Một năm thành công trong điều hành chính sách tiền tệ
Ngày nhập : 24/12/2019 16:49
 
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Việt Nam đã có một năm 2019 tương đối thành công về mặt kinh tế khi duy trì được tăng trưởng bền vững trong bối cảnh suy giảm thương mại toàn cầu, các rủi ro vĩ mô nảy sinh và gia tăng xuyên suốt năm.

Nhìn lại kinh tế năm 2019

Không như nhiều nền kinh tế châu Á khác vốn đang gặp thách thức để duy trì tăng trưởng và vượt qua rủi ro, Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng 7% trong quý III/2019. Quan trọng hơn, tăng trưởng được duy trì chủ yếu do khu vực sản xuất và bán lẻ.

Ngành sản xuất tăng trưởng mạnh là đầu tàu kéo thương mại phát triển. Xuất khẩu của Việt Nam, mặc dù giảm nhẹ so với năm trước, vẫn đạt khoảng 8% so với cùng kỳ, tính tới thời điểm tháng 11 năm nay, trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang tạo ra những bất ổn trong kinh tế thế giới. Đây là mức tăng trưởng khá ấn tượng so với các nước khác trong khu vực và giúp thặng dư thương mại đạt mức kỷ lục với mức xuất siêu 11 tháng năm 2019 lên đến 9,1 tỷ USD.

Bên cạnh đó, bán lẻ được kỳ vọng vượt qua mức của năm 2018 khi đã tăng 12,6% so với cùng kỳ tính tới tháng 11. Chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng sẽ được duy trì một cách bền vững trong điều kiện vốn FDI đang và sẽ tiếp tục đổ vào nền kinh tế.

Chính sách tiền tệ: Một năm thành công

Về điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã có một năm thành công khi sử dụng những chính sách hợp lý, linh hoạt để ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong năm, cơ quan điều hành đã chủ động sử dụng một loạt các công cụ thị trường tiền tệ như hạ lãi suất điều hành, hạ lãi suất thông qua kênh tín phiếu/thị trường mở, hạ tỷ giá mua vào song song với việc điều chỉnh tăng dần tỷ giá trung tâm phù hợp với diễn biến thị trường.

Tiền đồng tiếp tục nằm trong nhóm những đồng tiền ổn định nhất khu vực bất chấp những bất ổn địa chính trị và các sự kiện kinh tế trong và ngoài nước. Cặp tỷ giá USD/VND gần như duy trì đà ổn định xuyên suốt trong hầu hết các tháng của 2019 và thậm chí VND tăng giá so với đồng bạc xanh khi Ngân hàng Nhà nước chủ động hạ giá mua vào ngày cuối tháng 11. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước cũng mua được lượng lớn ngoại tệ, gia tăng dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục từ trước tới nay.

Đáng lưu ý, trong bối cảnh thị trường toàn cầu chứng kiến nhiều biến động, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có nhiều diễn biến khó lường khiến đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc mất giá xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua, tiền đồng vẫn giữ được xu hướng ổn định. Xu hướng này càng rõ nét hơn khi Trung Quốc là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Áp lực lạm phát

Bên cạnh đó, áp lực về lạm phát được kiểm soát với mức tăng CPI bình quân 2,6% tính tới thời điểm tháng 11, hạ từ mức 3,5% năm 2018 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu “dưới 4%” đề ra từ đầu năm.

Với lạm phát, mặc dù ở môi trường triển vọng về giá dầu giảm, lạm phát có thể được kiểm soát tuy nhiên trong những tháng cuối năm chỉ số CPI có dấu hiệu tăng nhanh do giá thực phẩm tăng chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, đây cũng là tín hiệu đáng quan sát cho năm sau.

Một trong những thách thức lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam là chi phí trả nợ vay khi Việt Nam không còn nằm trong số các nước được hưởng các khoản vay ưu đãi. Trong lúc đó, chúng ta vẫn cần cân đối giữa quản lý để giảm nợ và nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng để hiện thực hóa các tiềm năng kinh tế.

Một yếu tố cần lưu ý nữa là Việt Nam là nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại và bất cứ một sự suy giảm về cầu cũng có tác động tới tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, chúng ta phải xét tới thực tế là các nền kinh tế đối tác thương mại của Việt Nam sẽ giảm nhẹ tăng trưởng trong năm 2020.

Để có thể duy trì tăng trưởng trong năm sau, Việt Nam sẽ cần nhiều cải cách hơn nữa, đồng thời phát triển thị trường vốn nợ nội địa. Hiện tại, thị trường vốn của Việt Nam còn đi sau các nước trong khu vực khá xa, thị trường trái phiếu chính phủ có quy mô nhỏ nhất Đông Nam Á, vẫn còn dư địa để phát triển nếu chúng ta có và thực hiện đúng những kế hoạch cho trung và dài hạn.

Những kỳ vọng trong năm 2020

Bước sang năm 2020, chúng ta có cơ sở để kỳ vọng tỷ giá tiếp tục được điều hành theo cơ chế linh hoạt. Đáng chú ý, với việc dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ và nguồn lực để điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, đáp ứng cung - cầu thị trường.

Tuy nhiên, vẫn có những thách thức cần quan sát và theo dõi như những bất ổn khi kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chậm lại, cuộc chiến thương mại và Brexit đều chưa đến hồi kết, là năm bầu cử Tổng thống Mỹ…

Trong khi đó, việc Việt Nam gần đây bị đưa vào danh sách theo dõi thao túng tỷ giá của Mỹ cũng là một tín hiệu đáng lo ngại. Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam trong năm tới cũng có thể bị ảnh hưởng do tác động từ việc sụt giảm nhu cầu toàn cầu, do đó nguồn thu từ xuất khẩu có thể sẽ không còn được tích cực như trong năm nay.

Xu hướng tỷ giá trên thế giới tiếp tục là biến số khó lường trong bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới liên tục bất định. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan điều hành chính sách điều hành thị trường theo hướng linh hoạt, chủ động để tránh tạo ra những cú sốc về tỷ giá, lãi suất.

Về phía doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp có khoản vay nước ngoài bằng ngoại tệ, đứng trước những biến động khó lường của tỷ giá, doanh nghiệp cần chủ động sử dụng các công cụ phòng vệ tỷ giá, lãi suất, đặc biệt thông qua các sản phẩm phái sinh tiền tệ như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi lãi suất… để đảm bảo chủ động trong hoạch định dòng tiền và cân đối lợi nhuận.

Tiêu dùng cá nhân của Việt Nam chiếm tới 75% trong tăng trưởng GDP năm năm gần đây nhất. Nền kinh tế cũng được hưởng lợi từ việc chuyển đổi lao động từ nông nghiệp qua các ngành đòi hỏi kỹ năng cao.

Nền kinh tế của Việt Nam đang dần chuyển sang nền kinh tế tập trung vào tiêu dùng, chỉ số niềm tin tiêu dùng cũng thuộc hàng cao trên thế giới do triển vọng tích cực về nghề nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Tầng lớp trung lưu cũng đang gia tăng… Những điều này đang đem lại vị thế tích cực cho Việt Nam để có thể tận dụng các lợi thế cạnh tranh của mình.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh