Luôn điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo sự nhất quán
Ngày nhập : 03/10/2022 16:04
Thời gian qua, công tác điều hành chính sách tiền tệ và truyền thông của ngành Ngân hàng đã góp phần vào mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển nền kinh tế. Thoibaonganhang.vn lược trích ý kiến phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tại Hội nghị công tác tín dụng và truyền thông diễn ra ngày 2/10.

 
(Ảnh: Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị)

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, bối cảnh hiện nay vô cùng khó khăn, phức tạp khi kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường, chưa từng có tiền lệ; chính phủ và ngân hàng trung ương (NHTW) các nước thực hiện nhiều gói hỗ trợ kinh tế; sau khi kiểm soát cơ bản dịch Covid, các nước chuyển sang trạng thái phải đối mặt với nguy cơ lạm phát.

Thực tế, xu hướng lạm phát đang diễn ra trên toàn cầu, nhất là các nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh, Đức… đều có mức lạm phát cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Các NHTW trên thế giới đang “vật lộn” với khó khăn này.

Đơn cử, Fed đã điều chỉnh mạnh lãi suất và liên tiếp như gần đây tăng lãi suất thêm 0,75%. Đáng lưu ý, Fed tuyên bố đến năm 2023 có thể nâng lãi suất lên tới 4,6%, trước khi lạm phát được kiểm soát. NHTW các nước phản ứng rất mạnh đối với biến động lạm phát và cũng phải tăng lãi suất rất mạnh, khoảng trên dưới 200 lượt tăng lãi suất với mức cao.

Trong khi đó, theo Thống đốc NHNN, Việt Nam có độ mở cửa kinh tế rất lớn, nhu cầu vốn tín dụng phụ thuộc vào ngân hàng nhiều nên vấn đề tín dụng, lãi suất thường diễn biến phức tạp… Do đó, công tác điều hành vĩ mô, trong đó có công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, vô cùng khó khăn, phức tạp… Những biến động trên đã tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân và cũng ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

"Chính vì vậy, NHNN phải điều hành chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường ngoại hối, là nhiệm vụ vô cùng quan trọng", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Hiện nay, Nghị quyết Quốc hội yêu cầu NHNN phải phấn đấu giảm lãi suất từ 0,5-1%; ổn định thị trường ngoại hối, ổn định tỷ giá; thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%; tổng kết đánh giá đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xây dựng kế hoạch cho nhiệm kỳ tới; chuyển đổi số; cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0…; Chính phủ cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ đối với hệ thống ngân hàng; ngành Ngân hàng còn phải đảm bảo an toàn hệ thống...

Ngoài ra, NHNN còn có nhiệm vụ vô cùng quan trọng là hoàn thiện thể chế; tháng 10/2022 phải trình Quốc hội Luật Phòng, chống rửa tiền để được xem xét phê chuẩn ngay trong kỳ họp nên đòi hỏi công tác nghiên cứu, chuẩn bị dự thảo, lấy ý kiến phải cẩn thận, kỹ lưỡng; luật hóa Nghị quyết 42 và sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, NHNN được yêu cầu phải trình ký trong năm sau; đồng thời, phải triển khai, đánh giá tổng kết Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Bảo hiểm tiền gửi… Đây đều là những công việc vô cùng nhiều áp lực, diễn ra trong cùng thời điểm, ngành Ngân hàng có rất nhiều nhiệm vụ phải thực hiện trong năm 2022-2023, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Một số vấn đề đang được quan tâm hiện nay, theo Thống đốc đó là tăng trưởng tín dụng. Định hướng từ đầu năm, trần tăng trưởng tín dụng ở mức 14%, có điều chỉnh theo diễn biến thực tế. Theo Vụ Dự báo, Thống kê (NHNN), đến ngày 28/9, tăng trưởng tín dụng đã đạt 10,96%, trong khi nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao những tháng cuối năm.

Việc điều hành tín dụng là công cụ rất quan trọng để vừa tập trung kiểm soát lạm phát cả năm nay và năm sau. Trong năm nay, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4% nhưng hiện chỉ số lạm phát cơ bản tăng mạnh, lạm phát cơ bản tháng 8 so với cùng kỳ tăng hơn 3%, tháng 9 có thể là 3,6% do chi phí đẩy vòng 2, đặc biệt là tâm lý kỳ vọng cao. IMF đánh giá, tâm lý kỳ vọng cao sẽ gây nên lạm phát ở mức cao.

"Việc kiên định mục tiêu tín dụng, kiểm soát tác động của lạm phát, vừa kiểm soát kỳ vọng vừa thực hiện nhiệm vụ ổn định tỷ giá nên tất cả công cụ điều hành chính sách tiền tệ của NHNN phải đảm bảo sự nhất quán. Vừa rồi, NHNN phải điều chỉnh tăng lãi suất, trước đó bị áp lực điều chỉnh tín dụng 15-16%, sau nếu Fed tăng lãi suất, kỳ vọng lãi suất tăng lên nên rõ ràng vừa rồi NHNN đã kiên định điều hành chính sách đúng và trúng, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Với gói hỗ trợ lãi suất 2%, NHNN phải rà soát số dư nợ tín dụng, nếu đúng là trong nhóm hỗ trợ lãi suất mà doanh nghiệp không nhận hay vì lý do gì phải báo cáo cụ thể. Các vụ, cục thuộc NHNN phải phối hợp chỉ đạo các chi nhánh để chỉ đạo các TCTD rà soát số dư tín dụng. Toàn ngành Ngân hàng cần tiếp trục đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và thực hiện báo cáo đầy đủ, kịp thời các nguyên nhân từ thực tiễn khách quan.

Về công tác Quốc hội và cử tri, vấn đề điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, tỷ giá là các vấn đề được Quốc hội và cử tri quan tâm.

Đối với một số công việc liên quan đã được các đại biểu Quốc hội chất vấn tại kỳ họp trước, Thống đốc NHNN phải báo cáo việc tổ chức thực hiện nên chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố phải nắm bắt tình hình tại địa phương thông tin kịp thời với các đơn vị NHNN chuẩn bị nội dung thật chu đáo.

Cùng với đó, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố báo cáo với lãnh đạo địa phương, đoàn Đại biểu Quốc hội, những vấn đề còn khó khăn, chưa rõ về mặt quan điểm định hướng, các đơn vị phối hợp với các vụ, cục NHNN xử lý để báo cáo Quốc hội về việc ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai và đạt được kết quả bước đầu có ý nghĩa. Đối với những kết quả chưa đạt, phải nêu rõ nguyên nhân và có hướng khắc phục, báo cáo các cấp phối hợp xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền của NHNN.

Có thể khẳng định, NHNN đã điều hành tốt chính sách tín dụng cho nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh và đặc biệt 'giữ chân' dòng vốn đầu tư nước ngoài. Qua đó cho thấy, chính phủ, các bộ, ngành, NHTW đã có các giải pháp, cách thức điều hành tin tưởng.

Bất kể trong hoàn cảnh nào, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN luôn đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống lên hàng đầu. Vì nếu như lạm phát không được kiểm soát, nới tín dụng, giảm lãi suất thì chỉ 1 số doanh nghiệp tiếp cận được vốn, còn lạm phát lại tác động đến người dân, nhất là những người dân còn khó khăn, Chính phủ sẽ phải tăng nguồn lực hỗ trợ, gây áp lực đến ngân sách…

Quan trọng nhất, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tổ chức các hội nghị để giải thích rõ với doanh nghiệp, nếu không ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, doanh nghiệp sẽ là những người gặp khó khăn khi thị trường biến động. Giải thích rõ với doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn hoặc có trường hợp cho vay sẽ khiến ngân hàng chạm ngưỡng tỷ lệ an toàn, không nên “đổ" hết cho room tín dụng…

                                                                                                (Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh