Ngành Ngân hàng giữ vững ngọn cờ tiên phong trong chuyển đổi số
Ngày nhập : 05/08/2022 16:00
Phát biểu tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức ngày 4/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan và là yêu cầu cấp bách, bắt buộc. Thực tế, ngành Ngân hàng đang đi tiên phong và rất quyết tâm trong tiến trình chuyển đổi số.
 

(Ảnh: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng.)

Đảm bảo triển khai hiệu quả, không lãng phí nguồn lực

Qua theo dõi thực tiễn và chỉ đạo công việc, Thủ tướng cho biết Ban lãnh đạo NHNN và toàn ngành Ngân hàng đã nhận thức rõ, triển khai quyết liệt chuyển đổi số trong toàn hệ thống, từ công tác quản lý nhà nước đến cung cấp dịch vụ ngân hàng. Toàn Ngành đã nỗ lực, chủ động thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đạt được nhiều kết quả bước đầu rất quan trọng như thanh toán không dùng tiền mặt tăng, tăng trưởng thanh toán qua di động đạt trên 90%; 1,77 triệu tài khoản Mobile Money đã được mở, trong đó hơn 67% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phát triển nhiều dịch vụ ngân hàng trên kênh số (mở tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm trực tuyến...).

Đồng thời, ngành Ngân hàng đã đẩy mạnh cung cấp thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; kết nối, tích hợp các thông tin, dữ liệu với Trung tâm thông tin, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đáng chú ý, NHNN đã tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06 và đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ kịp thời người dân, doanh nghiệp.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, quyết tâm của ngành Ngân hàng góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và việc cần phải làm như: Vướng mắc về cơ chế, chính sách; kết nối giữa các nền tảng; an toàn, an ninh thông tin; kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin; thiếu hụt nhân lực trình độ cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin...

Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt

Thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động sâu rộng tới các quốc gia, khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh một số yêu cầu ngành Ngân hàng tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa tiến trình chuyển đổi số, đáp ứng các yêu cầu, đạt được mục tiêu đề ra, đặc biệt là phát huy hơn nữa vai trò, ý nghĩa quan trọng, nâng cao hiệu quả của chuyển đổi số đối với ngành Ngân hàng và nền kinh tế; thúc đẩy thay đổi tư duy, phương pháp luận, phương thức làm việc của ngành Ngân hàng theo hướng hiện đại; đẩy mạnh tích hợp, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để từng bước xây dựng hệ sinh thái công dân số...

Không chỉ vậy, NHNN và ngành Ngân hàng cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong chuyển đổi số; đánh giá kỹ tình hình, kết quả, nguyên nhân, hạn chế, bất cập, các bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế; phân tích, dự báo tình hình sắp tới, xác định mục tiêu ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; xây dựng chương trình chuyển đổi số toàn Ngành với lộ trình, giải pháp và nguồn lực phù hợp.

Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể chuyển đổi số ngành Ngân hàng trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng để rà soát, ban hành, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo sự hài lòng, gắn bó của khách hàng. Trong đó, tập trung rà soát, xây dựng, sửa đổi các văn bản luật của Ngành: Luật NHNN, Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Phòng chống rửa tiền, Luật Bảo hiểm tiền gửi…

NHNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt. Mặt khác, cần xây dựng, thử nghiệm và áp dụng khung pháp lý mới đối với phát triển công nghệ tài chính (Fintech); triển khai chuyển đổi số một cách tổng thể nhưng có trọng tâm trọng điểm, đảm bảo hiệu quả, không lãng phí nguồn lực; tiếp tục đầu tư hạ tầng thanh toán, thông tin tín dụng...

Đồng thời, triển khai chuyển đổi số một cách tổng thể đảm bảo hiệu quả, không được lãng phí nguồn lực, có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng "trăm hoa đua nở"; phân định rõ ứng dụng công nghệ và trung gian tài chính, tránh tình trạng doanh nghiệp công nghệ lấn sân sang hoạt động trung gian tài chính; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển các hạ tầng dùng chung của Ngành như hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng để làm hạt nhân và theo kịp được nhu cầu phát triển của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán; đẩy mạnh kết nối, liên kết giữa ngân hàng, tổ chức tín dụng với các ngành, lĩnh vực khác nhằm mang lợi ích tổng thể cho người dân, doanh nghiệp.

Về thúc đẩy triển khai Đề án 06, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHNN và các bộ, ngành liên quan để tích hợp, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để từng bước xây dựng hệ sinh thái công dân số mang lại giá trị mới và lợi ích mới thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...

Cùng với Đề án 06, NHNN cần đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến ngành Ngân hàng trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; công tác chuyển đổi số phải bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật thông tin khách hàng; cơ sở dữ liệu, thông tin dữ liệu, kết nối theo chuẩn; tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát; phân tích dữ liệu để bảo đảm an ninh, an toàn cho toàn bộ hệ thống, cũng như phòng, chống tội phạm, rửa tiền do hiện nay xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với nhiều thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi.

Thủ tướng cũng chỉ ra rằng, nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số và chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân, doanh nghiệp hiểu, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Do đó, cần tăng cường tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đến người dân, doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả.

Con người là một trong 3 yếu tố nội lực để xây dựng và phát triển đất nước, do đó Thủ tướng yêu cầu ngành Ngân hàng quan tâm tới công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là về nhân lực công nghệ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp để phát huy cao nhất năng lực, trí tuệ của người lao động ngành Ngân hàng nhằm phục vụ tốt hơn nữa người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số để phát triển, tiếp nhận các công nghệ mới vào các hoạt động ngân hàng như công nghệ giao tiếp tầm ngắn, công nghệ thẻ thanh toán không tiếp xúc...

Để thực hiện nhiệm vụ được giao, ngành Ngân hàng cũng cần sự phối hợp tích cực, chặt chẽ của các bộ, ban, ngành có liên quan. Nhân sự kiện này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp lý về định danh và xác thực điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân, tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06, sớm kết nối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, trong đó có ngành Ngân hàng. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì sớm trình Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), trong đó có vấn đề chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử, xác thực điện tử phù hợp với thực tiễn. Các bộ, ngành liên quan chú trọng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, chia sẻ với các ngành, lĩnh vực khác, trong đó có ngành Ngân hàng để thiết lập hệ sinh thái số, phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp.

Với tinh thần quyết tâm, trách nhiệm cao, sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo, Thủ tướng tin tưởng ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, vượt qua khó khăn, thách thức, giữ vững ngọn cờ tiên phong trong chuyển đổi số, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công, vượt tiến độ tiến trình chuyển đổi số trong toàn Ngành, góp phần hiện thực hóa Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

                                                                                             (Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh