Năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam thành công nhất khu vực Đông Nam Á về huy động vốn
Ngày nhập : 10/01/2019 09:29
Tại Hội nghị Tổng kết ngành Tài chính năm 2018 chiều ngày 9/1/2019, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam thành công nhất khu vực Đông Nam Á về huy động vốn trong năm 2018.
 
 
Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Quy mô và thanh khoản thị trường tiếp tục tăng trưởng

Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn cho biết, trong năm 2018, thị trường chứng khoán toàn cầu biến động mạnh mẽ, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Tuy nhiên, nhờ có sự tăng trưởng mạnh của nền kinh tế, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, nỗ lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các thành viên thị trường, quy mô và thanh khoản thị trường tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo đó, quy mô vốn hoá thị trường cổ phiếu đã đạt hơn 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2017, tương đương với 71,6% GDP năm 2018, vượt chỉ tiêu 70% GDP đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân đạt 6.500 tỷ đồng/phiên, tăng 29% so với năm 2017, tương đương 20,3% GDP năm 2018.

Trên thị trường trái phiếu, giá trị niêm yết đạt 1.122 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2017, tương đương với 20,3% GDP năm 2018. Giao dịch trái phiếu về cơ bản vẫn giữ được mức sôi động với giá trị giao dịch đạt 8.834 tỷ đồng/phiên
.
Thị trường chứng khoán phái sinh mặc dù mới ra đời hơn một năm nhưng thanh khoản thị trường tăng gần 7 lần so với năm 2017 và vị thế mở cuối năm đạt gần 21.653 hợp đồng, tăng 2,7 lần so với cuối năm 2017.

Đặc biệt, vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài vẫn vào ròng, đạt 2,8 tỷ USD, cơ bản bằng mức kỷ lục 2,9 tỷ USD của năm 2017 trong khi nhiều nước Đông Nam Á đã có biểu hiện rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt trên 32,8 tỷ USD.

Năm 2018 cũng ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của các doanh nghiệp niêm yết. Trong 9 tháng đầu năm 2018, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết có sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái cả về doanh thu và lợi nhuận (doanh thu tăng 20,5% và lợi nhuận tăng 24,9%). Các công ty chứng khoán có lợi nhuận sau thuế tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường chứng khoán đã tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho sự phát triển kinh tế, trong đó, huy động trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đạt 192 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu kho bạc đạt mức 12,55 năm. “Đây là mức dài nhất từ trước đến nay, đáp ứng được nhu cầu đầu tư công và cơ cấu nợ công của Chính phủ- Phó Chủ tịch Phạm Hồng Sơn nhấn mạnh. Huy động vốn qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phần hoá đạt 86,8 nghìn tỷ đồng, tăng 71,4% so với năm 2017.

Với những thành công đã đạt được, thị trường chứng khoán tiếp tục khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn hữu hiệu cho cả Chính phủ và khu vực tư nhân để phục vụ cho nhu cầu đầu tư và phát triển kinh tế. Thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là thị trường thành công nhất khu vực Đông Nam Á về huy đông vốn trong năm 2018.

Kỳ vọng năm 2019

Bước sang năm 2019, tuy nền kinh tế trong nước còn gặp với nhiều khó khăn, song với đà tăng trưởng của năm 2018 và sự chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách thể chế, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn kỳ vọng vào sự phát triển của nền kinh tế cũng như sự chuyển biến tích cực về quy mô và chất lượng của thị trường chứng khoán.

Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong năm 2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện 04 nhiệm vụ trọng tâm, gồm:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, với trọng tâm là thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp trong huy động vốn nâng cao tính công khai minh bạch của thị trường chứng khoán; Nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán để bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cấu trúc thị trường chứng khoán, trọng tâm là nâng cao năng lực, lành mạnh hoá hệ thống các tổ chức trung gian thị trường. Thực hiện cơ cấu lại thị trường chứng khoán, thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam trên cơ sở sắp xếp lại 2 Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Thứ ba, triển khai các sản phẩm chứng khoán phái sinh hợp đồng tương lai trên một số chỉ số và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ, triển khai sản phẩm chứng quyền có bảo đảm.

Thứ tư, thúc đẩy triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi.

(Nguồn: Tạp chí Tài chính)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh