Tăng trưởng kinh tế 2017 có một phần đóng góp tích cực từ điều hành chính sách tiền tệ
Ngày nhập : 08/02/2018 15:12
Tính chung GDP cả năm 2017 tăng 6,81%. Mức tăng trưởng này vượt mục tiêu đề ra 6,7% và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011 – 2016. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nhận định, kết quả tăng trưởng kinh tế vượt bậc của năm 2017 là thành quả nỗ lực chung của toàn nền kinh tế, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Trong đó có một phần đóng góp tích cực từ điều hành chính sách tiền tệ (CSTT).
 
 
Trụ sở NHNN

Phó Thống đốc nhận định, kết quả tăng trưởng kinh tế vượt bậc của năm 2017 là thành quả nỗ lực chung của toàn nền kinh tế, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là đối với các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu; môi trường kinh tế vĩ mô ổn định đã được duy trì trong suốt những năm vừa qua tạo niềm tin vững chắc cho doanh nghiệp và hộ gia đình mở rộng sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Trong bối cảnh đó, kết quả này cũng có một phần đóng góp tích cực từ điều hành CSTT. Cụ thể:

Thứ nhất, CSTT đã góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi, giảm thiểu rủi ro cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư, cụ thể: lạm phát được kiểm soát ở mức 3,53% - thấp hơn chỉ tiêu do Quốc hội đề ra. Đáng chú ý là điều hành CSTT đã giúp đảm bảo duy trì lạm phát cơ bản bình quân cả năm 1,41%, tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ Nhà nước quản lý. Mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm 0,5-1%/năm; dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng kỷ lục giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường vĩ mô Việt Nam.

Cụ thể, trong điều hành lãi suất của NHNN, những tháng đầu năm 2017, lãi suất chịu áp lực tăng xuất phát từ áp lực lạm phát và thị trường ngoại tệ, NHNN đã nỗ lực điều hành CSTT đảm bảo thanh khoản cho TCTD, duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức hợp lý, góp phần ổn định và giảm mặt bằng lãi suất thị trường. Từ ngày 10/7/2017, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, trên cơ sở diễn biến lạm phát có chiều hướng tăng chậm và có khả năng kiểm soát theo mục tiêu 4% Quốc hội đề ra, NHNN đã giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; chỉ đạo các TCTD nỗ lực tiết giảm chi phí để có cơ sở giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp.

Kết quả, các TCTD đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; tích cực giảm lãi suất thông qua một số chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn trần của NHNN (thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm); áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, xếp hạng tín nhiệm cao khoảng 4-5%/năm. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn, 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; đối với khách hàng tốt lãi suất cho vay chỉ khoảng 4-5%/năm

Thứ hai, CSTT đã đáp ứng đủ vốn cho nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Từ đầu năm, căn cứ mục tiêu tăng trưởng và lạm phát, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm tăng khoảng 18%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Trên cơ sở đó, trong điều hành, NHNN đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Năm 2017, tăng trưởng tín dụng thực tế đạt 18,17%, phù hợp với định hướng đầu năm, đặc biệt trong điều kiện giải ngân vốn đầu tư công gặp khó khăn thì tín dụng đã tăng ngay từ tháng đầu năm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cải thiện kể từ quý II/2017.

Thứ ba, tín dụng mở rộng đi đôi với an toàn, hiệu quả, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh (chiếm khoảng 80% tổng dư nợ), nhất là lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể: Đến tháng 11/2017, tín dụng đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 26,93%; tín dụng đối với ngành bán buôn và bán lẻ tăng 23% và chiếm tỷ trọng 17,8% (cùng kỳ năm 2016 là 14,02% và 16,46%). Đặc biệt, tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ như: tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 22,1%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,53%; tín dụng đối với ngành công nghiệp ưu tiên phát triển tăng khá mạnh với tốc độ ước đạt 22,13%; cho vay ứng dụng công nghệ cao ước tăng 20% ; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 14,03%...

Thứ tư, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro được kiểm soát chặt chẽ: Đến tháng 11/2017, tỷ trọng tín dụng cho các ngành có tính rủi ro cao có chiều hướng giảm như tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản giảm từ 7,71% năm 2016 xuống 6,53% tổng dư nợ, tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán chỉ chiếm khoảng 0,17% tổng dư nợ.

Ngoài ra, ngành Ngân hàng cũng đã triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng ưu đãi đối với các doanh nghiệp thuộc một số ngành, lĩnh vực đặc thù, như cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/NĐ-CP; chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ; cho vay hỗ trợ ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; cho vay tái canh cây cà phê; cho vay hỗ trợ nhà ở; chính sách hỗ trợ khắc phục thiên tai, ngập mặn, sự cố môi trường; Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn đối với ngành chăn nuôi lợn,... Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng còn đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên cả nước với nhiều giải pháp hỗ trợ trực tiếp như tăng cường cho vay mới, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi suất cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, xây dựng các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất hợp lý, quy trình, thủ tục thuận tiện, minh bạch.

Như vậy, với việc định hướng dòng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, tăng trưởng tín dụng đã đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng kinh tế và thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế.

Bên cạnh giảm lãi suất, hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, để hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế, trong công tác điều hành tỷ giá, NHNN luôn thận trọng do những thay đổi của tỷ giá có thể gây các tác động khác nhau đến nhiều mặt của nền kinh tế như lạm phát, sự ổn định kinh tế vĩ mô, vay và trả nợ nước ngoài, niềm tin vào giá trị đồng Việt Nam, hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu.

Theo báo cáo của Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), mặc dù có những biến động trên thị trường quốc tế, nhưng với việc chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, có kết hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, tỷ giá VND/USD chỉ tăng bình quân khoảng 1,1-1,2%, thị trường ngoại hối trong nước ổn định hơn nhiều so với mức độ biến động khá lớn của các nước trên thế giới và khu vực. Trong một đánh giá mới đây của hãng tin Bloomberg về mức độ ổn định tiền tệ của một số đồng tiền thuộc khu vực châu Á, Việt Nam đồng (VNĐ) được nhận định là đồng tiền thuộc nhóm ổn định nhất ở châu Á.

Tỷ giá ổn định đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ xuất khẩu tăng trưởng tốt, giúp cho các doanh nghiệp có một môi trường ổn định, chủ động trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch kinh doanh, phòng ngừa rủi ro tỷ giá; đồng thời, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. NHNN cũng đã mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, đưa dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục; đạt được mục tiêu bước đầu trong việc chống đôla hóa.

Ngoài ra, triển khai Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, trong năm 2017, NHNN đã ban hành và quán triệt các đơn vị trong toàn hệ thống thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tại Chương trình hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 đảm bảo đúng lộ trình và đạt được kết quả như dự kiến, tập trung vào 6 nhóm giải pháp: Giải pháp cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín dụng; Giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong việc tiếp cận vốn tín dụng; Các giải pháp đơn giản hóa và hiện đại hóa thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giao dịch hành chính với NHNN, TCTD; Xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra các đơn vị trong việc triển khai 02 Nghị quyết này.

Thời gian qua, NHNN đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay; đặc biệt là Thông tư số 39/2016/TT-NHNN đã đơn giản hóa một số hồ sơ, thủ tục cho vay; bổ sung nhiều quy định để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay, bảo vệ quyền lợi của người vay; nâng cao tính tự chủ trong hoạt động cho vay của TCTD, đồng thời nâng cao yêu cầu minh bạch hóa, bảo đảm an toàn cho hoạt động cho vay của TCTD.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban lãnh đạo NHNN và sự nỗ lực của các đơn vị, các TCTD, công tác cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào việc cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng nói riêng và môi trường kinh doanh nói chung, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn ngân hàng. Nhờ đó, chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam năm 2018 đã được Ngân hàng Thế giới xếp hạng 29/190, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN, sau Brunei (xếp hạng 2/190), Malaysia và Campuchia (xếp hạng 20/190).

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, các TCTD đã chủ động rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giao dịch. Các TCTD đã tích cực đổi mới thủ tục giao dịch; công bố công khai trên Trang tin điện tử các thông tin về hồ sơ tín dụng, dịch vụ, lãi suất, phí dịch vụ; quy định tiêu chuẩn chất lượng đối với các dịch vụ; cắt bỏ nhiều loại phí cho vay không cần thiết. Quy trình sản phẩm dịch vụ cho khách hàng được cải tiến thuận tiện, nhanh gọn hơn thông qua việc ứng dụng công nghệ (Internet Banking, Mobile Banking,...).

Công tác cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, góp phần trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh. Theo kết quả xếp hạng chỉ số CCHC (Par Index) công bố trong năm 2017, NHNN tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong số các Bộ, ngành năm 2016. Đây là năm thứ hai liên tiếp NHNN giữ vị trí thứ nhất. Trong công tác chỉ đạo điều hành CCHC, NHNN đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chấp hành tốt kỷ cương hành chính, cải cách thủ tục hành chính nội bộ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và tác nghiệp. NHNN đã sớm phê duyệt và tổ chức triển khai Đề án điều tra sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp với hoạt động giải quyết TTHC của NHNN. Ban hành Danh mục tổng thể chế độ báo cáo và tổ chức rà soát theo đúng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Có thể thấy, những giải pháp mà ngành Ngân hàng đã và đang triển khai cho thấy ngành Ngân hàng luôn đặt lợi ích của doanh nghiệp trong mối quan hệ với lợi ích của ngân hàng, vì doanh nghiệp phát triển thì ngân hàng cũng phát triển, qua đó góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

(Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh