Chính sách tiền tệ ứng biến ngày càng linh hoạt
Ngày nhập : 14/11/2022 16:54
Chính sách tiền tệ được điều hành trong mối quan hệ phối hợp hài hoà với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác
 

Phản ứng chính sách kịp thời

Thị trường thế giới bất định, NHNN kịp thời đưa ra quyết định thay đổi quan trọng trong điều hành chính sách như, điều chỉnh nới biên độ tỷ giá từ +/-3% lên +/-5% kể từ ngày 17/10; hai lần tăng lãi suất điều hành (ngày 23/9; 25/10)… Phản ứng chính sách trên của NHNN được giới chuyên môn đánh giá tích cực, linh hoạt, phù hợp, bám sát xu thế chung của NHTW các nước trên thế giới cũng như diễn biến trong nước.

Chẳng hạn với việc điều chỉnh biên độ tỷ giá, TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định, đó là hành động kịp thời của NHNN nhằm giúp tỷ giá ổn định một cách tương đối trong so sánh với biến động tỷ giá của nhiều quốc gia khác, cũng như trong bối cảnh Fed và nhiều quốc gia tiếp tục thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất; Đồng thời tạo ra điểm cân bằng mới, giảm áp lực cung - cầu ngoại hối trên thị trường; đặc biệt quyết sách trong điều hành tỷ giá tạo dư địa để điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn.

“Đây là phản ứng sớm của NHNN nhằm tạo ra dư địa về chính sách trước khả năng cao Fed tiếp tục tăng lãi suất. Nếu chờ tới lúc Fed tăng lãi suất, NHNN mới điều chỉnh thì dư địa xử lý các vấn đề chính sách tiếp theo sẽ khó khăn hơn”, TS. Thành nhận xét.

TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng ghi nhận các động thái chính sách của NHNN nhanh nhạy, ứng biến linh hoạt hơn. Trước sức ép từ lạm phát, tăng lãi suất của Fed và các NHTW trên thế giới cũng như chỉ số USD-Index tăng liên tục từ đầu năm, trong khi cán cân thanh toán tổng thể yếu hơn những năm trước và để ổn định tỷ giá, NHNN đã phải bán ngoại tệ cân bằng cung cầu.

Điểm tích cực trong điều hành chính sách tiền tệ đó là NHNN kiểm soát cung tiền linh hoạt thông qua việc bơm, hút trên thị trường mở và kiểm soát chặt chẽ room tín dụng. Nhờ đó mà lạm phát của Việt Nam được kiểm soát và tỷ giá ít biến động nhất trong các nước so sánh với đồng USD. “Với biện pháp đồng bộ phối hợp nhịp nhàng của chính sách tiền tệ đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát đến cuối năm có thể dưới 4% như mục tiêu đề ra; hỗ trợ tăng trưởng kinh tế GDP ước đạt 7,4-7,5%”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều rủi ro bất định, ông John Andre, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đánh giá: các cơ quan quản lý của Việt Nam đang làm tốt việc điều hành chính sách tín dụng, tiền tệ. Động thái kiểm soát chặt tín dụng của NHNN sẽ buộc các NHTM phải lựa chọn đối tượng cho vay kỹ hơn; Đồng thời, ưu tiên các khoản vay có tính an toàn cao hơn. Điều này sẽ nâng cao chất lượng tín dụng, làm nền tảng để kinh tế phát triển.

Cần sự “chia lửa” từ tài khóa

Đứng trước bối cảnh áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất trên thế giới hiện nay, giới chuyên môn cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ trong ngắn hạn có thể phải chấp nhận đánh đổi, phải lựa chọn giữa ổn định lãi suất hay ổn định tỷ giá. Chọn thế nào thì cơ quan điều hành dựa vào đánh giá tác động và đặt lên bàn cân làm sao hài hoà các mục tiêu. TS. Võ Trí Thành gợi ý, cơ quan điều hành có thể lựa chọn mục tiêu ưu tiên trong mỗi giai đoạn. Song ưu tiên cao nhất vẫn là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Một chuyên gia khác đề xuất các cơ quan quản lý cần linh hoạt trong điều chỉnh chính sách tiền tệ, tài khoá với mức độ thích hợp để duy trì đà phục hồi kinh tế. “Chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò quan trọng, trong đó tập trung giải ngân đầu tư công vì đây là nguồn cung vốn trực tiếp cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế; cũng là chỗ dựa cho tăng trưởng khi dư địa chính sách tiền tệ còn rất hạn hẹp”, vị chuyên gia này nhấn mạnh và cho rằng, trong bối cảnh NHTW các nước đang đối mặt với nhiều thách thức đan xen như hiện nay, việc chỉ sử dụng riêng chính sách tiền tệ là không đủ mà cần phải có sự điều hành đồng bộ cả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Trong đó, điều hành chính sách tiền tệ cần chủ động, thận trọng, thích ứng linh hoạt với diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ và sự vận động của kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, đảm bảo thanh khoản và cung ứng đủ vốn cho phục hồi kinh tế, ổn định các thị trường tiền tệ, ngoại tệ hướng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Lưu ý trên cũng là giải pháp mà NHNN hướng đến trong giai đoạn tới. Theo chia sẻ mới đây của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, điều quan trọng đối với NHNN cũng như các bộ, ngành trong giai đoạn tới là cần phải tăng cường công tác dự báo, phân tích tình hình, liên tục cập nhật những diễn biến mới để chủ động đưa ra các giải pháp điều hành. Trong điều hành, Thống đốc cho rằng, cần phải phối hợp tổng thể các chính sách kinh tế vĩ mô chứ không chỉ riêng chính sách tiền tệ. Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt đối với tăng cường đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, cũng như thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm trọng điểm. Qua đó, sẽ giảm bớt áp lực đối với tiền tệ, tín dụng từ hệ thống ngân hàng. Hoặc là những giải pháp của Chính phủ đang chỉ đạo để tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư… giúp cải thiện cung - cầu ngoại tệ cũng như giảm áp lực đối với tỷ giá.

Thời gian tới, Thống đốc cho biết, NHNN chủ động bám sát và nắm chắc tình hình để đưa ra những giải pháp, công cụ điều hành phù hợp với liều lượng cũng như là thời điểm hợp lý. Phù hợp ở đây là phù hợp với xu thế thế giới nhưng cũng như phải phù hợp với thực tiễn, đặc thù của nền kinh tế Việt Nam. “Chính sách tiền tệ cũng sẽ được điều hành trong mối quan hệ phối hợp hài hoà với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác trong tổng thể các giải pháp điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, để kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế cũng như đảm bảo an sinh xã hội”, Thống đốc lưu ý thêm.

                                                                                              (Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh