Bản tin kinh tế - tài chính tuần 4 tháng 11/2017
Ngày nhập : 01/12/2017 14:44
Vốn FDI xác định kỷ lục mới trong 11 tháng của năm 2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD được thông qua hay Chỉ số VN Index vượt mốc 900 điểm, tăng 41% kể từ đầu năm 2017... đó là một số thông tin kinh tế - tài chính đáng chú ý trong tuần 4 tháng 11/2017.
 
 
KINH TẾ VÀ THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Tại Châu Âu, kinh tế Anh tiếp tục đà tăng trưởng trong quý 3

Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), nền kinh tế nước này tăng 0,4% trong quý 3 (cao hơn 0,1 điểm % so với quý 2) nhờ chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh bất chấp các sức ép về lạm phát. So với cùng kỳ năm trước, kinh tế Anh tăng 1,7% trong quý 3/2017.

Nhiều khả năng, tăng trưởng kinh tế Anh sẽ đạt 1,5% trong năm 2017, mức tăng trưởng dự báo của nước này. Tuy nhiên, trong năm 2018, dự báo tăng trưởng GDP của Anh ước đạt 1,4% do những thách thức từ tiền trình đàm phán Brexit.

Kinh tế Đức đang phát triển vững mạnh

Khảo sát của Reuters cho thấy khu vực tư nhân của Đức có tốc độ tăng trưởng cao hơn trong tháng 11 do các nhà máy sản xuất hàng hóa với tốc độ nhanh nhất trong gần 7 năm.

Chỉ số PMI đối với ngành sản xuất và dịch vụ đã tăng lên 57,6 điểm (cao hơn 56,6 điểm của tháng 10). Chỉ số sản xuất đã tăng lên 62,5 điểm trong tháng 11, mức cao nhất kể từ tháng 2/11 và là mức tăng trưởng lớn thứ hai kể từ năm 1996.

Nhu cầu về nhà máy và máy móc tăng lên, cùng với đầu tư vào kinh doanh trong khu vực đồng euro đang vào hơn. Sự phát triển về sản xuất cùng với xuất khẩu tăng mạnh, chi tiêu tiêu dùng tăng cao đang mang lại kỳ vọng tăng trưởng 0,9% của nền kinh tế nước này trong quý 4.

Tại Châu Á, triển vọng kinh tế của các nước thành viên ASEAN sẽ tốt hơn trong những năm tới

Nhờ sự hội nhập khu vực ngày càng lớn, việc kết nối hạ tầng giao thông ngày càng tốt và công cuộc cải cách tiếp tục được thực hiện. Cụ thể, hai yếu tố then chốt là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Sáng kiến kinh tế Vành đai và Con đường sẽ góp phần gắn kết các quốc gia trong khu vực, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng trong những năm tới.

Dự báo, trong số các quốc gia ASEAN, Myanmar và Việt Nam là hai quốc gia sẽ có mức tăng trưởng cao. Trong đó, Myanmar có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 7,2%/năm trong 10 năm tới nhờ tăng đầu tư khi môi trường kinh doanh được cải thiện và tình hình chính trị ổn định.

Việt Nam sẽ ghi dấu ấn tăng trưởng kinh tế nhờ môi trường chính trị ổn định, cải cách kinh tế được đẩy mạnh, môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi. Các quốc gia khác trong khu vực như Philippines sẽ là một trong những điểm sáng của khu vực khi tăng trưởng GDP của nước này được dự báo duy trì ổn định, và kinh tế Indonesia tăng trưởng tích cực.

Trên thị trường chứng khoán thế giới, phần lớn các chỉ số chứng khoán chủ chốt trên thế giới duy trì xu hướng tăng trong tuần qua, ngoại trừ thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Chỉ số Dow Jones 30 và S&P 500 tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong lịch sử và dẫn dắt đà tăng của các TTCK trên toàn cầu. Dow Jones 30 tăng 0,81% lên mức 23.547 điểm, chỉ số S&P 500 lần đầu tiên vượt mốc 2.600 điểm. Các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Châu Âu tăng nhẹ.

Cụ thể: (i) cổ phiếu các công ty bán lẻ và công nghệ tăng giá khi bước vào mùa mua sắm cuối năm;(ii) cổ phiếu dầu khí và hàng hóa cơ bản tăng do giá dầu thô lên mức cao nhất trong 2 năm qua.

Chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 0,7% lên 22.542 điểm do kinh tế Nhật Bản quý 3 tăng trưởng 1,4%, quý thứ 7 liên tiếp tăng trưởng dương và lợi nhuận doanh nghiệp quý 3 được ghi nhận tích cực.

Chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 0,86% trong tuần xuống 3.354 điểm do những lo ngại về định hướng thắt chặt tín dụng của nước này để giảm rủi ro trong lĩnh vực tài chính đặc biệt đối với các sản phấm trái phiếu doanh nghiệp.

KINH TẾ VÀ THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Vốn FDI xác định kỷ lục mới trong 11 tháng của năm 2017

Tính đến ngày 20/11, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 27,8 tỷ USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2016 (11 tháng 2016 giảm 10,5%).

Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đứng đầu khi số vốn đầu tư là 14,95 tỷ USD, chiếm 45,2% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 11 tháng. Kế đó là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 8,37 tỷ USD, chiếm 25,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Và đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,5 tỷ USD, chiếm 7,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Cũng trong 11 tháng, Nhật Bản là quốc gia đứng đầu trong việc đầu tư vào Việt Nam, sau đó là Hàn Quốc và Singapore.

Trong lĩnh vực tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2017 thanh tra Bộ Tài chính đã thu hồi và nộp ngân sách nhà nước gần 9.000 tỷ đồng

Cụ thể, thanh tra ngành tài chính đã thực hiện 67.186 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 354.426 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và 10.022 vụ bắt giữ qua điều tra chống buôn lậu.

Qua đó, các đoàn thanh tra đã phát hiện và kiến nghị thu hồi 12,47 nghìn tỷ đồng, kiến nghị khác 1.137 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính 2.225 tỷ đồng; số tiền đã thu nộp ngân sách Nhà nước 8.928 tỷ đồng.

THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ

NHNN bơm khoảng 130.000 tỷ đồng từ việc tăng dự trữ ngoại hối

Cụ thể, từ đầu năm đến nay NHNN đã mua ròng khoảng 6 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối từ 40 lên 46 tỷ đồng. Như vậy, thông qua nghiệp vụ mua ròng ngoại tệ, NHNN đã bơm ròng khoảng hơn 130.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, nghiệp vụ OMO chỉ trung hòa được khoảng 32.000 tỷ thông qua hút ròng. Tính chung cả 2 nghiệp vụ, NHNN bơm ròng khoảng 100.000 tỷ kể từ đầu năm.
 

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục tăng so với tuần trước

Tính đến 27/11/2017, lãi suất O/N ở mức 1,6%, lãi suất 1 tuần là 1,6%, lãi suất 1 tháng là 1,8%, tăng 0,1 điểm % các kỳ hạn so với tuần trước. Như vậy lãi suất trên thị trường LNH đã tăng 4 tuần liên tiếp với tổng mức tăng khoảng 0,7-0,8 điểm % các kỳ hạn. Không chỉ có lãi suất trên thị trường LNH, lãi suất TPCP, lãi suất tín phiếu NHNN cũng đều điều chỉnh tăng, cho thấy nhu cầu tín dụng dịp cuối năm đang tăng cao.
 

NHNN hút ròng sau 3 tuần bơm ròng liên tiếp

Cụ thể, trong tuần NHNN đã phát hành hơn 21.000 tỷ tín phiếu thông qua nghiệp vụ outright với mức lãi suất 0,6% và 11.000 tỷ đồng tín phiếu nghiệp vụ outright đáo hạn, tính chung cả tuần, NHNN đã hút ròng hơn 10.000 tỷ đồng.
 
Đây là tuần đầu tiên sau 3 tuần liên tiếp. Lũy kế từ đầu năm, NHNN hút ròng với tổng lượng là 32.814 tỷ đồng.

THỊ TRƯỜNG NGÂN HÀNG

Ngày 20/11/2017, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng được thông qua tạo cơ sở pháp lý cho việc hỗ trợ các TCTD yếu kém giai đoạn 2016 – 2020.

Với những TCTD được mua bắt buộc có thể được Chính phủ cấp thêm vốn để bổ sung vốn điều lệ, được Chính phủ cho vay dài hạn với lãi suất 0%, được vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 0%; được vay đặc biệt Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 0%; được nhận tiền gửi hoặc vay của tổ chức tín dụng hỗ trợ với mức lãi suất ưu đãi.

Theo quy định mới tại Thông tư 13/2017/TT-NHNN ngày 29/9/2017, các NHTM phải phát hành cam kết bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai cho bên mua nhà.

Theo cam kết này, NHTM sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho chủ đầu tư khi đến thời hạn giao, nhận nhà nhưng chủ đầu tư không bàn giao nhà ở cho bên mua mà không hoàn lại số tiền đã nhận ứng trước từ bên mua.

Hiện có 42 NHTM trong hệ thống các TCTD (trừ NHTM CP Đông Á đang trong diện kiểm soát đặc biệt và 3 NH được mua 0 đồng) đủ điều kiện thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai cho khách hàng theo quy định của Thông tư 13/2017/TT-NHNN.

Quy định mới giúp giảm thiểu rủi ro cho người mua nhà nhưng làm tăng rủi ro cho ngân hàng, do đó cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát đối với hoạt động cho vay và bảo lãnh đối với lĩnh vực bất động sản của các NHTM.

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Chỉ số VN Index vượt mốc 900 điểm, tăng 41% kể từ đầu năm 2017 và xếp thứ 3 về mức tăng trưởng trong các chỉ số chứng khoán trên thế giới từ đầu năm 2017. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cuối tháng 11/2017 tăng lên xấp xỉ 66% GDP, gần đạt mục tiêu 70% GDP đến năm 2020.

Bên cạnh tác động tâm lý tích cực từ Hội nghị cấp cao APEC, việc thoái vốn Nhà nước tại Vinamilk, Vinaconex, FPT, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, XNK Y Tế Domesco cùng với việc niêm yết các cổ phiếu vốn hóa lớn như Vincom Retail đã thu hút mạnh dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài và trong nước vào thị trường cổ phiếu. Trong bối cảnh thị trường tăng trưởng, các hành vi thao túng giá cổ phiếu, giao dịch nội gián, vi phạm công bố thông tin vẫn tiếp diễn.

Do đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm và tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi thao túng giá cổ phiếu, giao dịch nội gián, vi phạm về công bố thông tin giao dịch cổ phiếu đặc biệt với cổ đông lớn, cổ đông nội bộ.

Huy động vốn Trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong tháng 11/2017 ở mức thấp

Lũy kế từ đầu tháng 11 đến ngày 22/11/2017, Kho bạc Nhà nước (KBNN) huy động được 2 nghìn 285 tỷ đồng TPCP, chỉ bằng một nửa so với giá trị phát hành cùng thời kỳ trong tháng 10/2017.

Tỷ lệ giá trị trúng thầu so với giá trị gọi thầu đạt 25% thấp hơn nhiều so với mức 61% của tháng 10. Các đợt đấu thầu TPCP trong tháng 11 kém thành công do lãi suất ở vùng đáy nên chưa hấp dẫn được nhà đầu tư.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 22/11/2017, KBNN đã phát hành được 157 nghìn 347 tỷ đồng hoàn thành 86% kế hoạch phát hành năm 2017 (183.300 tỷ đồng). Trong tháng cuối năm, KBNN cần huy động thêm khoảng hơn 20 nghìn tỷ đồng để hoàn thành kế hoạch năm 2017 do đó lãi suất huy động TPCP có thể tăng nhẹ.

Giá trị mua ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán trong tháng 11 ước đạt 343 triệu USD (trong đó: mua ròng 405 triệu USD cổ phiếu, bán ròng 62 triệu USD).

Lũy kế 11 tháng đầu năm 2017, giá trị mua ròng của khối ngoại ước đạt 1 tỷ 770 triệu USD (750 triệu USD trái phiếu, 1 tỷ 20 triệu USD cổ phiếu), tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2016. Giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh do tăng tỷ lệ nắm giữ tại Vinamilk thông qua đấu giá và mua ròng mạnh các cổ phiếu lớn mới niêm yết như VP Bank, Vincom Retail, Vietjet, Novaland.

Tổng giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 32,5 tỷ USD, tăng xấp xỉ 59% so với cuối năm 2016. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường cổ phiếu ước đạt 19,7% và trên thị trường trái phiếu ước đạt 5,3%.

Ủy ban nhận định khả năng hấp thụ vốn gián tiếp của thị trường vốn đã được cải thiện mạnh nhờ quy mô thị trường gia tăng, niềm tin của nhà đầu tư vào quyết tâm cải cách của Chính phủ, các chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước và đẩy mạnh niêm yết các doanh nghiệp lớn để tăng thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong bối cảnh thị trường vốn đang diễn biến thuận lợi.

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh