Nỗ lực phát huy vai trò trung tâm
Ngày nhập : 10/08/2017 15:05
Sau 50 năm phát triển với bao thăng trầm và thách thức, ngày nay, ASEAN đã được thế giới nhìn nhận như một tổ chức hợp tác khu vực toàn diện, một thực thể chính trị-kinh tế gắn kết và năng động góp phần thúc đẩy quá trình kết nối toàn cầu...

Các Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tề tựu tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Philippines ở thủ đô Manila để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM 50), các hội nghị liên quan và cùng nhau điểm lại những thành tựu của ASEAN suốt chặng đường nửa thế kỷ qua, cũng như thảo luận các định hướng lớn cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN thời gian tới.

Đối thoại, hợp tác vì phát triển

Hội nghị diễn ra từ ngày 4 đến 8/8 trong bối cảnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á chào mừng lễ kỷ niệm “vàng” tròn 50 năm thành lập (8/8/1967-8/8/2017) và tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Về kinh tế, xu hướng bảo hộ, chống toàn cầu hóa ít nhiều tác động bất lợi đến thương mại đa phương và các thỏa thuận, liên kết kinh tế ở khu vực. Về chiến lược, cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng và điều chỉnh chính sách của một số nước đã tác động nhiều mặt tới hợp tác chung của khu vực cũng như ASEAN.

Trong khi đó, các vấn đề về an ninh ngày càng bộc lộ gay gắt hơn như khủng bố, nhất là nguy cơ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng phát triển ở Đông Nam Á, các điểm nóng khu vực như Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên. Do đó, tại các hội nghị lần này, ngoài việc điểm lại các thành tựu hợp tác và thảo luận định hướng tương lai, các bộ trưởng cũng chia sẻ thẳng thắn, thực chất về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Các Bộ trưởng khẳng định thành tựu và giá trị lớn nhất của ASEAN đến nay là kiến tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác vì hoà bình, ổn định từ đó gắn kết các dân tộc, tạo sức mạnh tập thể cho các quốc gia trong khu vực, đồng thời tạo dựng văn hoá đối thoại và hợp tác vì phát triển giữa các nước. Các Bộ trưởng nhất trí đây chính là mục tiêu, là sứ mệnh lớn lao mà ASEAN có thể tự hào, trân trọng và tiếp tục phát huy mạnh mẽ trong thời gian tới.

Một yếu tố khác tạo dựng nên hình ảnh và vị thế ngày nay của ASEAN chính là tinh thần đoàn kết, đề cao đồng thuận, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau, cùng quan tâm và kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng. Đó là những nguyên tắc nền tảng của ASEAN, cũng chính là chìa khóa tạo nên uy tín và mức độ tin cậy của ASEAN ngày nay.

Trên tinh thần đó, các bộ trưởng đã kiểm điểm tình hình Triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể về chính trị-an ninh, kinh tế, và văn hóa-xã hội; thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề cần được khắc phục để nâng cao hơn nữa chất lượng hợp tác, nhất là về điều phối liên ngành, liên lĩnh vực cũng như hiệu quả hoạt động của các cơ quan, cơ chế của ASEAN.

Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, là lợi ích chung của tất cả các nước trong khu vực; đề cao các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên Hợp quốc (UNCLOS) năm 1982.

Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc thông qua khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), xem đây là bước khởi đầu tích cực để bắt đầu đàm phán một COC hiệu quả và thực chất.

Năm 2017 là năm có nhiều sự kiện quan trọng như kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ, ASEAN - EU, và 25 năm quan hệ ASEAN - Ấn Độ. Tại các hội nghị với đối tác, bên cạnh ghi nhận những kết quả quan trọng trong triển khai kế hoạch hành động giữa các bên, các bộ trưởng đã tập trung thảo luận hoạch định đường hướng tương lai và đề xuất các dự án hợp tác thực tiễn. Nhiều cam kết và sáng kiến quan trọng đã được các đối tác đưa ra, tiếp tục khẳng định vị thế và sức hút của ASEAN.

Các thách thức ở phía trước

ASEAN cũng đồng thời tạo dựng được quan hệ hợp tác nhiều mặt với những đối tác quan trọng trên thế giới, khởi xướng thành công và giữ vai trò chủ đạo trong một số khuôn khổ hợp tác khu vực, nhất là Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) – cơ chế khu vực duy nhất để đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị-an ninh ở châu Á và Thái Bình Dương.

Thông qua đó, ASEAN đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tác quan trọng ngoài khu vực Đông Nam Á tham gia và đóng góp xây dựng vào việc xử lý những thách thức an ninh chung, góp phần củng cố hòa bình và an ninh ở khu vực.

Trong bối cảnh, thế giới đang chuyển biến không ngừng, ASEAN còn phải đương đầu với những thách thức lớn cả bên trong và bên ngoài. Các Bộ trưởng đã bày tỏ quan ngại trước sự gia tăng của các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó nổi lên là hoạt động khủng bố, điểm nóng Bán đảo Triều Tiên và Biển Đông, sự cạnh tranh địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đe dọa sự gắn kết trong khu vực. Tuy nhiên, lịch sử của ASEAN cho thấy tổ chức này có thể chịu đựng được những cơn bão lớn.

Về vấn đề kinh tế, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chỉ ra rằng tình hình thương mại nội khối chưa cao, tác động không thuận của trào lưu chống toàn cầu hoá, việc tận dụng các thành quả của Cách mạng Công nghiệp 4.0 còn chậm.

Từ đó, Phó Thủ tướng đề xuất một số biện pháp như: phát huy hiệu quả Cộng đồng Kinh tế ASEAN thông qua thực thi các biện pháp, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, gắn sáng kiến hợp tác ASEAN với các sáng kiến của các đối tác đang thúc đẩy ở khu vực; tăng cường công tác giáo dục đào tạo, thiết lập mạng lưới các cơ quan và viện nghiên cứu về khoa học công nghệ, thúc đẩy thực hiện hiệu quả Kế hoạch công tác IAI nhất là trong lĩnh vực giáo dục đào tạo; đẩy nhanh tiến độ cải cách thể chế và hoạt động bộ máy của ASEAN, xây dựng tiêu chuẩn chung cho các cuộc họp ASEAN, tăng cường vai trò của cơ chế điều phối chung trong chỉ đạo định hướng cho các vấn đề liên ngành để đảm bảo triển khai các chương trình, kế hoạch trong tất cả các trụ cột một cách đồng bộ, hiệu quả và toàn diện.

Sau 50 năm phát triển với bao thăng trầm và thách thức, ngày nay, ASEAN đã được thế giới nhìn nhận như một tổ chức hợp tác khu vực toàn diện, một thực thể chính trị-kinh tế gắn kết và năng động góp phần thúc đẩy quá trình kết nối toàn cầu. ASEAN đã tạo lập được vai trò và vị thế quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương với sức mạnh của tầm ảnh hưởng chính trị, kinh tế và văn hóa-xã hội.

Tổng kết về quá trình hình thành và phát triển ASEAN, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, Chủ tịch ASEAN 2017, đã đúc kết chặng đường của ASEAN thực sự là quá trình đi từ “tham vấn, đồng thuận và hợp tác” đến xây dựng “cộng đồng, vai trò trung tâm và kết nối” (3C trong tiếng Anh). Kết quả của AMM 50 và các hội nghị lần này cũng đã thể hiện mạnh mẽ tinh thần và nỗ lực đó của ASEAN.

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh