Nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ
Ngày nhập : 13/08/2021 11:53
Tích cực đồng hành, chia sẻ

Ngay khi làn sóng dịch Covid-19 đầu tiên xâm nhập vào Việt Nam đầu năm 2020, ngân hàng là ngành tiên phong triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực. Theo đó NHNN đã nhanh chóng ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN và tiếp đó là Thông tư 03/2021/TT-NHNN tạo hành lang pháp lý để các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng. Bên cạnh đó dưới sự chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng đã triển khai gói hỗ trợ tín dụng quy mô hàng trăm nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 0,5-2% so với thời kỳ trước dịch để hỗ trợ khách hàng. Trong năm 2020, NHNN cũng đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn bằng VND để tạo điều kiện cho các TCTD giảm mạnh lãi suất cho người dân, doanh nghiệp.

Theo thống kê sơ bộ của NHNN, từ khi dịch bùng phát đến nay, tính chung tất cả các khoản đã giảm lãi trực tiếp, gián tiếp cho những khoản vay cũ hay khoản vay mới, tổng số khoản lãi đã được giảm cho doanh nghiệp vào khoảng 18.830 tỷ đồng.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của NHNN, 16 TCTD là thành viên Hiệp hội Ngân hàng đã đồng thuận cam kết giảm tiếp lãi suất để hỗ trợ khách hàng. Tổng số tiền lãi được cắt giảm từ nay đến cuối năm vào khoảng 20.300 tỷ đồng…

Tuy nhiên làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát và kéo dài đã gây khó cho các chính sách hỗ trợ mà ngành Ngân hàng đang triển khai. Một trong những chính sách rất quan trọng đang chịu ảnh hưởng lớn đó là Thông tư 03. Nguyên do thời điểm xây dựng Dự thảo Thông tư này, dịch Covid-19 được dự báo sẽ qua trong thời gian ngắn, các doanh nghiệp sẽ dần trở lại hoạt động bình thường. Nhưng đến nay, tình hình diễn ra không như vậy…

Để nâng cao hiệu quả hỗ trợ

Một vấn đề nữa mà các TCTD đang gặp vướng mắc đó là thủ tục hỗ trợ khi khách hàng trong vùng giãn cách xã hội hoặc ở trong khu cách ly. Bởi theo quy định, khách hàng phải có đơn đề nghị cơ cấu lại nợ và sau đó TCTD thẩm định. Nhưng trường hợp khách hàng trong vùng giãn cách xã hội hoặc đang phải cách ly thì không thể nộp tiền thanh toán nợ, cũng không thể ký giấy đề nghị cơ cấu. Do vậy, các ngân hàng đề nghị NHNN hướng dẫn hỗ trợ khách hàng cho phép tạm hoãn trả nợ trong thời gian phong tỏa. Việc hoãn trả nợ được thực hiện tự động bởi ngân hàng và thông báo qua tin nhắn, email; không thu các khoản phí, lãi phạt trong thời gian hoãn trả nợ…

Có thể thấy, các vấn đề vướng mắc được các ngân hàng đặt ra tại Thông tư 03 mang tính chất cấp bách, cần làm nhanh để các giải pháp hỗ trợ người dân và khách hàng chịu ảnh hưởng làn sóng thứ tư hiệu quả hơn. Chia sẻ với phóng viên, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ sửa lại hoặc ban hành Thông tư mới thay thế. Hiện NHNN đang thu thập các ý kiến, thiết kế lại các chính sách theo hướng bảo đảm sự hỗ trợ tốt hơn, quyết liệt, chủ động hơn để trợ lực kịp thời cho các doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Trong đó, NHNN đang xem xét điều chỉnh nhiều quy định như: Mở rộng phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí; cho phép TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí đối với cả các khoản nợ phát sinh từ sau ngày 10/6/2020 cho đến một thời điểm phù hợp với diễn biến của dịch bệnh trên cơ sở đánh giá tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư…

Tuy nhiên theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, khi xây dựng chính sách NHNN phải tính toán bảo đảm hài hoà các mục tiêu. Đó là hỗ trợ doanh nghiệp nhưng cũng phải bảo đảm không để lại hậu quả. Nếu cơ cấu không hợp lý, không phản ánh khách quan nền kinh tế, nợ xấu cao thì sẽ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống, dự phòng rủi ro trong tương lai. Đây là bài toán không đơn giản. Hơn nữa, khi thiết kế và triển khai chính sách hỗ trợ, NHNN còn phải tính đến việc phối hợp các chính sách có tính dài hạn hơn, vừa giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp trước mắt, song vẫn bảo đảm nguồn lực phục hồi nền kinh tế khi kết thúc giãn cách.

(Nguồn: Thới báo ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh