Chứng khoán tuần: Tâm lý nghỉ ngơi đang chi phối
Ngày nhập : 05/02/2018 14:50
Tâm lý hào hứng từ phiên phục hồi cuối tuần qua đã bỏ qua yếu tố thanh khoản sụt giảm rất đáng chú ý. Càng đến gần kỳ nghỉ Tết âm lịch, nhu cầu giao dịch càng giảm dần do tâm lý nghỉ ngơi chi phối các nhà đầu tư trong nước.
 
 
VN-Index kết thúc 7 tuần tăng liên tục

Kể từ khi sàn HSX giao dịch trở lại sau 2 ngày phải tạm dừng vì trục trặc kỹ thuật, thị trường đã không có tiến triển gì đáng kể. Từ phiên giao dịch trở lại ngày 25/1/2018 đến nay, trải qua 7 phiên VN-Index chỉ tăng chưa tới 0,5 điểm. Tuần đầu tiên của tháng 2 cũng là tuần sụt giảm 1% của chỉ số này, tương đương đánh mất 10,6 điểm.

Đây là tuần sụt giảm đầu tiên sau 7 tuần tăng liên tục của VN-Index. Trong 7 tuần đó, chỉ số tăng trưởng 19,3% chỉ tính theo giá đóng cửa. Nếu tính từ đáy trung tuần tháng 12 thì VN-Index đã tăng 26,2%. Đợt tăng liên tục này chỉ đứng sau đợt tăng tháng 10 và tháng 11 năm ngoái.

Điểm đáng chú ý nhất trong tuần qua chính là sự thăng giáng quá khác biệt của thanh khoản. Nếu như 4 phiên đầu tuần, tổng giá trị giao dịch bình quân tới gần 10.300 tỷ đồng/ngày thì phiên cuối tuần chỉ khoảng 6.836 tỷ đồng, tức là thấp hơn 33%. Trong 7 phiên giao dịch trở lại từ sau khi HSX phải tạm dừng, bình quân 6 phiên đầu tiên là 11.209 tỷ đồng/ngày và phiên cuối tuần qua còn thấp hơn tới 39%.

Hiện tượng tụt giảm thanh khoản nói trên hầu như chỉ đến từ các nhà đầu tư trong nước. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì sức mua rất tốt và vẫn đang mua ròng.

Liệu diễn biến sụt giảm thanh khoản này có phải là dấu hiệu bình thường? Thống kê trong quá khứ thì thị trường cũng hay sụt giảm thanh khoản ở những tuần giao dịch gần Tết âm lịch. Chẳng hạn trong hai tuần cuối cùng trước khi nghỉ Tết năm ngoái, thanh khoản giảm khoảng 18% so với bình quân trước đó. Chu kỳ Tết 2017 cũng giảm khoảng 25%.

Tâm lý nghỉ Tết là điều diễn ra bình thường các năm, dù quy mô thanh khoản của từng giai đoạn có khác nhau. Hiện tại mức giao dịch bình quân cũng gần 10.000 tỷ đồng/ngày thì việc sụt giảm tuy diễn ra nhưng vẫn là ở quy mô lớn hơn nhiều so với quá khứ. Tuy thế dấu hiệu sụt giảm vẫn là hiện hữu.

Có nhiều lý do khiến nhà đầu tư giảm giao dịch vào dịp cuối năm. Ngoài các yếu tố tâm linh như tránh mua bán ở thời điểm “năm cùng tháng tận”, nhà đầu tư cũng muốn nghỉ ngơi sau cả năm đầu tư vất vả. Mặt khác, yếu tố lãi suất liên quan đến tiền vay cũng rất quan trọng vì vẫn phải tính chi phí kể cả khi thị trường dừng giao dịch. Không có áp lực rõ ràng nào khiến nhà đầu tư phải quay cuồng với thị trường ở thời điểm cuối năm, khi nhịp điều chỉnh vẫn đang diễn ra và chưa có dấu hiệu kết thúc.
 
 
 
Khoảng trống thông tin

Phiên đảo chiều tăng cuối tuần qua là diễn biến tích cực nhất trong chuỗi 5 phiên đi ngang theo hướng giảm dần của tuần qua. VN-Index tăng được 5,37 điểm là mạnh nhất trong tuần. Tuy nhiên tính chung cả tuần thì thị trường vẫn sụt giảm tương đối mạnh.

Diễn biến điều chỉnh được cho là bình thường này sau khi giá đã tăng khá dài và VN-Index đi lên liên tục trong 7 tuần trước đó. Tuy nhiên tuần điều chỉnh lại diễn ra đúng lúc thị trường mạnh mẽ nhất với dồn dập các thông tin kết quả kinh doanh thuận lợi.

Trong 7 phiên giao dịch gần nhất, thị trường cũng chứng kiến mức điều chỉnh khá mạnh. Riêng trong nhóm VN30, đã có 9 cổ phiếu biến động giảm tối đa trên 10%, từ đỉnh giá cao nhất tới đáy giá thấp nhất thời gian này. Đến phiên cuối tuần qua thì không còn cổ phiếu nào điều chỉnh quá 10% nữa, nghĩa là đa số đã có phục hồi nhất định.

Mặc dù vậy thị trường vẫn đang đối diện khoảng trống thống tin phía trước, ít nhất là tới tháng 3 khi các doanh nghiệp bước vào mua báo cáo kiểm toán năm và các kỳ đại hội cổ đông. Cho tới hiện tại, gần như những con số lợi nhuận hấp dẫn nhất đã xuất hiện.

Một yếu tố khác cũng khiến những ngày giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ trở nên khó đoán định, là ảnh hưởng từ bên ngoài bắt đầu xấu đi rõ hơn. Giá dầu thế giới sau một đợt tăng mạnh kéo dài nhiều tháng bắt đầu chững lại và đan xen là các phiên sụt giảm bất ngờ rất mạnh. Thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua cũng chứng kiến phiên sụt giảm mạnh hiếm có khi chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều mất trên 2%. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng sụt giảm cực mạnh trong bối cảnh kết quả kinh doanh cực tốt.

Thị trường chứng khoán trong nước sẽ giao dịch 7 phiên nữa là nghỉ kéo dài. Rất có thể thanh khoản sẽ tiếp tục sụt giảm thêm trong tuần tới khi nhà đầu tư trong nước vẫn rút khỏi thị trường.
 
 
(Theo Thời Báo Tài Chính Việt Nam)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh