Vững vàng hỗ trợ nền kinh tế
Ngày nhập : 30/07/2021 15:41
Hệ thống ngân hàng vẫn đang chứng tỏ sự vững vàng trước cơn bão đại dịch Covid-19. Theo nhìn nhận của giới chuyên môn, việc ngân hàng duy trì hoạt động an toàn hiệu quả trong giai đoạn vừa qua là vô cùng tích cực bởi hệ thống ngân hàng có mạnh thì mới hỗ trợ được tốt cho nền kinh tế, cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua cơn bão đại dịch.

Trên thực tế, ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, NHNN cùng các TCTD đã tích cực chủ động đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn như cơ cấu nợ, giảm mạnh lãi suất… Số liệu mới nhất từ NHNN cho biết, tính đến ngày 14/6/2021, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 241.443 khách hàng với dư nợ 326.299 tỷ đồng. Đồng thời, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 679.877 khách hàng với dư nợ 1.053.808 tỷ đồng…

Không dừng lại ở đó, thực hiện lời kêu gọi của NHNN, mới đây nhiều ngân hàng tiếp tục giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn của đại dịch…

Có được sự vững vàng trên, theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Thành – giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam là nhờ 5 năm qua hệ thống ngân hàng tăng trưởng tốt và hiệu quả chứ không chạy theo tăng trưởng nóng, tăng trưởng tín dụng quá đà. Năng lực quản trị của các ngân hàng cũng được đổi mới, tiệm cận dần với chuẩn mực quốc tế khiến cho hoạt động của các ngân hàng an toàn và bền vững hơn.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, trong giai đoạn vừa qua các TCTD đã phải rất nỗ lực mới có được nguồn lực tài chính cải thiện rõ rệt như vậy. Theo đó bản thân các TCTD đã tự củng cố, nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính của mình. Gần như tất cả các TCTD đã tăng được vốn điều lệ để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy chuẩn quản trị rủi ro quốc tế Basel II. Nhiều ngân hàng trong nhiều năm liền không chi trả cổ tức cho cổ đông để dành nguồn lực vốn cho tương lai. “Đây chính là một trong những cơ sở tạo điều kiện cho TCTD đảm bảo an toàn hệ thống của chính mình, qua đó giúp tăng năng lực quản trị một cách bền vững”, ông Hùng nhấn mạnh.

Đặc biệt việc đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin vào mọi mặt hoạt động đã giúp các ngân hàng tiết giảm được rất nhiều chi phí hoạt động. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, những sự đầu tư này đã phát huy hiệu quả rất tốt. Đặc biệt phải kể tới sự hình thành ngân hàng số - một trong những bước chuyển mạnh mẽ của ngành Ngân hàng. Ngân hàng số đem tới sự giản tiện cho người sử dụng. Chúng ta có thể thấy hiện nay, mọi người dân đều có thể dễ dàng sử dụng điện thoại để chuyển tiền, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt ở mọi nơi, mọi lúc mà không cần phải đến ngân hàng…

Cũng bởi có ngân hàng số và thanh toán điện tử mà lượng tiền mặt trong lưu thông chủ yếu luân chuyển giữa các tài khoản tại ngân hàng, giúp các TCTD gia tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp. Nhờ đó, các TCTD có điều kiện tiết giảm chi phí huy động vốn đầu vào. Không những vậy còn giúp ngân hàng cơ cấu lại nguồn thu rất hiệu quả. Trước kia nguồn thu ngân hàng chủ yếu là từ thu lãi vay, thì nay tỷ lệ thu từ dịch vụ tại các TCTD đều gia tăng, có ngân hàng thu dịch vụ đóng góp tới 40% vào lợi nhuận và điều này phù hợp với xu thế quốc tế.

Quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu được triển khai quyết liệt cũng giúp hoạt động của các ngân hàng an toàn và hiệu quả hơn. Tới nay, 21 TCTD đã mua lại các khoản nợ đã bán cho VAMC, hoạt động trích lập dự phòng rủi ro cũng được tăng cường. Bên cạnh đó, sự ra đời của Nghị quyết 42 và hiệu quả trong điều hành kinh tế của Chính phủ đã giúp kinh tế tăng trưởng ổn định, những khoản nợ liên quan đến bất động sản, hoặc những bất động sản tồn đọng trước đây, đều được xử lý nhanh và hiệu quả hơn. Đây là một trong những điểm quan trọng giúp phá tan “cục máu đông” nợ xấu, tạo điều kiện luân chuyển vốn trong nền kinh tế, giúp tăng tỷ lệ thu nhập bất thường ở các TCTD trong thời gian qua.

Có thể nói, nền tảng tài chính được cải thiện rõ rệt trong giai đoạn vừa qua đã tạo dư địa để ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế. Song dư địa này đang bị thu hẹp lại dần trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đại dịch đã ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh và gây nhiều khó khăn cho đời sống của người dân. Nền kinh tế và doanh nghiệp bị ảnh hưởng chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến ngân hàng. Vì doanh nghiệp gặp khó, khả năng trả nợ ngân hàng suy giảm trong khi ngân hàng phải tiếp tục tăng trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ tiềm ẩn, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, giảm phí cho khách hàng…

“Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã gồng mình lên để tái cơ cấu, đầu tư công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cắt giảm chi phí để có nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp. Nhưng tới đây, khi nợ xấu phát sinh và phải đảm bảo đưa tỷ lệ nợ xấu về theo đúng quy định thì ai sẽ hỗ trợ ngân hàng?... Đây là những vấn đề đang đặt ra đối với hoạt động ngân hàng”, ông Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ băn khoăn và cho rằng, với việc đại dịch bùng phát như hiện nay, ngành Ngân hàng lại tiếp tục sẵn sàng tâm thế bước vào cuộc tái cơ cấu mới với mức độ phức tạp hơn rất nhiều. Vì vậy, ngành Ngân hàng cũng đang rất cần sự cảm thông, chia sẻ khó khăn từ cơ quan quản lý và các đối tác trong thời gian tới.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh