Tạo thế và lực để thị trường chứng khoán phát triển bền vững
Ngày nhập : 31/01/2020 15:43
Năm 2020 đánh dấu sự phát triển và trưởng thành của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sau 20 hoạt động. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, năm 2020, TTCK cần hướng đến nhiều mục tiêu lớn như tăng quy mô thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP, tăng số lượng nhà đầu tư (NĐT) đạt 3% dân số, đổi mới toàn diện và đồng bộ công nghệ giao dịch và thanh toán bù trừ trên TTCK... Vậy, cần làm gì để đạt các mục tiêu này ?

Nền tảng vững chắc cho môi trường minh bạch

Đánh giá về sự phát triển của TTCK Việt Nam năm 2019, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết, TTCK Việt Nam từ đầu năm đến nay chịu nhiều tác động từ các yếu tố bên ngoài như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, kinh tế thế giới chậm lại, căng thẳng địa chính trị gia tăng ở nhiều khu vực… Song, về cơ bản thị trường vẫn duy trì được sự ổn định so với nhiều nước trong khu vực và đạt được những kết quả nhất định.
 
 
Tính đến 25/12/2019, quy mô vốn hóa của TTCK Việt Nam tăng 10,7% so với cuối năm 2018, tương đương với 79,2% GDP và chỉ số VN-Index đạt 960,92 điểm, tăng 7,7% so với cuối 2018. Tổng mức huy động vốn ước đạt 313,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước.

Một điểm đáng chú ý nữa là trong bối cảnh một số TTCK trong khu vực bị rút vốn ròng thì TTCK Việt Nam vẫn thu hút được dòng vốn từ NĐT nước ngoài. Bên cạnh đó, dù thanh khoản trên thị trường cổ phiếu hiện nay giảm khá nhiều, khoảng 30%, nhưng đây là xu thế tất yếu trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó đoán định. Song, với tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và quyết tâm cải cách của Chính phủ vẫn là yếu tố cốt lõi giúp TTCK phát triển ổn định trong thời gian tới.

Trong đó, một trong những điểm nổi bật nhất của dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán đã được Quốc hội thông qua chắc chắn sẽ tạo nên những thay đổi lớn trên TTCK trong thời gian tới. Theo đó nhiều quy định về thị trường giao dịch chứng khoán, về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán, về tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam, về tổ chức kinh doanh chứng khoán, hay về công bố thông tin… được sửa đổi, bổ sung theo hướng khắc phục một số hạn chế phát sinh thực tiễn, phù hợp hơn với bối cảnh mới của thị trường và tiệm cận gần hơn với thông lệ quốc tế. Đây sẽ là cơ sở để cải thiện chất lượng nguồn cung, thu hút vốn đầu tư của NĐT trong và ngoài nước trên TTCK, giúp nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường, tăng cường tính công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NĐT, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả; qua đó, tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả hơn cho nền kinh tế.

Tạo thế và lực cho năm 2020

Theo các chuyên gia chứng khoán, hiện vốn hóa của thị trường đang ở mức khoảng 4.548 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 195 tỷ USD. Trong thời gian tới, để tăng vốn hóa thị trường có hai cấu phần là giá tăng và số lượng công ty niêm yết tăng. Giả định kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% và lạm phát quanh ngưỡng 4% theo mục tiêu của Chính phủ trong năm 2020, vốn hóa thị trường cần tăng 35% trong năm 2020 để đạt 100% GDP.

Nhìn lại lịch sử thì việc thị trường đạt được mức tăng 35% trong một năm là rất khó. Bởi từ năm 2010 đến nay, chỉ có một lần duy nhất VN-Index đạt mức tăng trên 35% là năm 2017 (với mức tăng 48%) nhờ hàng loạt DN niêm yết mới cộng thêm các thương vụ thoái vốn lớn. Vì vậy, việc tăng cung bằng cổ phần hóa và thoái vốn là điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu vốn hóa thị trường đạt 100% GDP.

Tuy nhiên, năm 2020 là năm cuối trong kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn của Chính phủ với hàng loạt DNNN lớn nằm trong danh sách thoái vốn và cổ phần hóa. Ước tính tổng vốn hóa của các DN này ở mức khoảng 8 tỷ USD. Việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn tại các DN này sẽ giúp tăng đáng kể vốn hóa cho TTCK Việt Nam và đạt được mốc 100% GDP trong năm 2020.

Thế nhưng xét ở một khía cạnh khác, dù mục tiêu đạt được 100% GDP trong năm 2020 là một dấu mốc quan trọng, song thị trường vẫn cần phát triển ổn định và bền vững hơn. Bởi thực tế cho thấy, sau khi đạt mức tăng trưởng mạnh trong năm 2017, TTCK đã nhanh chóng sụt giảm trong năm 2018. Bên cạnh đó, hiện tỷ lệ khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng so với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường và vòng quay cổ phiếu đều chỉ ở mức trung bình so với các thị trường trong khu vực, khiến cho thị trường trở nên kém hấp dẫn. Hơn nữa, hơn 70% giá trị giao dịch đến từ NĐT cá nhân, những người có xu hướng đầu tư ngắn hạn. Do đó, khi thị trường giảm mạnh sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của NĐT... Để cải thiện được điều này, đồng thời giúp thu hút được nhiều NĐT tham gia, rõ ràng tăng trưởng của chỉ số là yếu tố quan trọng tạo động lực cho các DN đưa cổ phiếu lên niêm yết và giao dịch.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc sửa đổi đồng bộ giữa Luật Chứng khoán, Luật DN và Luật Đầu tư để tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho DN, trong đó có NĐT nước ngoài, là một bước đi mạnh dạn và quyết liệt. Và nhìn một cách tổng thể các nội dung sửa đổi của các luật thì vấn đề không gian cho NĐT nước ngoài nói chung và room sở hữu nói riêng sẽ được xử lý triệt để, rõ ràng và minh bạch hơn.

Về phần mình, UBCKNN cho biết sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp khác để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hỗ trợ thị trường. Theo đó, UBCKNN tiếp tục tái cơ cấu cơ sở hàng hóa, tăng cung và cải thiện chất lượng nguồn cung trên TTCK, tăng quy mô và chất lượng hàng hóa trên TTCK thông qua việc thúc đẩy cổ phần hóa gắn với niêm yết và đăng ký giao dịch trên TTCK, tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao tính minh bạch công khai trên thị trường... Đồng thời với đó là triển khai tái cơ cấu cơ sở NĐT trên TTCK, chú trọng phát triển NĐT có tổ chức, cải thiện chất lượng cầu đầu tư nhằm hướng tới cầu đầu tư bền vững.

Ngoài ra, UBCKNN cũng tiến hành tái cơ cấu hệ thống các tổ chức trung gian trên TTCK thông qua thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng quản trị hoạt động, quản trị rủi ro, năng lực tài chính và chất lượng cung cấp dịch vụ của các tổ chức này. Đồng thời phối hợp và đề xuất với NHNN các giải pháp đơn giản hóa thủ tục tiếp cận thị trường cho NĐT nước ngoài, có các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá...

Ông Trần Văn Dũng cho biết, năm 2020, TTCK Việt Nam bước sang năm thứ 20 mở cửa hoạt động. Với phương châm hướng tới một thị trường phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả, UBCKNN đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn, để tiếp sức cho TTCK phát triển theo chiều hướng lành mạnh, đi vào chiều sâu theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh