Thị trường lấy lại phong độ
Ngày nhập : 02/04/2018 15:59
Áp lực giao dịch ngày cuối cùng của quý I chỉ còn tác động lên thị trường trong buổi sáng. Thị trường càng về cuối phiên càng tích cực hơn và VN-Index đóng cửa mức cao nhất trong lịch sử.
 
 
Điểm tối: Cổ phiếu ngân hàng và VNM

VN-Index đóng cửa ngày cuối cùng của tháng 3 ở mức 1.174,46 điểm, tăng thêm 7,43 điểm so với hôm qua. Nếu tính theo mức điểm số đóng cửa thì hôm nay là ngày chỉ số cao nhất trong lịch sử.

Thị trường có thể đã tưng bừng hơn trong phiên này, nếu như không bị ảnh hưởng xấu từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và VNM. Đầu tiên phải kể tới cổ phiếu lớn nhất thị trường là VNM, giảm tới 1,93%. Chỉ trong có 3 ngày mà VNM đánh mất gần 4,7% giá trị, trở thành blue-chips kém nhất thị trường.

Không có nguyên nhân cụ thể nào lý giải hiện tượng mất giá của VNM, nhưng nhà đầu tư nước ngoài đang bán ra mạnh. Hàng trăm tỷ đồng bán ròng ở cổ phiếu này đã tạo áp lực rất lớn. Cổ phiếu này không có thông tin bất lợi gì đặc biệt, nhưng trước khi lao dốc 3 phiên, giá đã không thể vượt qua được đỉnh cao lịch sử 215.000 đồng. Điều này có thể khuyến khích nhà đầu tư chốt lời.

VNM là cổ phiếu không thể coi thường, vì mỗi biến động tăng giảm đều có thể lôi kéo chỉ số VN-Index rất nhiều. Đây là hạn chế lớn của thị trường. Nếu VNM không chịu áp lực giảm liên tục nhiều ngày qua thì VN-Index có lẽ đã tăng khá hơn nhiều.

Ngoài VNM, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đang là tác nhân bất lợi. STB là cổ phiếu duy nhất của nhóm còn tăng 1,64%. Còn lại, VCB giảm 0,7%, MBB giảm 1,42%, CTG giảm 1,14%, BID giảm 1,36%, HDB giảm 0,22%, VPB giảm 1,07%.

Nếu tính về vốn hóa thì nhóm ngân hàng có thể coi là “hai VNM”, thậm chí lớn hơn. Vì vậy thị trường hôm nay phải gánh hai “quả tạ” rất nặng. VN-Index tăng 0,64% là một kết quả rất khả quan.

Cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh đã kéo sang tuần thứ hai. Mức điều chỉnh cũng tương đối nhiều: VCB giảm 5,6% từ đỉnh, CTG giảm 5,7%, BID giảm 3,3%, MBB giảm 5,7%... Nếu so với mức tăng trưởng giá kể từ đầu năm, hay từ đáy tháng 2 vừa rồi thì điều chỉnh như vậy là nhẹ. Tuy nhiên trong ngắn hạn, thời gian điều chỉnh của xu thế tăng như vậy là khá dài.

Điểm sáng: Cổ phiếu tăng giá áp đảo

Rủi ro điều chỉnh ở một số cổ phiếu lớn tăng quá nhanh không phải là điều mới lạ. Thị trường đều nhìn thấy rủi ro này từ tuần trước. Điều tích cực là không phải tất cả các cổ phiếu đều chịu áp lực giảm như nhau. Chẳng hạn bản thân cổ phiếu ngân hàng cũng có mức giảm giá khác nhau, hay HDB, VPB đến ngày cuối tuần mới giảm, còn trong tuần tăng rất tốt.

Nhóm cổ phiếu blue-chips cuối tuần cũng có được sự phân hóa rất tốt và đa số là tăng. MSN tăng 3,65%, GAS tăng 3,87%, VIC tăng 1,91%, NVL tăng 4,37%, PLX tăng 1,7%, FPT tăng 2,02%, BVH tăng 1,61% là những cổ phiếu rất nổi bật. Bởi vì vẫn có nhiều mã tăng giá, nên VNM và cổ phiếu ngân hàng chỉ có thể là gánh nặng, chứ không thể là nguyên nhân kéo chỉ số giảm điểm.

Bản thân thị trường cũng đang có xu thế phục hồi giá trở lại. Ngày cuối tuần, bình quân cứ 1 cổ phiếu giảm giá có 1,41 cổ phiếu tăng giá. Ba phiên trước, ngày nào số cổ phiếu giảm giá cũng áp đảo số tăng. Như thế thị trường đang có biểu hiện phục hồi ở cổ phiếu, còn chỉ số tăng nhiều hay ít còn liên quan tới nhóm cổ phiếu trụ.

Một điểm cũng tích cực nữa hôm nay là thanh khoản cũng có dấu hiệu phục hồi đối với các giao dịch khớp lệnh. Giá trị đạt khoảng 5,222 tỷ đồng. Trong khi đó thiếu vắng các thỏa thuận lớn, tổng giá trị phiên này lại giảm nhẹ.

Phiên giao dịch cuối cùng của quý I qua đi với một kết cục khá thuận lợi. Thị trường chịu một áp lực trong tuần này, là nguy cơ chốt lời của các tổ chức để khóa lợi nhuận trong một chu kỳ đầu tư.

Hôm nay thị trường tiếp tục bị chốt lời mạnh trong buổi sáng, nhưng nhẹ dần trong buổi chiều và kết thúc phiên đa số cổ phiếu tăng giá. Như vậy có thể coi áp lực bán ngắn hạn đã giảm đi và tuần tới thị trường có thể bước sang giai đoạn phục hồi rõ ràng hơn.
 
 
 
(Theo Thời Báo Tài Chính Việt Nam)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh