mới của năm 2022, khi dừng lại ở 1.149,6 điểm. Sau đó, nhịp hồi mới cũng đã xuất hiện và kéo dài tới thời điểm hiện nay. Tính từ giữa tháng 7 tới nay, VN-Index đã tăng điểm trở lại và chính thức lấy lại, củng cố khá vững chắc mốc 1.200 điểm. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/8, chỉ số VN-Index dừng lại ở mốc 1.275,28 điểm, tăng gần 126 điểm, tương đương mức tăng gần 11% so đáy mới ngày 6/7.

Nhiều ý kiến cho rằng, TTCK trong nước có thể vẫn còn những nhịp giằng co, điều chỉnh, nhưng khả năng VN-Index có những đợt giảm mạnh và sâu như trước đây là xác suất thấp hơn. Theo ông Đinh Quang Hinh – Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT: “Những gì tồi tệ nhất dường như đã qua. Vào thời điểm hiện tại, tình hình bên ngoài đã có sự cải thiện, trong đó kỳ vọng của thị trường về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đã qua đỉnh điểm. Mặc dù bối cảnh quốc tế vẫn còn nhiều bất ổn, chúng tôi nhận thấy sự lạc quan ngày càng tăng đối với triển vọng TTCK Việt Nam trong thời gian tới khi những yếu hỗ trợ dần xuất hiện”.

“Nội lực” kinh tế vĩ mô sẽ là cứu cánh quan trọng nhất

Dù khó khăn vẫn còn, đặc biệt là TTCK còn tiềm ẩn những tác động khó lường của các yếu tố ngoại biên, tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ sự tin tưởng kinh tế vĩ mô trong nước sẽ hỗ trợ cho TTCK “sáng trở lại sau cơn mưa”.

Theo chuyên gia của VNDIRECT, nền kinh tế Việt Nam có thể vượt qua những tác động bên ngoài để đạt mức tăng trưởng cao hơn trong nửa cuối năm. Ông Đinh Quang Hinh cho rằng, các điều kiện trên thị trường tiền tệ vẫn tương đối thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra mức tăng trưởng tín dụng khoảng 14% cho năm 2022. Đồng thời, kỳ vọng NHNN sẽ nâng trần tăng trưởng tín dụng đối với một số ngân hàng thương mại từ cuối quý III này. Chuyên gia này cũng nhận thấy đà giảm của giá hàng hóa thế giới và lạm phát trong nước được kiểm soát tốt là điều kiện cho phép NHNN tiếp tục trì hoãn việc tăng lãi suất điều hành trong năm nay.

Cũng theo ông Đinh Quang Hinh, thu ngân sách nhà nước tăng mạnh (+18,1% so với cùng kỳ) và chi ngân sách tăng chậm tạo ra nhiều dư địa để thúc đẩy chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng trong thời gian tới. Cụ thể, Chính phủ đã đẩy mạnh giải ngân gói kích thích kinh tế, bao gồm giảm thuế GTGT 2%, gói cấp bù lãi suất bổ sung trị giá 40.000 tỷ đồng, gói đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 113.050 tỷ đồng. Ngoài ra, Chính phủ đã quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng xăng dầu nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhìn chung, chuyên gia của VNDIRECT giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 ở mức 7,1% so với cùng kỳ (+/- 0,3%).

Còn theo các chuyên gia của SSI Research, với mục tiêu tăng trưởng năm 2022 vẫn đang được duy trì, nên chính sách vĩ mô trong giai đoạn cuối năm nay là sự kết hợp giữa chính sách tài khóa mở rộng (khi Chương trình phục hồi và phát triển – sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2023) và chính sách tiền tệ thận trọng hơn.

Ông Michael Kokalari - Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital cũng cho hay: “Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ít nhất 7,5% trong năm nay. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng thu nhập của doanh nghiệp sẽ vượt quá 20% trong năm nay, được minh chứng bởi nền kinh tế phát triển vững chắc của Việt Nam. TTCK Việt Nam sẽ là một trong những thị trường hưởng lợi lớn nhất từ sự xoay chuyển của FED, vì Việt Nam có mức định giá hấp dẫn nhất trong khu vực”.

                                                                                 (Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh