SAIGONBANK: Động lực từ trách nhiệm xã hội và Chiến lược tài chính hiệu quả
Ngày nhập : 01/10/2024 14:55
Đến hết quý 3/2024, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Công thương (SAIGONBANK, mã chứng khoán SGB) ước tính lợi nhuận trước thuế đạt hơn 200 tỷ đồng, xấp xỉ 55% chỉ tiêu kế hoạch năm 2024. Nhờ tối ưu hóa nguồn lực nội tại, SAIGONBANK không chỉ hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn mà còn đảm bảo hoạt động an toàn, ổn định, đồng thời gia tăng trích lập dự phòng, tạo bộ đệm vững chắc cho tương lai.

Tăng trưởng tín dụng ổn định, kiểm soát tốt nợ xấu

Kết thúc quý 3/2024, dư nợ tín dụng của SAIGONBANK tăng 5% so với cùng kỳ năm trước và 2% so với đầu năm, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Đây là minh chứng cho việc SAIGONBANK duy trì chiến lược tăng trưởng bền vững và an toàn, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân trong quá trình phục hồi kinh tế.

Dù việc triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất đã làm giảm thu nhập lãi thuần 3% và kéo theo lợi nhuận giảm 18% so với năm trước, nhưng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2024 vẫn ước đạt hơn 200 tỷ đồng. Đại diện SAIGONBANK chia sẻ, “Việc tập trung hỗ trợ khách hàng có thể làm giảm lợi nhuận, nhưng chúng tôi tin rằng đây là biện pháp cần thiết để đảm bảo sự phát triển ổn định cho cả khách hàng và ngân hàng trong giai đoạn khó khăn hiện nay”.

Huy động vốn tiếp tục tăng trưởng ổn định, với mức tăng 8% so với cùng kỳ và 2% so với đầu năm. Thanh khoản dồi dào đã hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng tín dụng, đồng thời tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2,2%. Nhờ tăng cường trích lập dự phòng rủi ro 20% so với năm trước, SAIGONBANK đã tạo bộ đệm tài chính mạnh mẽ, giúp ngân hàng sẵn sàng ứng phó với các rủi ro có thể xảy ra.

Tối ưu hóa chi phí, tăng nguồn thu phi tín dụng

Để bù đắp sự sụt giảm thu nhập từ tín dụng, SAIGONBANK đã không ngừng tối ưu hóa chi phí quản lý và vận hành, đặc biệt qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. Đến cuối quý 3/2024, chi phí hoạt động của ngân hàng chỉ tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó phần lớn chi phí được đầu tư vào nâng cấp hệ thống an ninh, bảo mật, và ra mắt các sản phẩm tài chính số hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều phân khúc khách hàng.

Bên cạnh đó, việc tăng thu nhập từ xử lý nợ đã giúp SAIGONBANK cải thiện đáng kể dòng tiền, góp phần giảm áp lực lên nguồn thu từ tín dụng, vốn chịu tác động bởi chính sách giảm lãi suất.

Chia sẻ trách nhiệm với nền kinh tế và cộng đồng

Là ngân hàng tiên phong trong triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, SAIGONBANK đã cung cấp nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất chỉ từ 4,9%/năm, dành hơn 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Từ đầu tháng 9/2024, SAIGONBANK đã chủ động giảm lãi suất vay đến 1%/năm cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và cam kết giảm thêm cho các trường hợp thiệt hại nghiêm trọng.

Ngoài ra, để giúp đồng bào miền Bắc khắc phục hậu quả do thiên tai, SAIGONBANK còn tích cực thực hiện các hoạt động thiện nguyện, đóng góp cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các địa phương. Cán bộ nhân viên cũng ủng hộ một ngày lương, tổng số tiền đóng góp hơn 830 triệu đồng, trong đó, 500 triệu đồng đã được SAIGONBANK trao cho Quỹ “Chung một tấm lòng” của Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh, phần còn lại sẽ được gửi đến các địa phương chịu thiệt hại nặng nề sau cơn bão.
 


Tập thể cán bộ nhân viên SAIGONBANK ủng hộ 500 triệu đồng 
cho Quỹ “Chung một tấm lòng”

“Tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, SAIGONBANK cam kết dùng lợi nhuận của mình, tiết kiệm chi phí hoạt động, giảm lãi suất cho vay và dựa trên năng lực của mình để có hỗ trợ tương xứng cho người dân, doanh nghiệp”, đại diện SAIGONBANK nhấn mạnh.
 
 
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh