Kinh tế quý I khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực
Ngày nhập : 05/04/2022 15:42
Kinh tế quý I khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực, trong đó nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng nhanh nhất từ 2020 đến nay, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và các đối tác, nhà đầu tư quốc tế.
 

(Ảnh: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin tại họp báo)

Ổn định vĩ mô được duy trì, kinh tế khởi sắc

Chiều ngày 4/4/2022, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thường kỳ để thông tin về các nội dung chính tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì vừa diễn ra cùng ngày.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, các thành viên Chính phủ thảo luận, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng, gồm: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2022; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; công tác phòng, chống dịch COVID-19; dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); dự án Luật Phát triển công nghiệp; dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) và một số nội dung quan trọng khác.

Trong đó, về phòng chống dịch COVID-19, các thành viên Chính phủ thống nhất, dịch cơ bản được kiểm soát, số ca mắc mới, ca nặng đều giảm. Song tình hình dịch bệnh thế giới vẫn diễn biến phức tạp, có khả năng xuất hiện biến chủng mới. Do đó, Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, bảo đảm kiểm soát dịch hiệu quả, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân, hạn chế thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong; tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine; phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Về tình hình kinh tế - xã hội, quý I vừa qua đã có nhiều khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực, giúp GDP quý I tăng 5,03%, cao hơn tốc độ tăng năm 2021 (4,72%) và năm 2020 (3,66%). Nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng nhanh nhất từ 2020 đến nay, tiệm cận mức tăng trước đại dịch, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và các đối tác, nhà đầu tư quốc tế. Số doanh nghiệp thành lập mới, tái gia nhập thị trường quý I đạt kỷ lục, lên tới 60.000 doanh nghiệp, gấp 3 lần cùng kỳ.

Trong bối cảnh chịu nhiều sức ép nhưng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát với CPI quý I tăng 1,92% so với cùng kỳ - mức tương đối thấp so với cùng kỳ các năm 2018-2021. Các cân đối lớn của nền kinh tế, an ninh lương thực, an ninh năng lượng được bảo đảm…

Bám sát diễn biến tình hình để chủ động, linh hoạt trong điều hành

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng còn không ít khó khăn, thách thức. Dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các cân đối lớn còn tiềm ẩn rủi ro; áp lực lạm phát tăng; giá cả đầu vào tăng, đặc biệt là giá xăng dầu; biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt trái mùa và tình hình tội phạm diễn biến phức tạp (nhất là trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, tội phạm công nghệ cao)...

Trên cơ sở phân tích bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, Thủ tướng đã đưa ra các yêu cầu, chỉ đạo về các nhiệm vụ cụ thể thời gian tới. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến yêu cầu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Bám sát tình hình thế giới và trong nước, thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa chủ động, linh hoạt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách Nhà nước; tiết giảm tối đa chi thường xuyên. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; gia hạn nộp thuế...

Quyết liệt triển khai thực hiện và phát huy hiệu quả của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, khắc phục triệt để tình trạng manh mún, dàn trải, kéo dài. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với các dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia.

Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính; giữ đúng nguyên tắc hành động, đồng thời, căn cứ diễn biến thực tiễn để chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành.

Tăng cường phân cấp, phân quyền; kiểm tra, giám sát, bảo đảm có sự phối hợp, kiểm soát quyền lực chặt chẽ; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đầu cơ tăng giá bất hợp lý, trái quy định.

Các Bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, chủ động có biện pháp tháo gỡ hoặc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, giá cả các mặt hàng chiến lược, đầu vào sản xuất để kịp thời ứng phó, cân đối cung cầu và điều chỉnh chính sách xuất nhập khẩu phù hợp. Đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch thích ứng với an toàn với dịch bệnh trong tình hình mới; bảo đảm an toàn, thuận lợi cho du khách.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nhất là chính sách ưu đãi người có công, giảm nghèo, chăm lo đời sống người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân.

Giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân để người dân, doanh nghiệp yên tâm sinh sống, làm ăn, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến tình hình khu vực và thế giới để có chủ trương, đối sách phù hợp.

                                                                                                (Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh