Tận dụng cơ hội để phục hồi và phát triển kinh tế
Ngày nhập : 12/10/2021 16:27
Chiều 11/10, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị báo cáo viên Trung ương, thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ tư, khóa XIII.
 
Hội nghị được triển khai theo hình thức trực tuyến tại 2.744 điểm cầu trên toàn quốc với hơn 77.000 đại biểu tham dự. Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội nghị.
 
 
     (Toàn cảnh điểm cầu tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)

Tham dự tại điểm cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có đồng chí Trần Việt Bắc, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan NHTW; đồng chí Đặng Văn Tuyên, Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan NHTW, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cùng các đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan NHTW, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra và lãnh đạo các ban chuyên trách của Đảng ủy; Bí thư, Phó Bí thư, cấp ủy viên phụ trách công tác tuyên giáo các cấp ủy trực thuộc Đảng ủy cơ quan NHTW…

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định

Thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 4, khoá XIII, đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, hội nghị được tổ chức từ ngày 4-7/10 tại Hà Nội, đã họp bàn, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng.

Trong đó, về bối cảnh tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất đánh giá, năm 2021 diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, là năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức so với năm 2020.

Kinh tế thế giới tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do các đợt bùng phát dịch COVID-19 với những biến thể mới; tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo không đồng đều, các nước phát triển tăng cao hơn trong khi các nước mới nổi, đang phát triển tăng thấp hơn so với dự báo đầu năm. Trong nước, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp hơn, nhất là dịch bùng phát lần thứ tư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân.

Tuy nhiên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đánh giá, chúng ta vẫn giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, cơ bản bảo đảm các cân đối lớn; lạm phát được kiểm soát, bình quân 9 tháng tăng 1,82%, dưới mức Quốc hội giao; thu ngân sách nhà nước ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác; bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi dự toán (4% GDP). Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm đạt 35% GDP; kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước tăng 10,7% so với năm 2020. Mặt bằng lãi suất bình quân giảm; tỉ giá và thị trường ngoại tệ ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước tiếp tục được củng cố.

Nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng tiếp tục được duy trì, ổn định. Trong 9 tháng đầu năm có 85,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 32,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Cùng với đó, các hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ được thúc đẩy mạnh mẽ. Công tác đối ngoại được triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh tình hình dịch bệnh, nhất là ngoại giao vắc-xin; nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế, góp phần giữ vững môi trường hoà bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển, tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, vẫn còn đó hạn chế, khó khăn trong những tháng cuối năm 2021. Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất đánh giá: Dự kiến 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, tuy nhiên quý III giảm 6,17% do ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt dịch bùng phát lần thứ tư, tính chung 9 tháng GDP tăng 1,42%. Kinh tế vĩ mô tiềm ẩn một số rủi ro; sức ép lạm phát tăng; xuất khẩu giảm tốc trong khi giá hàng hoá nhập khẩu tăng mạnh, ước nhập siêu cả năm khoảng 2 tỉ USD… Xuất hiện tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; lưu thông hàng hoá có lúc, có nơi ách tắc cục bộ, đặc biệt tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thấp, chậm được khắc phục, nhất là vốn ODA và vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể vẫn ở mức khá cao...

Kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội

Từ những kết quả đạt được và hạn chế trong 9 tháng qua, hội nghị đã xác định nhiệm vụ giải pháp chủ yếu 3 tháng còn lại của năm 2021 là chủ động theo dõi, dự báo sát tình hình trong và ngoài nước, quyết liệt hành động, triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Cụ thể, tập trung ưu tiên phòng, chống dịch COVID-19. Khẩn trương rà soát, tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc; xử lý các vấn đề tồn đọng, điểm nghẽn, giảm thiểu các thủ tục và chi phí trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa; đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp bị tác động trực tiếp vì đại dịch để tạo nền tảng cho việc phục hồi các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp từ năm 2022 trở đi.

Ban Chấp hành Trung ương cũng đề ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với các chỉ tiêu như: GDP phấn đấu đạt khoảng 6 - 6,5%; CPI bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%; tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5% với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là: Phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 hiệu quả để sớm mở cửa trở lại; tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế.
Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn; bảo vệ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế.. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

Rà soát, hoàn thiện về thể chế và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội. Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Chủ động tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, đặc biệt là ngoại giao vắc-xin.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII cũng dự báo, trong năm 2022, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh và nguy hiểm hơn. Từ đó, cần có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

                                                                                               (Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh