Thị trường chứng khoán Việt Nam khẳng định sự bứt phá và lớn mạnh
Ngày nhập : 27/11/2017 15:17
Nhiều nhận định cho rằng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp tục đà tăng trưởng cả chiều rộng và chiều sâu, hướng tới sự phát triển bền vững trong thời gian tới.
 
 
Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sau 17 năm hình thành và phát triển, TTCK Việt Nam được biết đến là TTCK phát triển nhanh nhất về quy mô và tính thanh khoản trong khu vực ASEAN và Đông Á.

Số liệu thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, trong 10 năm qua, quy mô của thị trường cổ phiếu tăng gấp 3 lần, nếu như năm 2006 là 22% GDP thì đến nay đã đạt 63% GDP. Đã có trên 700 doanh nghiệp niêm yết trên TTCK và 640 doanh nghiệp thực hiện giao dịch. Tính thanh khoản của TTCK tăng từ 3.000 tỷ đồng/phiên trong năm 2016 lên 4.500 tỷ đồng/phiên trong năm 2017.

Bên cạnh đó, ngày 10/8/2017, Việt Nam chính thức mở cửa TTCK phái sinh. Sau 3 tháng hoạt động, thị trường này có mức tăng trưởng rất mạnh với giá trị bình quân 145 tỷ đồng/phiên, chứng tỏ sự kỳ vọng và tham gia đông đảo của nhà đầu tư. Hiện nay, dù quy mô khiêm tốn với 124 tỷ USD và xếp hạng thị trường cận biên, song sức tăng trưởng trong thời gian qua là minh chứng để thấy sự hấp dẫn, phát triển tốt của TTCK phái sinh, dần trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

Mới đây, Báo cáo Tài sản toàn cầu (Global Wealth Report) vừa được Credit Suisse công bố cũng cho thấy, giá trị vốn hoá thị trường Việt Nam dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2017 với tỷ lệ 61%. Tổng giá trị vốn hoá thị trường cổ phiếu Việt Nam tính đến cuối tháng 6 năm nay đạt trên 110 tỷ USD.

Trong thời gian qua, quy mô giao dịch trên các sàn liên tục ghi nhận những phiên nguồn tiền đổ vào mạnh. TTCK tiếp tục bước đột phá đáng kinh ngạc, có thời điểm VN-Index lên tới 942 điểm. Sự tăng điểm ấn tượng của VN-Index được lý giải là do APEC năm 2017 kết thúc thành công, dòng vốn ngoại trở lại TTCK, giúp hàng loạt cổ phiếu tăng giá trị. Ngoài ra, các cổ phiếu thuộc diện thoái vốn của Nhà nước tăng mạnh, cũng góp phần hỗ trợ tích cực cho chỉ số chung. Trong đó, cổ phiếu VNM đã tăng 25% trong 2 tháng gần đây, nhất là sau khi SCIC thoái vốn thành công ngoài mong đợi trong đợt thoái vốn vừa qua.

Có thể thấy tốc độ phát triển rất nhanh của TTCK Việt Nam phải kể đến sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Bloomberg mới đây dẫn 2 thương vụ lớn tại Vincom Retail (VRE) và Vinamilk (VNM) cho thấy sự phấn khích của nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, cổ phiếu VRE đã tăng 26% kể từ khi niêm yết ngày 6/11 sau khi nhà đầu tư mua vào ở giá mức trần được rao bán. Ngoài ra, tập đoàn đa ngành Jardine Matheson Holdings Ltd. có trụ sở tại Hồng Kông đã chi hơn 1 tỷ USD để mua vào 10% cổ phần của Vinamilk và vẫn có kế hoạch mua tiếp. Hiện nay, theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trên TTCK Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tài khoản đã thực hiện giao dịch, trong đó nhà đầu tư nước ngoài chiếm  23.000 tài khoản và giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh so với năm 2016.

Điều khá ngạc nhiên là dù TTCK Việt Nam diễn ra sôi động và tăng trưởng khá mạnh từ đầu năm đến nay, song quy mô dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán thấp. Theo số liệu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đưa ra tại phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng 17/11, dư địa để các ngân hàng thương mại cho vay đầu tư chứng khoán còn rất lớn. Cụ thể, tỷ trọng dư nợ của các tổ chức tín dụng hiện nay ở mức thấp, giảm mạnh so với 2016. Tỷ trọng cho vay hiện khoảng 10.000 tỷ đồng, giảm tới 40% so với cuối 2016. Với quy định về giới hạn cho vay chứng khoán hiện nay, tính theo quy mô tổng vốn điều lệ 505.258 tỷ đồng của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đến ngày 31/8/2017, mức cho vay tối đa đối với lĩnh vực đầu tư chứng khoán có thể lên tới hơn 25.000 tỷ đồng, tức vẫn còn hơn 15.000 tỷ đồng có thể tăng thêm.

Một số nhà đầu tư cho rằng, nếu ngân hàng đẩy mạnh cho vay chứng khoán, dự báo TTCK sẽ tiếp tục có bước thăng hoa. Tuy nhiên, khả năng mở rộng cho vay của các ngân hàng thương mại vẫn còn bỏ ngỏ bởi thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã nâng các điều kiện thời gian qua để kiểm soát, hạn chế rủi ro. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề xảy ra đối với hệ thống ngân hàng gần đây cũng sẽ khiến cho cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại thận trọng hơn đối với các khoản cho vay này.

(Theo Tạp Chí Tài Chính)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh