Cơ hội lớn hút vốn ngoại và kênh ETF vẫn là “dòng chảy lớn”
Ngày nhập : 26/12/2022 16:02
Vốn ngoại đang là điểm sáng trên thị trường chứng chứng khoán Việt Nam, trong đó kênh ETF (quỹ hoán đổi danh mục) đang là con đường được khối ngoại ưu tiên. Theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn vốn ngoại và kênh ETF sẽ tiếp tục được vốn ngoại bơm tiền trong thời gian tới.

Vốn ngoại vào qua kênh ETF vượt dự đoán

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang cho thấy sức hấp dẫn rất lớn đối với vốn ngoại. Sau giai đoạn bán ròng quý đầu năm, dòng tiền ngoại là một động lực lớn cho sự phục hồi của thị trường trong giai đoạn gần đây.

Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trên TTCK Việt Nam với khoảng 6.614 tỷ đồng (283 triệu USD) trong quý I/2022 sau khi xung đột Nga - Ukraine leo thang và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu nâng lãi suất. Sau đó, khối ngoại dần quay lại tích cực hơn kể từ tháng 4 và mua ròng mạnh trong đợt giảm giá sâu của thị trường chứng vào tháng 11, 12/2022.

Số liệu thống kê cho thấy, khối ngoại đã mua ròng rất mạnh trong tháng 11, với tổng giá trị mua ròng đạt 16,9 nghìn tỷ đồng trên 3 sàn - mức cao nhất theo tháng kể từ tháng 5/2018 (+22,8 nghìn tỷ đồng). Nhờ sự tham gia tích cực, tỷ trọng giao dịch của khối ngoại đạt 14% trong tháng 11, cao hơn mức 11,1% ở tháng 10 và bỏ xa mức 8,3% bình quân 11 tháng đầu năm 2022. Hoạt động mua ròng của khối ngoại được yểm trợ lớn qua kênh ETF. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11, dòng vốn ETF ghi nhận giá trị kỷ lục là 18.849 tỷ đồng, vượt xa giá trị 13.522 tỷ đồng của cả năm 2021.

Đà mua ròng của khối ngoại tiếp tục duy trì trong 3 tuần đầu tháng 12/2022. Theo số liệu cập nhật của phóng viên TBTCVN, lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 23/12/2022, khối ngoại đã mua ròng khoảng gần 27.000 tỷ đồng, tương tương với 1,16 tỷ USD.

Thông tin từ chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, tổng giá trị mua ròng của khối ngoại thời gian qua chủ yếu đến từ các quỹ ETF. Dòng tiền cổ phiếu đổ vào các quỹ ETF nhiều, dư địa của dòng tiền từ các ETF vẫn rất lớn. Số liệu thống kê từ Yuanta cho thấy, trong tuần 12 - 16/12, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực hút ròng dòng vốn ETF khoảng 31,5 triệu USD. Tổng lượng vốn hút ròng trên TTCK Việt Nam đạt 78,9 triệu USD, giảm 48% so với tuần trước đó, dù vậy Việt Nam vẫn đứng thứ 5 các quốc gia trong khu vực có lượng ròng vốn qua ETF vào cổ phiếu nhiều nhất, chỉ sau Nhật Bản, Ấn độ, Hàn Quốc, Thái Lan.

Lý giải về việc kênh ETF hấp dẫn vốn ngoại trên báo giới, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, hầu hết dòng vốn trên thị trường hiện nay đến từ các quỹ ETF, mà ETF không phải là dòng vốn dài hạn mà chủ yếu trung hạn, họ vào ra liên tục theo tháng. Khi thị trường xuống thấy rẻ thì họ vào đến lúc thị trường hồi phục lên cao họ sẽ rút ra. Tuy vậy, quỹ ETF tiền ra vào dựa trên biến động chỉ số, nhưng so với nhà đầu tư cá nhân trong nước thì vẫn có thời gian lâu hơn, nhà đầu tư cá nhân nay mua mai bán còn ETF lâu hơn, thậm chí giải ngân cho đến lúc bán ra tính bằng tháng.

Chứng khoán Việt nam sẽ tiếp tục thu hút vốn ngoại

Nhận định về vốn ngoại trên thị trường trong thời gian tới, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận định, câu chuyện thu hút dòng tiền khối ngoại thời gian tới vẫn sẽ đổ dồn sự chú ý vào diễn biến tỷ giá Việt Nam. “Sau thông điệp đà tăng lãi suất có thể chậm lại từ bài phát biểu tháng 11 của Chủ tịch FED, đã góp phần kéo chỉ số DXY giảm mạnh, mất 9,2% so với đỉnh năm 2022 và đà giảm này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau quyết định chỉ tăng thêm 50 điểm phần trăm sau kỳ họp tháng 12. Sự suy yếu của “đồng bạc xanh” đang góp phần hạ nhiệt tỷ giá USD/VND” - chuyên gia của TPS phân tích.

Theo thông tin được công bố, Fubon FTSE Vietnam ETF đã được thông qua đợt huy động vốn bổ sung lần thứ 4 với số vốn 5 tỷ TWD, tương đương khoảng 4 nghìn tỷ đồng, bắt đầu tiến hành gọi vốn từ ngày 29/11. Bên cạnh đó, tại cuộc họp ngày 1/12, VanEck Vietnam ETF (VNM ETF) đã nhất trí thông qua thay đổi chỉ số tham chiếu từ MVIS Vietnam Index sang MarketVector Vietnam Local Index. Hiện danh mục của chỉ số này là 100% cổ phiếu Việt Nam và với việc thay đổi chỉ số cơ sở trên, VNM ETF dự kiến cũng sẽ tăng tỷ trọng của Việt Nam lên 100% (thay vì 73,7% như hiện tại), tương đương với khoảng hơn 100 triệu USD sẽ đổ vào TTCK Việt Nam.

“Chúng tôi cho rằng, làn sóng ETF sẽ tiếp tục nở rộ giúp TTCK Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại. Tính đến ngày 14/12/2022, lượng tiền huy động trong đợt tăng vốn lần 4 của Fubon FTSE mới chỉ đạt 2,1 tỷ TWD, đồng nghĩa với dư địa còn gần 3 tỷ TWD để đạt mục tiêu 5 tỷ TWD. Do đó, trong thời gian tới, thị trường Việt Nam vẫn sẽ đón nhận dòng vốn giải ngân từ quỹ này. Thêm vào đó, ngày chuyển đổi chỉ số cơ sở của VNM ETF sẽ có hiệu lực dự kiến vào 17/3/2023” - chuyên gia của TPS dự báo.

Ông Nguyễn Thế Minh cũng nhận định, các quỹ cổ phiếu chủ động bị rút vốn, không được bơm ròng và khó chứng kiến động thái quay lại thị trường trong giai đoạn tới. Ngược lại, các ETF lại được bơm ròng lớn, tương lai các quỹ bị động có thể là dòng vốn lớn đổ vào thị trường, chiếm tỷ trọng cao. Nhiều quỹ đã tăng quy mô, tổng tài sản đáng kể, có quỹ lên tới 800 - 900 triệu USD./.

                                                                                (Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh