Mục tiêu thêm 0,8% dân cư đầu tư chứng khoán
Ngày nhập : 11/03/2019 16:01
Nâng số lượng nhà đầu tư trên thị trường lên 3% dân số vào năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025; đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa nhà đầu tư cá nhân và tổ chức; trước năm 2025 nâng hạng chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi” - đây là những điểm chính yếu của và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành và có hiệu lực kể từ ngày ký 28-2-2019.

Không phải ngẫu nhiên việc khuyến khích người dân tham gia đầu tư chứng khoán lại được đề cập ngay từ trang đầu của đề án. Gần 20 năm ra đời, đến nay mới có khoảng 2,2% dân cư đầu tư chứng khoán tính trên số tài khoản mở của nhà đầu tư. Con số 2,2% này cũng biến động liên tục bởi một nhà đầu tư có thể mở nhiều tài khoản giao dịch ở nhiều công ty chứng khoán khác nhau và không phải tài khoản nào cũng hoạt động. Có tài khoản cả năm không được sử dụng.

Chứng khoán muốn phát triển, trước hết phải bắt đầu từ người dân. Trách nhiệm của cơ quan quản lý là “xây dựng” và điều hành “cái chợ” để làm sao ngày càng có nhiều người tham gia. Muốn thế, chợ phải đẹp, tiện nghi, hàng hóa phong phú, dễ mua, dễ bán, dễ thanh toán. Khi mua bán thuận tiện thì giao dịch sôi động, thanh khoản cao và cơ hội tìm kiếm lợi nhuận cũng nhiều hơn. Đấy có lẽ là cái đích của chứng khoán dành cho tất cả các chủ thể thị trường.
Ở các nước, nhà đầu tư tổ chức chiếm đa số. Ở Việt Nam ngược lại, nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ áp đảo. Lý do là ở các nước, đa số người dân đầu tư qua các tổ chức (các loại quỹ, kể cả quỹ hưu trí, quỹ ký thác, quỹ bất động sản, bộ phận ngân hàng đầu tư bao gồm nghiệp vụ quản lý tài sản cho khách hàng của các ngân hàng...). Ở Việt Nam, phần lớn nhà đầu tư cá nhân trực tiếp tham gia giao dịch vì chưa có nhiều tổ chức đầu tư cho họ lựa chọn. Một số công ty chứng khoán có lập các quỹ quy mô nhỏ, hoặc nhận ủy thác đầu tư nhưng chỉ dừng ở phạm vi hẹp. Các quỹ đầu tư lớn trên thị trường Việt Nam hiện nay hầu hết huy động vốn của nước ngoài.

Đề án lần này không chỉ hoàn thiện cơ sở pháp lý, đa dạng hóa hàng hóa (đẩy mạnh cổ phần hóa và Nhà nước thoái vốn; tất cả ngân hàng thương mại đều phải niêm yết; triển khai thêm sản phẩm phái sinh; phát triển các loại hình quỹ đầu tư...), tái cấu trúc triệt để các công ty chứng khoán, mà quan trọng nhất là có giải pháp tăng thanh khoản cho thị trường. Những giải pháp mang tính động lực cho thị trường bao gồm: nới biên độ dao động giá trong ngày theo tính chất của từng bảng cổ phiếu niêm yết (sẽ phân bảng cổ phiếu - NV) + áp dụng cơ chế ngắt mạch tự động trong trường hợp thị trường biến động mạnh + tăng thời gian giao dịch.

Suốt nhiều năm qua, giới tài chính, chuyên gia và cả báo chí đã phản ánh nhiều lần việc phân loại các bảng cổ phiếu theo tiêu chí nhất định, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Cổ phiếu trên mỗi sàn là sự pha trộn của nhiều ngành nghề, quy mô nhỏ/lớn đan xen, kinh doanh hiệu quả cũng như không hiệu quả, minh bạch nằm cùng không minh bạch, quản trị dở cũng như quản trị tốt...Chẳng hạn để so sánh các công ty cùng ngành nghề, nhà đầu tư phải “đỏ mắt” sàng lọc cổ phiếu trên cả ba sàn.

Một điểm khác biệt lớn là triển khai mô hình vay và cho vay chứng khoán. Nói cách khác là nhà đầu tư được phép vay cổ phiếu để giao dịch, tức bán khống. Từ “bán khống” không được nói đến trong đề án, nhưng vay chứng khoán không gì khác hơn là cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán, hợp đồng tương lai.
Đề án đưa ra phương án cụ thể thành lập Tổ Điều hành thị trường chứng khoán do Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan. Đây sẽ là lần đầu tiên Bộ Tài chính có tổ điều hành chứng khoán riêng. Từ trước đến nay, chứng khoán dường như “lép vế” trước các hoạt động khác của Bộ Tài chính là thu, chi ngân sách. Tầm quan trọng của cơ quan thuế, cơ quan hải quan có vẻ được nhấn mạnh hơn quản lý và điều hành thị trường chứng khoán rất nhiều.

Từ đề án đến khi có văn bản hướng dẫn thực hiện không biết sẽ mất bao lâu. Trước mắt việc thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi cần phải được tiến hành càng nhanh càng tốt. Năm 2020 đã rất gần và mục tiêu tăng thêm 0,8% dân số tham gia đầu tư chứng khoán (từ 2,2% lên 3% dân số), tương đương khoảng 600.000 -700.000 nhà đầu tư không phải quá khó khăn. Chỉ cần mỗi nhà đầu tư mới bỏ 10 triệu đồng vào tài khoản chứng khoán  - một số tiền quá nhỏ bé so với tiền mà người dân gửi tiết kiệm hiện nay - thì sẽ có 6.000-7.000 tỉ đồng cho thị trường chứng khoán. Còn nếu mỗi nhà đầu tư mạnh dạn dành 100 triệu đồng để mua cổ phiếu, thị trường sẽ được cung cấp thêm 60.000-70.000 tỉ đồng, gấp đôi số tiền mà chúng ta kỳ vọng nước ngoài đầu tư vào chứng khoán Việt Nam nếu thị trường được nâng hạng.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh