Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng: Tất cả vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô
Ngày nhập : 06/01/2020 09:56
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, năm qua hệ thống ngân hàng đã triển khai các nhiệm vụ thực thi, hoạch định chính sách, cũng như các hoạt động tiền tệ ngân hàng ngay từ đầu năm và đạt được một số kết quả quan trọng.
 
 
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng

Theo đó, NHNN điều tiết rất chủ động công cụ CSTT để kiểm soát lạm phát ở mức thấp. Lạm phát cơ bản từ đầu nhiệm kỳ đến giờ chỉ biến động trong biên độ từ 1,4 % đến 2%, giữ được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, tạo dư địa để các bộ, ngành và Chính phủ điều hành. Đó là điểm thành công lớn nhất và xuyên suốt, có yếu tố then chốt của NHNN và hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, mặc dù áp lực lãi suất quốc tế cũng như trong nước, NHNN đã điều hành hết sức linh hoạt các công cụ thị trường để ổn định mặt bằng lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân…

Về tỷ giá và thị trường ngoại hối, mặc dù điều hành tỷ giá luôn là bài toán hóc búa đối với bất cứ NHTW nào trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, với kinh nghiệm trong nhiều năm qua, NHNN đã rất linh hoạt và chủ động, điều hành ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến của thị trường, phù hợp với mục tiêu điều hành vĩ mô, tăng dự trữ ngoại hối lên 79,9 tỷ USD – mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Một thành công nữa của NHNN Việt Nam là cùng với các bộ, ngành như Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao đã phối hợp rất chặt chẽ để làm việc với các đối tác thương mại lớn. Chúng ta khẳng định với các đối tác là Chính phủ cũng như NHTW chưa và sẽ không bao giờ có ý định dùng CSTT nói chung cũng như chính sách tỷ giá để tạo cạnh tranh thương mại không lành mạnh, không công bằng với các đối tác. Tất cả hoạt động điều hành của chúng ta là đều vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và theo diễn biến thị trường.

Tăng trưởng tín dụng cũng được điều hành rất hợp lý. Tín dụng năm nay theo ước tính tăng gần 14%. Hệ thống ngân hàng đã cung ứng cho nền kinh tế khoảng 8,2 triệu tỷ đồng. Quy mô tín dụng rất lớn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn và kiểm soát tốt chất lượng, hiệu quả tín dụng. Nếu như giai đoạn 2001 - 2010 tín dụng tăng bình quân khoảng 30%/năm nhưng GDP bình quân tăng 6,82% - tức là tăng trưởng tín dụng gấp gần 5 lần tăng GDP; nhưng từ năm 2016 đến nay tỷ lệ tín dụng/GDP đã giảm mạnh, còn dưới ba lần. Dự kiến năm nay và năm tới đây NHNN cũng sẽ điều hành để tăng trưởng tín dụng so với tăng GDP còn dưới hai lần; cơ cấu tín dụng tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế.

Về thanh tra giám sát và đảm bảo an toàn hệ thống, mô hình mới của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã được kiện toàn một cách rất đồng bộ và mạnh mẽ nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát tốt các hoạt động của TCTD. Công tác cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu cũng được xử lý một cách quyết liệt. Ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật của TCTD được nâng lên rõ rệt. Ước tính đến cuối năm 2019 nợ xấu và tất cả các khoản nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu trong toàn hệ thống chỉ khoảng 4,59% - thấp hơn rất nhiều so với số nợ xấu báo cáo Quốc hội đầu nhiệm kỳ là 10,08%. Năm tới chúng ta quyết tâm đưa nợ xấu, các khoản nợ tiềm ẩn nợ xấu xuống dưới 3%.

Bên cạnh việc xử lý những vấn đề xảy ra trong ngắn hạn, Ban lãnh đạo NHNN đã tập trung chỉ đạo rất quyết liệt triển khai Chiến lược Phát triển ngân hàng đến năm 2025 và định hướng đến 2030. Chúng ta cũng đã làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính. Bốn năm liên tiếp NHNN đều đứng đầu các bộ, ngành về chỉ số cải cách thủ tục hành chính. Một nội dung rất quan trọng khác, theo chỉ đạo của Thủ tướng các bộ đã phối hợp rất chặt chẽ cùng NHNN để làm việc với APG về công tác phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố…

Năm 2020 là năm cuối cùng nhiệm kỳ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng. Do đó NHNN và hệ thống ngân hàng cần tập trung xử lý rất quyết liệt một số vấn đề sau :

Thứ nhất, trong bối cảnh thị trường quốc tế diễn biến rất phức tạp và khó lường  đòi hỏi năng lực dự báo, hoạch định cũng như chủ động trong các phương án điều hành cần làm tốt hơn nữa. Đơn cử trong điều hành tỷ giá, thị trường ngoại tệ, phải chuẩn bị nhiều kịch bản điều hành khác nhau để kịp thời ứng xử trong các tình huống. Thời gian tới, NHNN tiếp tục chủ động bám sát các diễn biến của thị trường quốc tế và khu vực để kịp thời tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và các bộ, ngành để xử lý các vấn đề với các đối tác thương mại mà chúng ta quan tâm.

Thứ hai, đảm bảo cung ứng đủ vốn cho phát triển kinh tế - xã hội đạt được mục tiêu của Chính phủ và Quốc hội đã đề ra; đồng thời tiếp tục nỗ lực và tập trung các biện pháp để tăng cường hiệu quả chất lượng tín dụng một cách bền vững, hạn chế nợ xấu phát sinh; chuyển dịch cơ cấu tín dụng tốt hơn nữa để hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu các ngành và lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là ngành Công thương và ngành Nông nghiệp.

Thứ ba, công tác thanh tra giám sát, mặc dù đã được tăng cường nhưng đây là lĩnh vực mà NHNN tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh và củng cố cả về thanh tra trung ương và các chi nhánh; tiếp tục phát huy các kết quả đã làm được trong giám sát từ xa, cảnh báo sớm để ngăn chặn, phòng ngừa rủi ro; xử lý nghiêm minh các vi phạm. Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Đề án cơ cấu lại và xử lý nợ xấu theo Đề án 1058. Vì vậy cần tập trung quyết liệt xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các TCTD.

Thứ tư, công tác thanh tra giám sát, mặc dù đã được tăng cường nhưng đây là lĩnh vực mà NHNN tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh và củng cố cả về thanh tra trung ương và các chi nhánh; tiếp tục phát huy các kết quả đã làm được trong giám sát từ xa, cảnh báo sớm để ngăn chặn, phòng ngừa rủi ro; xử lý nghiêm minh các vi phạm. Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Đề án cơ cấu lại và xử lý nợ xấu theo Đề án 1058. Vì vậy cần tập trung quyết liệt xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các TCTD.

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng phải liên tục nên NHNN đã chủ động báo cáo Thủ tướng xây dựng đề án tái cơ cấu cho giai đoạn tới để tiếp tục củng cố hệ thống lành mạnh hơn. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, pháp quy cho hoạt động ngân hàng, đặc biệt là nghiên cứu sửa đổi Luật NHNN, Luật Các TCTD, Luật Bảo hiểm tiền gửi để báo cáo Chính phủ, Quốc hội phê duyệt trong thời gian sớm nhất. NHNN chỉ đạo các TCTD tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng của ngân hàng, đảm bảo tuyệt đối an toàn...

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh