Kinh tế 2023: Thách thức và kịch bản tăng trưởng
Ngày nhập : 17/01/2023 15:04
Nếu không có thiên tai lớn và môi trường toàn cầu tiếp tục cải thiện, Việt Nam vẫn có thể duy trì đà tăng trưởng kinh tế.
 

Xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022 ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn nhập khẩu, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu là 10,5% và nhập khẩu là 7,8% nên giá trị thặng dư thương mại đạt trên 12 tỷ USD, gấp 3 lần năm 2021.

Nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ

Nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, sau 2 năm chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, Giáo sư David Dapice, chuyên gia kinh tế tại Trường Quản lý nhà nước John F Kennedy, Đại học Harvard - Mỹ nhận định như vậy trong một bài viết đăng tải mới đây trên website Diễn đàn Đông Á.

Ghi nhận mức độ tăng trưởng sụt giảm một chút trong quý IV/2022, sau 3 quý đạt tốc độ cao, nhưng Giáo sư David Dapice lưu ý rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng hơn 8% trong năm ngoái, nằm trong số các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tốt nhất toàn cầu..

Du lịch đã phục hồi mạnh mẽ trong năm vừa qua, từ mức thấp của năm trước đó, từ đó hỗ trợ tăng trưởng mạnh mẽ trong ngành dịch vụ.

Sản xuất và công nghiệp của Việt Nam duy trì mức tăng trưởng khá trong năm 2022, nhưng mức tăng về cuối năm trở nên chậm hơn so với đầu năm.

Đáng chú ý, các dữ liệu mới nhất đều cho thấy số đơn đặt hàng xuất khẩu giảm, dẫn đến nguy cơ thu hẹp sản xuất.

“Đây là một mối lo ngại nếu xu hướng này gia tăng trong năm 2023”, bài viết lưu ý.

Tuy nhiên, Giáo sư Dapice nhận định kinh tế Việt Nam có những điểm mạnh để hóa giải những thách thức. Lạm phát được ghi nhận ở mức thấp. Mức độ mất giá của tiền đồng Việt Nam so với USD thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác.

“Với chính sách tài khóa siết chặt, hầu hết các ngân hàng Việt Nam ở thế mạnh nguồn vốn dồi dào”, bài viết lưu ý.

Cơ hội phục hồi với một số ngành từ 2023

Cũng theo Giáo sư David Dapice, dòng vốn đầu tư nước ngoài cả cam kết và giải ngân đều duy trì ở mức cao cũng có nghĩa là khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi thì sẽ có một dòng luân chuyển lao động từ ngành nông nghiệp năng suất thấp sang ngành sản xuất năng suất cao hơn. Điều này sẽ làm tăng nhu cầu về bất động sản ở các thành phố.

Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành sản xuất cũng sẽ hỗ trợ tăng trưởng và góp phần chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do giúp Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường thế giới. Tuy nhiên theo Giáo sư David Dapice, trong năm 2023, động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam có thể sẽ không còn là xuất khẩu hoặc chi tiêu tiêu dùng, những hoạt động đã tăng mạnh trong năm 2022. Thay vào đó, ngành du lịch sẽ phục hồi hơn nữa khi Trung Quốc nới lỏng chính sách về Covid-19 cùng với sự gia tăng mạnh mẽ trong đầu tư của chính phủ nhằm thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%.

“Đây có lẽ là một mục tiêu đầy tham vọng và có thể đối mặt thách thức nếu nền kinh tế thế giới, hoặc ít nhất là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, không ổn định”, Giáo sư David Dapice lưu ý.

Bởi lẽ, là nước xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn so với GDP nên Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh các nền kinh tế khác tiêu dùng hoặc đầu tư ít hơn, lượng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 có thể chịu tác động.

Đánh giá chung về triển vọng kinh tế Việt Năm trong năm nay, Giáo sư David Dapice cho rằng nếu không có thiên tai lớn và môi trường toàn cầu tiếp tục cải thiện, Việt Nam vẫn có thể duy trì đà tăng trưởng kinh tế.

(Nguồn: Thời báo ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh