Đi tìm những tín hiệu tích cực của kinh tế Việt Nam nửa đầu 2023: Một chỉ số tăng vọt, cho thấy niềm tin mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài
Ngày nhập : 05/07/2023 13:12
Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó có kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp.

Cũng theo cơ quan thống kê, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 của nước ta tiếp tục được duy trì với mức tăng 3,72% (trong đó quý 1 tăng 3,28%, quý 2 tăng 4,14%).

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, đóng góp 11,87%. Khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 78,85%, trong đó tăng trưởng của một số ngành dịch vụ thị trường đạt mức khá: Bán buôn, bán lẻ tăng 8,49%; vận tải kho bãi tăng 7,18%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 15,14%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,13%.

Năng suất lúa đông xuân đạt khá, sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan.

Năng suất lúa đông xuân năm nay ước đạt 68,4 tạ/ha, tăng 1,6 tạ/ha so với vụ đông xuân trước; sản lượng đạt 20,2 triệu tấn, tăng 231,9 nghìn tấn. Sản lượng thu hoạch 6 tháng đầu năm 2023 của một số cây lâu năm tăng khá như: Sản lượng điều tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước; sầu riêng tăng 18,3%; xoài tăng 4,3%; cam tăng 4,8%; cao su tăng 2,3%…

Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng sữa bò tươi tăng 8,4%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước tăng 6,5%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước tăng 4,8%; sản lượng trứng gia cầm ước tăng 4,2%.

Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán tăng 3,7%; sản lượng gỗ khai thác tăng 3,8%.

Sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá tăng 1,6%, tôm tăng 3,5%.
 

Kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng tích cực ttong bối cảnh khó khăn
của kinh tế thế giới. Ảnh minh họa

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 của một số ngành cấp 2 tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 13,2%; khai thác quặng kim loại tăng 11,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 7,2%; sản xuất thuốc lá tăng 6,7%; sản xuất đồ uống tăng 5,7%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,6%.

Chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, quảng bá du lịch đã thúc đẩy tăng trưởng của một số ngành dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 đạt quy mô 3.016,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 12,2% của cùng kỳ năm 2022 trong giai đoạn 2019-2023. Vận chuyển hành khách tăng 15,9% và luân chuyển tăng 32,4%; vận chuyển hàng hóa tăng 15,9% và luân chuyển tăng 14,8%; khách quốc tế đến nước ta gấp 9,3 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD, trong đó xuất siêu của một số mặt hàng là: Điện thoại các loại và linh kiện 20,84 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 4,95 tỷ USD; thủy sản 2,87 tỷ USD; rau quả 1,85 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 1,72 tỷ USD; dây điện và cáp điện 403,5 triệu USD.
 
Dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới tăng vọt so với cùng kỳ năm trước, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam.

Tính đến ngày 20/6, cả nước có 1.293 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với số vốn đạt 6,49 tỷ USD, tăng 71,9% về số dự án và tăng 31,3% về số vốn so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 có 752 dự án, giảm 6,5% và vốn đăng ký đạt 4,94 tỷ USD, giảm 48,2%).

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều dự án đăng ký mới nhất với 379 dự án, số vốn đạt 5,47 tỷ USD (cùng kỳ năm trước có 84 dự án cấp mới với tổng số vốn là 3,32 tỷ USD).

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2023 theo giá hiện hành tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của khu vực Nhà nước tăng 12,6% phản ánh kết quả nỗ lực của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương đã quyết liệt đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư công nhằm tạo động lực tăng trưởng trong bối cảnh dòng vốn đầu tư trên toàn cầu có xu hướng sụt giảm do quá trình tái cấu trúc thương mại toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ.

Lạm phát được kiểm soát và có xu hướng giảm dần. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 tăng cao nhất với 4,89%, đến tháng 6/2023 chỉ tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm 2023 CPI tăng 3,29%.

        (Nguồn: Soha)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh