Vững bước hợp tác và hội nhập quốc tế
Ngày nhập : 11/02/2022 17:25
Việc ứng dụng công nghệ được triển khai kịp thời, tạo nền tảng cho việc hoàn thành các nhiệm vụ và mục tiêu đối ngoại của Ngành, đồng thời xử lý kịp thời, khéo léo các thách thức phát sinh.

Diễn biến dịch Covid-19 cả trong, ngoài nước và các quy định hạn chế di chuyển tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai hoạt động hợp tác quốc tế ngành Ngân hàng trong năm 2021. Một trong những công cụ quan trọng nhất của công tác đối ngoại là gặp gỡ trực tiếp nhằm giao lưu, trao đổi, đàm phán để thắt chặt quan hệ hoặc giải quyết các vướng mắc phát sinh đã không phát huy được vai trò trong bối cảnh đại dịch. Việc xây dựng và triển khai các hoạt động hợp tác cũng gặp nhiều bất lợi. Trong khi đó, yêu cầu tăng cường hợp tác và đảm bảo cũng như gia tăng sự ủng hộ của quốc tế đối với Việt Nam và ngành Ngân hàng ngày càng cao, khối lượng công việc và nhiệm vụ hợp tác quốc tế thường xuyên và mới phát sinh trong năm nhiều và đầy thách thức, đòi hỏi NHNN Việt Nam và các cán bộ làm công tác đối ngoại phải không ngừng thích ứng và nỗ lực.
 

Phát huy các giải pháp đã triển khai từ năm 2020 khi dịch bệnh bùng phát, các hình thức trao đổi và làm việc tiếp tục được điều chỉnh linh hoạt, việc ứng dụng công nghệ được triển khai kịp thời, tạo nền tảng cho việc hoàn thành các nhiệm vụ và mục tiêu đối ngoại của đất nước và của Ngành, đồng thời xử lý kịp thời, khéo léo các thách thức phát sinh.

Trước tiên phải kể đến việc NHNN tiếp tục củng cố bền vững các mối quan hệ hợp tác truyền thống và huy động được sự hợp tác, ủng hộ, hỗ trợ tích cực cho những nỗ lực của Chính phủ và của Ngành. Các chương trình và dự án tiếp tục được triển khai theo kế hoạch. NHNN thực hiện nghiêm túc những cam kết hợp tác, hội nhập trong các khuôn khổ đã tham gia và các thoả thuận đã ký kết cả trên bình diện song phương và đa biên. Hợp tác với các nước ASEAN, ASEAN+3, APEC, WTO, SEACEN tiếp tục được thúc đẩy. Trong quan hệ với các đối tác truyền thống như Lào, Cuba, NHNN tiếp tục triển khai hỗ trợ đào tạo chuyên môn và chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời đã tích cực tham gia hỗ trợ phía bạn xử lý khó khăn mới phát sinh. Ghi nhận đóng góp của cán bộ NHNN trong nhiều thời kỳ, tháng 3/2021 Ngân hàng Quốc gia Campuchia đã trao tặng 33 Huân chương Hoàng gia Sahametrei hạng 5 của Chính phủ Hoàng gia Campuchia và 382 Bằng ghi công của Ngân hàng Quốc gia Campuchia cho các cựu chuyên gia ngân hàng Việt Nam giai đoạn 1979 - 1989 (Ban K). Hoạt động của các tổ/nhóm công tác chung với NHTW các nước đạt được tiến triển tích cực, trong đó nổi bật là kết quả của Nhóm công tác chung giữa NHNN và NHTW Thái Lan về hợp tác kết nối thanh toán song phương trong lĩnh vực bán lẻ sử dụng công nghệ mã phản ứng nhanh (QR code) với việc triển khai kết nối thử nghiệm thành công vào cuối tháng 3/2021.

Trong bối cảnh cần nguồn lực rất lớn cho phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế, NHNN đã tiếp nhận thành công khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 5 triệu USD cho dự án Hỗ trợ giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; và đàm phán để Việt Nam được WB chấp thuận kéo dài thời hạn trả nợ nhanh các khoản vay IDA thêm 1 năm tới ngày 01/7/2021, góp phần tiết kiệm ngân sách được khoảng 400 triệu USD trả nợ trong giai đoạn trên. Với IMF, bên cạnh tư vấn chính sách, tháng 10/2021, IMF đã phân bổ 1,1 tỷ SDR cho Việt Nam (tương đương khoảng 1,6 tỷ USD), là khoản dự trữ ngoại hối lớn mà Việt Nam có thể huy động trong điều kiện khẩn cấp để xử lý khủng hoảng.

Đối phó với hậu quả của đại dịch, nhiệm vụ dài hạn về phát triển và tăng cường năng lực cho NHNN và ngành Ngân hàng không ngừng được chú trọng. NHNN đã huy động được nhiều chương trình, dự án hợp tác kỹ thuật có ý nghĩa cấp thiết cho ngành Ngân hàng như trong các lĩnh vực: tài chính toàn diện, ngân hàng xanh, tín dụng xanh, tài chính vi mô, fintech, ngân hàng số, phòng chống rửa tiền… Với vai trò là cơ quan chủ trì về tài chính toàn diện tại Việt Nam, NHNN đã chủ động huy động các nguồn lực quốc tế để triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, tập trung các lĩnh vực mới và nóng hiện nay như thanh toán, tài chính vi mô, giáo dục tài chính, bảo vệ người tiêu dùng tài chính... Về đào tạo, trong năm 2021, NHNN đã cử hơn 282 lượt công chức tham gia gần 63 khóa đào tạo, hội thảo ngắn hạn trực tuyến của IMF, BIS, IIF, MIT; 274 cán bộ tham gia 46 khoá học của SEACEN; 44 cán bộ tham gia 3 khoá học của SCCB; đồng thời cử 2 cán bộ tham gia ứng tuyển vị trí việc làm ngắn hạn tại IFC (BIS), BIS và 2 cán bộ biệt phái tại AMRO.

Một điểm nổi bật trong hợp tác tài chính tiền tệ năm 2021 là việc NHNN đã linh hoạt và kịp thời xử lý các vấn đề khó, mới phát sinh. Trước cáo buộc và điều tra định giá thấp tiền tệ theo Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974 do phía Hoa Kỳ khởi xướng, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan hoàn tất quá trình đàm phán Kế hoạch hành động và đến nay đã đạt được các kết quả hết sức tích cực; qua đó, cơ bản giải quyết quan ngại của phía Hoa Kỳ về vấn đề tiền tệ. Bên cạnh đó, NHNN làm đầu mối phối hợp với các bộ/ngành tích cực xử lý các vấn đề liên quan đến Báo cáo "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ" của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, trong đó khẳng định chủ trương nhất quán không sử dụng chính sách tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế và việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là kiểm soát lạm phát, góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Dấu ấn nữa trong công tác hợp tác tài chính tiền tệ của NHNN năm qua là việc nâng cao vai trò, vị trí, tiếng nói của NHNN và Việt Nam tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế. Với vai trò là Chủ tịch SEACEN 2022, bắt đầu từ năm 2021, NHNN tiếp nhận và chủ trì đăng cai tổ chức các sự kiện quan trọng của SEACEN như Hội nghị Hội đồng Thống đốc (BOG) và Hội thảo cấp cao bên lề diễn ra vào tháng 11/2021 với chủ đề về số hóa hệ thống tài chính. Tại các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, NHNN tiếp tục thực hiện tốt vai trò đại diện nước CHXHCN Việt Nam, trong đó nổi bật là việc tập trung đảm nhiệm tốt vai trò Giám đốc Nhóm nước tại AIIB và thúc đẩy hợp tác với BIS sau khi gia nhập.

Tại AIIB, NHNN tiếp tục thực hiện tốt nhiệm kỳ Giám đốc Nhóm nước trong Ban Giám đốc AIIB. Qua đó xây dựng hình ảnh Việt Nam là một thành viên có khả năng dẫn dắt Nhóm nước, có uy tín, trách nhiệm, làm việc chuyên nghiệp, có những đóng góp hiệu quả và thiết thực cho Nhóm nước nói riêng và hoạt động của AIIB nói chung.

Với BIS, sau khi gia nhập, NHNN đã tích cực triển khai và tham gia có trách nhiệm vào các cuộc họp định kỳ, hoạt động hợp tác và trao đổi, phân tích chính sách với BIS. Tại các cuộc họp thường kỳ cấp Thống đốc và Phó Thống đốc BIS, NHNN đã có nhiều bài phát biểu với nhiều nội dung được ghi nhận và đánh giá cao như chia sẻ về thực tiễn điều hành chính sách tiền tệ trong thời kỳ Covid-19, chia sẻ về hoạt động làm việc trực tuyến tại NHNN Việt Nam trong thời gian giãn cách do dịch bệnh...

Những thành tích đáng tự hào trên lĩnh vực hợp tác và hội nhập tài chính tiền tệ ngân hàng của NHNN trong năm 2021 là kết quả của sự chỉ đạo, điều hành và ra quyết định kịp thời của lãnh đạo NHNN và Chính phủ và đặc biệt là những nỗ lực vượt bậc trong khắc phục khó khăn và chấp nhận thử thách của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại của NHNN. Năm 2022 dự báo sẽ tiếp tục là một năm khó khăn khi mà đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường. Để vượt qua những thách thức đó, NHNN sẽ tiếp tục triển khai một cách linh hoạt và chuyên nghiệp các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ, tài chính, ngân hàng; tiếp tục đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu; tích cực tham gia đóng góp vào quá trình định hình và phát triển các thể chế đa phương; và không ngừng nâng cao vị thế của Việt Nam và ngành Ngân hàng trên trường quốc tế.

                                                                                                (Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh