Tiếp tục cải thiện hệ thống ngân hàng bền vững
Ngày nhập : 24/06/2020 10:08
 
Những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong quá trình tái cơ cấu thời gian qua đã góp phần quan trọng bảo đảm an toàn hoạt động, tạo nền tảng kinh tế vĩ mô bền vững, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong quá trình tái cơ cấu thời gian qua đã góp phần quan trọng bảo đảm an toàn hoạt động, tạo nền tảng kinh tế vĩ mô bền vững, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện ở việc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm liên tục điều chỉnh tăng triển vọng xếp hạng trong các năm gần đây.

Giới chuyên gia nhìn nhận, xét về mặt tích cực, ngành Ngân hàng đã có sự chuyển đổi rất khả quan qua từng giai đoạn tái cơ cấu. “Chúng ta đang ở năm cuối cùng của giai đoạn 2 tiến trình tái cơ cấu hệ thống TCTD và có thể nói đây là giai đoạn ghi nhận sự thay đổi khá rõ rệt về tái cơ cấu tổ chức ngân hàng so với thời điểm trước, nhất là trong 3 năm trở lại đây”, một chuyên gia chia sẻ.

Ông Trần Đăng Phi - Phó Chánh thanh tra giám sát, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (CQTTGS) cho biết, các NHTMCP tiếp tục được củng cố, chấn chỉnh các mặt về tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu (XLNX), tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng tín dụng, đa dạng hoá dịch vụ ngân hàng… Chất lượng tín dụng qua các năm từng bước được cải thiện, các giải pháp XLNX được triển khai đồng bộ, sử dụng các biện pháp giảm phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh… Các NHTM tích cực trong triển khai phát triển ngân hàng số thông qua chuyển đổi mô hình tổ chức, thay đổi cơ cấu nhân sự, TTKDTM đang dần trở nên phổ biến.

Tuy nhiên, bước sang đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động rất mạnh tới mọi ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có ngành Ngân hành, gây ảnh hưởng tới tiến trình tái cơ cấu hệ thống. TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận thấy, nợ xấu gia tăng đã làm chậm quá trình tái cấu trúc, nếu không có dịch thì có thể năm nay toàn Ngành đã có một bức tranh sáng sủa về giải quyết nợ xấu. Chưa kể các ngân hàng đều đang phải nỗ lực để có thể đáp ứng được quy định Thông tư 41 theo chuẩn Basel II, duy trì tỷ lệ CAR tối thiểu 8%...

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, quản trị DN trong ngân hàng đòi hỏi các NHTM bắt buộc phải thay đổi tư duy và cách thức vận hành để có thể thích ứng và đáp ứng được các yêu cầu mới. Tư duy về quản trị cũng cần phải gắn với tư duy, nhận thức trong phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Các chuyên gia cũng cùng chung quan điểm khi cho rằng việc tái cơ cấu hệ thống TCTD phải đi cùng với thực hiện tái cơ cấu hai trụ cột khác là đầu tư công và DNNN. Việc tái cấu trúc cả ba trụ cột này nằm trong việc chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam theo mô hình tăng trưởng mới.

Quan sát của nhiều quốc gia cho thấy, vai trò của các DNNN vẫn rất mạnh và lớn trong kinh tế Việt Nam, là lực lượng chủ động và có tính chi phối hệ thống. Liên quan xử lý vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo, chuyên gia cho rằng đã ghi nhận những kết quả khả quan rất nhiều…

Nói về định hướng thời gian tới, Phó Chánh thanh tra giám sát Trần Đăng Phi cho biết, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD trong việc thực hiện quy định, chỉ đạo của NHNN, tiếp tục rà soát, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. NHNN cũng sẽ tập trung rà soát TCTD có nguy cơ nợ xấu tăng do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 để có những đánh giá, thống kê đầy đủ. “Đồng thời, NHNN đang chỉ đạo TCTD đánh giá toàn diện, đầy đủ, sâu sắc việc thực hiện Quyết định 1058, tiến tới xây dựng đề án tái cơ cấu giai đoạn mới”, ông Phi cho hay.

(Nguồn: thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh