Hỗ trợ kịp thời nhờ chính sách đồng bộ
Ngày nhập : 18/03/2020 10:59
Hỗ trợ kịp thời nhờ chính sách đồng bộ

Hoạt động hỗ trợ nền kinh tế của hệ thống ngân hàng mỗi khi xảy ra các biến cố khách quan hoặc thiên tai, dịch bệnh đều được thực hiện một cách khá nhanh chóng kịp thời, và hệ thống TCTD thường xuyên là những đơn vị tiên phong đưa ra các giải pháp hỗ trợ cụ thể và hiệu quả đến DN, người dân.

Sau một tuần Thông tư 01/2020 (về việc hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19) do NHNN ban hành chính thức có hiệu lực, hoạt động cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn, giảm các loại phí giao dịch, lãi suất vay vốn đã bắt đầu phổ biến ở tất cả các NHTM trong hệ thống.

Quan sát cho thấy, hiện nay các nhóm DN bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid-19 như: du lịch; giao thông vận tải; các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là nhóm hàng nông lâm thủy - hải sản… đều đã được các TCTD rà soát, thống kê thiệt hại để có giải pháp hỗ trợ kịp thời và phù hợp.
 

Ảnh minh họa
 
Thực tế, không phải đợi đến khi Thông tư 01/2020 được ban hành mà ngay từ sau Tết Nguyên đán, với các văn bản trực tiếp chỉ đạo của NHNN (như Văn bản số 479, Công văn số 541, Công văn 1117 và Công văn số 1425 – liên tiếp được ban hành trong tháng 2 và 3/2020), các TCTD tại các địa phương đều đã chủ động xây dựng các giải pháp, phương án hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại bởi dịch bệnh.

Tại TP.HCM, ngay từ đầu tháng 2/2020, chi nhánh NHNN tại địa phương đã có buổi làm việc với các NHTM trên địa bàn các quận, huyện khu vực ngoại thành để yêu cầu các đơn vị TCTD vận dụng những giải pháp đã được áp dụng trong các đợt hỗ trợ khắc phục dịch bệnh ở các năm trước, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi năm 2019 để hỗ trợ DN và người dân.

Tại Đồng Nai và Tiền Giang, trước khi Thông tư 01/2020 được ban hành, các chi nhánh NHNN tại các tỉnh này cũng đã có văn bản chỉ đạo NHTM chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng để kịp thời áp dụng các biện pháp giãn nợ, miễn giảm một phần lãi vay và xem xét cho vay mới căn cứ theo các quy định pháp lý sẵn có trong Nghị định 55/2015 và Nghị định 116/2018 của Chính phủ về tín dụng phát triển nông nghiệp – nông thôn…

Ở phạm vi cả nước, thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho thấy rằng chỉ trong vòng 3 tuần lễ (2 tuần cuối tháng 2 và tuần đầu của tháng 3/2020), các TCTD trong hệ thống đã gần như rà soát xong số lượng dư nợ bị thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 và chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi vay cho khoảng 44.000 khách hàng với dư nợ trên 222.000 tỷ đồng dựa trên các quy định pháp lý có sẵn.

Có thể nói, việc các TCTD chủ động nghiên cứu quy định về hỗ trợ khách hàng đã được thể hiện trong những Nghị định của Chính phủ từ các năm trước cũng như kết hợp chặt chẽ các chương trình tín dụng ưu tiên, ưu đãi mà NHNN đã chỉ đạo trong suốt giai đoạn vừa qua như: Chương trình cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn (Thông tư số 10/2015, Thông tư 25/2018), Chương trình cho vay DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Quyết định 813/2017), cho vay phát triển thủy sản… cho thấy hiệu quả của hoạt động hỗ trợ tín dụng được hệ thống ngân hàng kế thừa và phát triển một cách khá chủ động.

Điều này, ở góc độ pháp lý cho thấy tính xuyên suốt trong cơ chế, chính sách hỗ trợ khách hàng đã được NHNN chỉ đạo một cách khá liên tục và đồng bộ. Trong khi đó, ở góc độ kinh doanh, các đơn vị trong hệ thống TCTD đã thể hiện rõ nét tinh thần chủ động chia sẻ, chủ động hợp tác. Chính điều này đã khiến cho hoạt động hỗ trợ nền kinh tế của hệ thống ngân hàng mỗi khi xảy ra các biến cố khách quan hoặc thiên tai, dịch bệnh đều được thực hiện một cách khá nhanh chóng kịp thời, và hệ thống TCTD thường xuyên là những đơn vị tiên phong đưa ra các giải pháp hỗ trợ cụ thể và hiệu quả đến DN, người dân.

Nguồn: Thời báo Ngân hàng

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh