Kinh tế Việt Nam 2023: Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức
Ngày nhập : 12/01/2023 16:48
Tại Diễn đàn thường niên lần thứ 15 với chủ đề “Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức” do VnEconomy phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 11/1, các chuyên gia dự báo tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ đối mặt nhiều thách thức, sức ép hơn nhưng họ đều lạc quan cho rằng nếu Việt Nam tận dụng được nhiều “cơn gió xuôi”, sẽ nối dài động lực tăng trưởng của Việt Nam sang năm nay...
 
 
(Ảnh: Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ)
 
Nhiều cơ hội trong “gam màu xám”

Việc duy trì tốt ổn định kinh tế vĩ mô, đạt mức tăng trưởng 8,02% - nằm trong nhóm tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, quy mô GDP vượt 400 tỷ USD, xuất khẩu vượt 730 tỷ USD, an sinh xã hội được bảo đảm là các kết quả rất có ý nghĩa, không chỉ tạo dư địa cho điều hành vĩ mô năm 2023 mà còn là nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững của giai đoạn 2023-2025.

Đánh giá về tình hình năm 2003, môi trường quốc tế và khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều biến động, rủi ro, nhiều mặt sẽ khó khăn, thách thức hơn.

Mặc dù bối cảnh nhiều 'gam màu xám' nêu trên cũng cho chúng ta thấy những cơ hội. Nếu kịp thời nắm bắt, hoà nhịp vào các xu thế mới, tranh thủ các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế xanh và chuyển đổi số, thu hút được các nguồn lực đầu tư mới, đây cũng sẽ là thời cơ để doanh nghiệp tạo ra các đột phá, các nền tảng để 'bứt tốc' trong tương lai.

Nhận định năm 2023 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2021-2025, là năm tạo đà quan trọng hướng tới hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, từ góc độ kinh tế đối ngoại và triển khai công tác ngoại giao kinh tế, Thứ trưởng cho rằng cần chú trọng phương châm 3K.

Thứ nhất, kiên định “ổn định chiến lược”, trong đó việc duy trì, củng cố nội lực của nền kinh tế là rất cần thiết. Đối với các nhà hoạch định chính sách, ổn định kinh tế vĩ mô trong khi duy trì mức tăng trưởng hợp lý là mục tiêu xuyên suốt được đề ra trong các kế hoạch, nghị quyết của năm 2023.

Đối với doanh nghiệp, cần duy trì được các yếu tố nền tảng, các bạn hàng lớn, thị trường chiến lược, đồng thời đa phương hóa, đa dạng hóa, tận dụng mọi cơ hội, tranh thủ các thị trường ngách.

Thứ hai, kiên quyết giữ vững “tự chủ”, “tự cường” gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trên cơ sở làm chủ khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số. Các doanh nghiệp Việt – các “gen nội” của nền kinh tế cần đầu tư hơn nữa cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trên cơ sở gắn với nhu cầu của thị trường, tăng cường đầu tư đào tạo và đào tạo lại kỹ năng cho người lao động để cải thiện vị trí trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ ba, kiên trì “phát triển bền vững”, các chính sách, kế hoạch sẽ phải điều chỉnh, thích ứng với tình hình dự báo nhiều bất ổn của năm 2023, tuy vậy cần bảo đảm cân bằng, phù hợp giữa các lộ trình trong ngắn hạn và dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm để tối ưu hoá nguồn lực.

Đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, vượt qua thử thách

Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương vừa diễn ra hồi tháng 12/2022 và các diễn đàn kinh tế gần đây của Chính phủ đã làm rõ các kết quả đạt được, khi hoàn thành 14/15 các chỉ tiêu. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, các chuyên gia cũng dự báo tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023 có những cơ hội nhưng cũng có những khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Những yếu tố bất lợi kép từ bên ngoài và bên trong mới phát sinh khó lường, chưa dự báo được, có thể gây ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội nước ta.

Nhiều tổ chức quốc tế cũng dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại, từ 2,2 – 2,5%, nhiều khu vực, quốc gia có nguy cơ rơi vào suy thoái. Những tác động đó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, từ thị trường tài chính tiền tệ cũng như các yếu tố khác.

Bên cạnh đó, hiện nay trong 10 quốc gia chiếm hơn 71% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam gồm 6 nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Anh và Hồng Kông chiếm 58% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, 6 nước này và Hồng Kông được dự báo có mức độ suy thoái kinh tế ở mức độ nhẹ trong ngắn hạn. Vì vậy, một số ngành dệt may, da giày, đồ gỗ của nước ta sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.

Tiếp đến, trong 10 quốc gia chiếm hơn 80% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam thì có 6 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia chiếm 41,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế năm 2023.

Về vấn đề đầu tư, trong 10 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam chiếm khoảng 93% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, ngoài Trung Quốc và Thái Lan có dự báo tương đối tích cực trong năm 2023 thì các đối tác còn lại gồm Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Mỹ chiếm 72% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam được dự báo có dấu hiệu rơi vào suy thoái tùy mức độ khác nhau.

Những con số này phản ánh những tác động của suy thoái toàn cầu nói chung cũng như các nền kinh tế sẽ tác động đến Việt Nam trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Vì vậy mục tiêu tăng trưởng 6,5%, lạm phát 4,5%, cùng nhiều mục tiêu khác đã được Quốc hội thông qua trong năm 2023 nếu không có sự điều hành linh hoạt chắc chắn sẽ là những thách thức rất lớn đối với Việt Nam

Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với Việt Nam là cần có cách tiếp cận tổng thể, phân tích, dự báo sát tình hình, chủ động đưa ra các kịch bản, giải pháp trọng tâm cả trước mắt và lâu dài, để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, từ đó vượt qua thách thức.

Hiện nay, định hướng dài hạn là xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, dù chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song đây cũng là yêu cầu đặt ra để tăng tính tự chủ của nền kinh tế.

Đầu tư công là điểm nhấn cho triển vọng tăng trưởng năm 2023

Ba lý do cho tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam 2022. Theo đó, Việt Nam mở cửa trở lại khá sớm; các động lực tăng trưởng phục hồi khá đồng đều và tăng trưởng so với nền thấp của năm trước.

Động lực tăng trưởng này có được duy trì trong năm 2023? Tôi cho rằng, tín hiệu lạc quan đầu tiên là Trung Quốc mở cửa trở lại từ ngày 8/1 vừa qua, GDP toàn cầu dự báo tăng thêm 0,1 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, động thái này đem lại tác động hai chiều, cả tích cực và cả tiêu cực. Tác động tiêu cực liên quan đến việc phòng chống về dịch bệnh, chúng ta sẽ phải đề phòng hơn.

Cùng với đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023; đầu tư công được đẩy nhanh hơn. Cụ thể, chi đầu tư phát triển năm 2023 dự toán ở mức gần 730.000 tỷ đồng, chiếm 35% tổng chi ngân sách nhà nước. Theo tính toán, mức chi này tăng 38,1% so với dự toán năm 2022. Thúc đẩy đầu tư công được đánh giá là cực kỳ quan trọng cho triển vọng tăng trưởng năm 2023.

Một điểm đáng chú ý năm 2023 là Việt Nam đang đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế, một loạt các luật sẽ được Quốc hội luận bàn như sửa đổi Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật các tổ chức tín dụng...

Về cơ bản, nền tảng vĩ mô của Việt Nam mạnh hơn trước rất nhiều và tiếp tục được duy trì tương đối ổn định. Kinh nghiệm phòng chống dịch, quản trị rủi ro, các kinh nghiệm xử lý những khủng hoảng của Việt Nam đã được tích lũy tương đối tốt thời gian vừa qua, rủi ro tài khóa ở mức trung bình, tạo dư địa cho năm 2023.
 
Giải ngân vốn FDI và đầu tư công

Trước những khó khăn, thách thức trong bối cảnh chung thế giới, Việt Nam vẫn có “cửa hẹp” trong năm nay để có thể đổi chiều chích sách và giải quyết được những khó khăn trong nội tại của nền kinh tế Việt Nam khi các điều kiện bên ngoài cho phép.

Nhìn vào điều hành chính sách tiền tệ toàn cầu, chúng ta thấy từ phía Hoa Kỳ, mặc dù FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất, nhưng kể cả kịch bản xấu nhất, hiện nay có thể còn 3 lần tăng lãi suất.

Lần 1 vào tháng 2, chúng ta cùng nín thở Hoa Kỳ công bố số liệu lạm phát. Nếu tháng 11, lạm phát của Hoa Kỳ là 7,1% thì thị trường đang đặt cửa mức lạm phát có thể sẽ giảm từ 7,1% xuống 6,6-6,5%. Do vậy có khả năng, vào lần tăng lãi suất tháng 2 năm nay, FED chỉ tăng 0,25 điểm, thay vì 0,5 điểm.

Còn 2 lần tăng lãi suất nữa là vào tháng 3 và tháng 5. Thời điểm đầu tháng 5 khả năng rất cao là lần tăng lãi suất cuối cùng, sau đó sẽ duy trì ở mức đỉnh lãi suất đồng USD trên thị trường liên ngân hàng từ 5-5,25% cho đến cuối năm 2023.

Như vậy, cuối tháng 5 sẽ có dư địa cho Việt Nam do chúng ta không phải chạy đua lãi suất trong nước với đồng USD, áp lực tỷ giá qua đi. Đấy cũng là dư địa để chúng ta đổi mới chính sách, ổn định vĩ mô.

Nhìn vào Hoa Kỳ thì “cửa hẹp” rơi vào giữa năm 2023. Tác động thứ 2 để Việt Nam điều chỉnh chính sách nhìn từ nước ngoài là Trung Quốc, kỳ vọng vào cơn gió xuôi khi quốc gia này mở cửa. Vì vậy,  dưới tác động của Hoa Kỳ và Trung Quốc thì cần nhấn mạnh tính chủ động của Việt Nam.

Quý 1, quý 2 vẫn khó khăn và cửa hẹp sẽ rơi vào tháng 5, tháng 6. Trong cạnh tranh chiến lược, chúng ta kỳ vọng vào đầu tư công, tiêu dùng dân cư trong nước để bù đắp cho suy giảm xuất khẩu, vì vậy chúng ta cần phải giải ngân vốn FDI cùng với giải ngân đầu tư công thì mới có bức tranh sáng.

                                                                                            (Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh