Thị trường chứng khoán Việt Nam: Dấu ấn năm 2017, triển vọng năm 2018
Ngày nhập : 12/02/2018 16:06
Năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng: Chỉ số VN-Index tăng 43% so với cuối năm 2016, đạt mức cao nhất gần 10 năm trở lại đây; mức vốn hóa thị trường đạt gần 3.360 nghìn tỷ đồng, tăng 73% so với cuối năm 2016, tương đương 74,6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020... Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng khẳng định rõ vai trò và vị thế trong nền kinh tế, trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
 

VN-Index lập đỉnh trong vòng 10 năm trở lại đây

Năm 2017 tuy phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức từ những căng thẳng khu vực tại bán đảo Triều Tiên, Trung Đông... và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, song kinh tế thế giới vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt, thị trường tài chính toàn cầu diễn biến tích cực.

Kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng, nhiều giải pháp quyết liệt, xây dựng nền hành chính kiến tạo, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được thực hiện; Các giải pháp về tài chính và chính sách thúc đẩy cổ phần hóa, gắn cổ phần hóa với niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK) được triển khai mạnh mẽ giúp hoạt động tái cấu trúc TTCK chuyển biến tích cực.

Năm 2017, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và trực tiếp là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành, triển khai các giải pháp phát triển thị trường, mang lại hiệu quả tích cực, tăng nguồn hàng chất lượng cho thị trường. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với công tác hoàn thiện khung pháp lý: Năm 2017, UBCKNN đã dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ thông qua tại Nghị quyết 83/NQ-CP ngày 31/8/2017. Cùng với đó, nhiều văn bản có tính pháp lý cao cũng đã được ban hành trong năm 2017 như: Nghị định 71/2017/NĐ-CP ngày 6/6/2017 hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng; 09 thông tư hướng dẫn liên quan đến giao dịch trái phiếu chính phủ, chứng khoán phái sinh, hướng dẫn niêm yết, xử phạt, quản trị công ty…

Thứ hai, nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán, phát triển các sản phẩm mới, đặc biệt, đã chuẩn bị tích cực, chu đáo, khai trương và vận hành suôn sẻ thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS), góp phần củng cố, phát triển và hoàn thiện thể chế của TTCK; Tích cực chuẩn bị các điều kiệu để triển khai sản phẩm chứng quyền có đảm bảo triển khai trong năm tới...

Thứ ba, công tác quản lý và tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán tiếp tục được thực hiện theo chiều hướng tích cực và đúng lộ trình. Đến nay, số lượng công ty chứng khoán (CTCK) hoạt động bình thường là 79 công ty (giảm khoảng 25% tổng số CTCK). Các CTCK đã nâng cao năng lực quản trị rủi ro, tuân thủ pháp luật trên thị trường ngày càng tốt hơn, hoạt động chăm sóc khách hàng ngày càng được cải thiện. Số lượng công ty quản lý quỹ đang hoạt động bình thường là 45, ngoài ra còn có 04 công ty đang trong diện tái cấu trúc. Khung pháp lý hướng dẫn đồng bộ các sản phẩm quỹ đầu tư chứng khoán dành cho các loại hình nhà đầu tư khác nhau, các quỹ đầu tư đa mục tiêu kết nối với thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản về cơ bản đã hoàn thiện

Hình 1: Quy mô thị trường cổ phiếu (%GDP)


Thứ tư, hoạt động quản lý công ty đại chúng, tạo hàng hoá cho thị trường; huy động vốn qua TTCK, xem xét hoạt động kiểm toán ngày càng được nâng cao. Công tác giám sát tình hình quản trị của công ty cũng được nâng lên. Nghị định 71/2017/NĐ-CP về quản trị công ty được ban hành là khung pháp lý quan trọng, cơ bản giúp các công ty đại chúng thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp.

Thứ năm, công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm cũng được tăng cường, đảm bảo thị trường hoạt động ổn định. UBCKNN chú trọng đẩy mạnh hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra thường xuyên việc chấp hành pháp luật về chứng khoán đối với các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan như: Cơ quan thuế, cơ quan công an… Nhờ đó, các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK đã được xử lý nghiêm minh và kịp thời.  

Năm 2017, TTCK Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng ấn tượng, cao nhất khu vực châu Á, ngày càng khẳng định rõ vai trò và vị thế trong nền kinh tế và trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Sự tăng trưởng ấn tượng này được biểu hiện cụ thể qua các điểm nhấn sau: Trên thị trường cổ phiếu, chỉ số VN-Index tăng 43% so với cuối năm 2016, đạt mức cao nhất gần 10 năm trở lại đây, mức vốn hóa thị trường đạt gần 3.360 nghìn tỷ đồng, tăng 73% so với cuối năm 2016, tương đương 74,6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020.

Thanh khoản cải thiện mạnh, quy mô giao dịch bình quân đạt gần 4.981 tỷ đồng/phiên, tăng 63% so với bình quân năm 2016. Quy mô TTCK ngày càng được mở rộng, trong năm 2017, có 731 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sàn và 679 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM, nâng tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt gần 959 nghìn tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, năm 2017, TTCK đã thu hút được nhiều doanh nghiệp quy mô lớn lên niêm yết như: VPBank, Vietjet Air...

Thị trường trái phiếu diễn ra sôi động với giá trị niêm yết đạt 1.015 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2016 (tương đương 23% GDP). Thị trường trái phiếu chính phủ có bước phát triển mạnh về chiều sâu, giá trị giao dịch repo tăng 72% so với năm 2016 và chiếm 48% tổng giao dịch toàn thị trường trái phiếu.

Hình 2: Khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch TTCKPS theo tuần (từ 10/8 - 29/12/2017)
 

Năm 2017 cũng là một dấu mốc quan trọng của ngành Chứng khoán với sự ra đời của TTCKPS, góp phần hoàn thiện mô hình TTCK hiện đại. Sau gần 4 tháng đi vào hoạt động, thị trường này đã chứng tỏ sức hấp dẫn với nhà đầu tư. Tổng khối lượng giao dịch TTCKPS đã đạt 1.106.353 hợp đồng tương ứng với tổng giá trị giao dịch theo quy mô danh nghĩa hợp đồng đạt 96.297 tỷ đồng. 

Hoạt động nhà đầu tư diễn ra sôi nổi. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư tiếp tục gia tăng đạt 1,9 triệu tài khoản, tăng 11% so với cuối năm 2016, trong đó tài khoản nhà đầu tư nước ngoài tăng 14,3%. Năm 2017, TTCK cũng chứng kiến sự quay trở lại của nhà đầu tư nước ngoài với việc mua ròng qua các tháng, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh.

Về hoạt động huy động vốn, đấu giá, tổng mức huy động trên TTCK đạt hơn 239 nghìn tỷ đồng. Giá trị cổ phần hóa thoái vốn đạt gần 125,4 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, thị trường đã thực sự tạo ấn tượng rõ nét khi tổ chức đấu giá thành công đợt bán vốn nhà nước tại Sabeco, thu về ngân sách nhà nước hơn 109 nghìn tỷ đồng...

Triển vọng thị trường chứng khoán năm 2018

Cùng với các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, năm 2018, ngành Chứng khoán sẽ tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiên khung pháp lý và nâng cao năng lực quản lý, giám sát, trong đó, triển khai xây dựng Luật chứng khoán sửa đổi; Hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2018); Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, điều hành TTCK, hoạt động giám sát và cưỡng chế thực thi nhằm bảo đảm an toàn cho TTCK.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các DNNN gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch; Triển khai cơ chế tạo lập thị trường, phát hành Bộ nguyên tắc quản trị công ty; Nghiên cứu triển khai nghiệp vụ giao dịch trong ngày và thanh toán chứng khoán chờ về; Hướng dẫn thủ tục, hồ sơ niêm yết/đăng ký giao dịch đối với loại hình DN FDI chuyển đổi để áp dụng thống nhất cho hai Sở Giao dịch chứng khoán; Tăng cường kiểm tra, giám sát về tính minh bạch các thông tin trong báo cáo tài chính của các công ty đại chúng.

Hình 3: Tăng trưởng số lượng tài khoản trên TTCKPS năm 2017
 

Ba là, đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán, các sản phẩm liên kết đầu tư, sản phẩm cơ cấu; Triển khai các sản phẩm chứng khoán phái sinh hợp đồng tương lai trên một số chỉ số mới và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ; Triển khai sản phẩm chứng quyền có bảo đảm; Phát triển thêm các chỉ số cơ sở để làm tài sản cơ sở cho phái sinh.

Bốn là, hoàn thiện và phát triển thị trường trái phiếu: Đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu chính phủ; Phát triển hệ thống thành viên đấu thầu trái phiếu chính phủ; Triển khai đề án phát triển trái phiếu DN; Hoàn thiện phương án tổ chức thị trường trái phiếu DN và công tác chuẩn bị để có thể đưa thị trường giao dịch trái phiếu DN vào hoạt động.

Năm là, phát triển và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư và cải thiện sức cầu, cụ thể là tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam; Tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài…

Sáu là, phát triển, nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường: Tiếp tục tái cấu trúc hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán để giảm số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ; Phát triển hệ thống thành viên đấu thầu trái phiếu chính phủ; Nâng cao chất lượng và đạo đức nghề nghiệp nhân viên hành nghề chứng khoán…

Bảy là, tiếp tục tái cấu trúc tổ chức thị trường, cơ sở hạ tầng, công nghệ: Hợp nhất các Sở Giao dịch chứng khoán và phát triển, nhận định các khu vực thị trường; Hoàn thiện mô hình đối tác bù trừ trung tâm.

Tám là, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; Tổ chức triển khai quy định về 4 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi theo Luật 12/2017/QH14 (Bộ luật có hiệu lực thi hành kể từ 01/01/2018); Xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ theo kế hoạch năm 2018; Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị để kịp thời phát hiện và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm trên TTCK, đảm bảo TTCK phát triển minh bạch và bền vững.      

Tài liệu tham khảo:

1. Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13;

2. Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 6/6/2017 của Chính phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng;

3. Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31/08/2017 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2017;

4. Báo cáo tổng kết công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành TTCK năm 2017 và định hướng trong năm 2018;

5. Các website: mof.gov.vn, ssc.gov.vn, tapchitaichinh.vn, thoibaotaichinh.com.vn...

(Theo Tạp Chí Tài Chính)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh