Ngân hàng tìm thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế
Ngày nhập : 21/10/2021 09:54
Sau giãn cách, người dân và doanh nghiệp đang từng bước phục hồi lại sản xuất kinh doanh. Để tăng sức hỗ trợ cho hoạt động kinh tế, các ngân hàng đang nỗ lực tìm kiếm thêm nguồn lực để đồng hành cùng khách hàng.

Phục hồi sẽ khó nếu hỗ trợ không đủ

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, 9 tháng đầu năm 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài, nhiều địa phương trọng điểm kinh tế của cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội, sự suy giảm tăng trưởng là điều không thể tránh khỏi.

Sau khi dịch bệnh được khống chế, nhiều địa phương từng bước dỡ bỏ các hạn chế, hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường, vấn đề đặt ra là làm thế nào để doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ hơn khi sức khỏe đã suy giảm mạnh.

"Các giải pháp hỗ trợ phải mạnh hơn nữa để doanh nghiệp có thể phục hồi mạnh mẽ chứ không phải lom khom hồi phục", PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Cùng chung nhận định này, PGS.TS. Hoàng Công Gia Khánh (Đại học Kinh tế - Luật TP. Hồ Chí Minh) cho rằng với mức độ tổn thất nghiêm trọng, cả cung và cầu tại thị trường nội địa đều sẽ phục hồi hết sức chậm chạp. Có những doanh nghiệp khi phục hồi sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, suy giảm khả năng trả nợ đúng hạn, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản. Do đó, mức hỗ trợ cần phải gia tăng mới đủ khả năng để họ hồi phục.

Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng cũng đang cùng các bộ, ngành khác gấp rút tìm thêm nguồn lực để triển khai thêm nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là trong quý IV/2021.

Tại buổi họp báo diễn ra vừa qua, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã khẳng định, nhiệm vụ đảm bảo an toàn hệ thống, thực hiện các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp là hai nhiệm vụ song hành, quan trọng như nhau trong thời gian tới.

Bởi, trong quý IV/2021, khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, doanh nghiệp sẽ trở lại ổn định, duy trì sản xuất và phục hồi. Dòng tiền sẽ luân chuyển nhịp nhàng hơn. Nhu cầu vốn tăng trở lại đòi hỏi các ngân hàng cần đánh giá hiệu quả của phương án kinh doanh để cấp vốn kịp thời cho doanh nghiệp, bắt kịp cơ hội cho phục hồi sản xuất, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng phân tích.

Tìm thêm nguồn lực hỗ trợ

Để hiện thực hóa mục tiêu nói trên, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng có thể sẽ được ngành Ngân hàng “bơm” ra nền kinh tế trong thời gian tới để hỗ trợ người dân…Ngoài ra, NHNN cho biết sẽ tăng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng khi nền kinh tế cần…

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, động lực để ngành Ngân hàng gia tăng các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế trong quý IV/2021 đến từ hiệu quả hoạt động tích cực trong thời gian cao điểm giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua.

Theo đó, để phục hồi hồi sản xuất, kinh doanh ngay sau dịch, không ít doanh nghiệp đã chủ động tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng từ trước. Nhu cầu này đã được ngân hàng nỗ lực đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Nhờ vậy, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành đã đạt được kết quả tích cực so với dự báo trước đó…

Không chỉ tăng đáp ứng nhu cầu vốn, các ngân hàng cũng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, duy trì mặt bằng lãi suất ổn định và các chính sách hỗ trợ khác. Lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng…

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh