NHNN đã cân bằng hợp lý giữa hỗ trợ phục hồi kinh tế và đảm bảo khả năng chống chịu của hệ thống
Ngày nhập : 19/11/2020 14:59
Nhờ những biện pháp ứng phó nhanh chóng, quyết liệt của Chính phủ trong đối phó với Covid-19, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay dự báo đạt 2,4%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Về chính sách tiền tệ, NHNN đã cân bằng hợp lý giữa hỗ trợ phục hồi kinh tế và đảm bảo khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng.
 

Đây là nhận định được bà Era Dabla-Norris, Trưởng Đoàn cán bộ IMF, đưa ra sau khi hoàn thành hoạt động tham vấn Điều IV với Việt Nam. Cụ thể, Đoàn IMF vừa kết thúc đợt làm việc trực tuyến từ ngày 15/10-13/11 vừa qua với Việt Nam. Đoàn đã có các cuộc trao đổi hết sức hiệu quả với lãnh đạo NHNN, Bộ Tài chính, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chính phủ khác. Đoàn cũng thảo luận với các đại diện của khu vực tư nhân, tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách và các tổ chức tài chính.

Kết thúc đợt công tác, bà Dabla-Norris đã thông tin về một số vấn đề đáng chú ý. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng ở mức 2,4% trong năm nay, thuộc nhóm cao nhất thế giới là nhờ Việt Nam đã triển khai các biện pháp quyết liệt và nhanh chóng để kiềm chế những thiệt hại về sức khỏe người dân và kinh tế do Covid-19 gây ra.

Những chính sách củng cố tài khóa thận trọng trong những năm vừa qua đã tạo điều kiện cho Việt Nam triển khai được những biện pháp ứng phó tài khóa. Cho đến nay, các phản ứng chính sách tài khóa chủ yếu đi theo hướng hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ gia đình dễ bị tổn thương. Các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ và giảm căng thẳng tài chính tạm thời của NHNN cũng đã giúp giảm áp lực thanh khoản, hạ thấp chi phí nguồn vốn và đảm bảo tín dụng tiếp tục lưu thông.

Tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ tăng mạnh trở lại trong năm 2021, đạt mức 6,5% khi hoạt động kinh tế trong nước và nước ngoài tiếp tục quay trở lại bình thường. Chính sách tài khóa và tiền tệ được dự báo sẽ tiếp tục mang tính hỗ trợ, mặc dù mức hỗ trợ không còn lớn như trong năm 2020. Lạm phát được dự báo sẽ vẫn ở sát mức mục tiêu 4%...

“Với những bất trắc nêu trên, việc linh hoạt điều chỉnh quy mô và cơ cấu hỗ trợ chính sách sẽ trở nên rất quan trọng. Chính sách tài khóa phải đóng vai trò lớn hơn trong tổ hợp chính sách hỗ trợ”, bà Dabla-Norris nói.

Chính sách tiền tệ nên tiếp tục mang tính hỗ trợ trong ngắn hạn. Một cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn về cả hai phía trong khuôn khổ hiện nay sẽ giảm bớt nhu cầu tích lũy các đệm dự trữ và tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh khi môi trường bên ngoài trở nên khó khăn hơn. “Đoàn hoan nghênh cam kết của các cơ quan chức năng trong việc từng bước chuyển sang khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ hiện đại hơn”, bà Dabla-Norris nhấn mạnh.

NHNN đã cân bằng hợp lý giữa việc hỗ trợ phục hồi nền kinh tế và đảm bảo khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng. Việc giám sát chặt chẽ những rủi ro trong hệ thống ngân hàng vẫn là một yêu cầu thiết yếu khi mà các đệm vốn của ngân hàng vẫn còn thấp hơn ngân hàng tại các nước ngang hàng trong khu vực và triển vọng kinh tế vẫn còn nhiều bất trắc.

Các quy định về phân loại khoản vay và ghi nhận nợ xấu nên dần được quay trở lại áp dụng như bình thường để hỗ trợ sự minh bạch của bảng cân đối kế toán và niềm tin vào hệ thống ngân hàng. Cần củng cố hơn nữa tình hình vốn của các ngân hàng và phát triển thị trường vốn để nâng cao sức chống chịu về tài chính, thúc đẩy huy động vốn dài hạn.

Những cải cách nhằm tăng kết nối giữa khu vực kinh tế trong nước và đầu tư nước ngoài cũng như nâng cao năng suất có ý nghĩa rất quan trọng để hỗ trợ cho tăng trưởng mạnh mẽ và bao trùm.

Nên ưu tiên cho việc giảm gánh nặng tuân thủ đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước, cải thiện tiếp cận đất đai và nguồn lực tài chính, đặc biệt là cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài ra, giảm sự mất cân đối giữa cung và cầu kỹ năng lao động, tăng cường tiếp cận công nghệ và nguồn vốn con người cũng sẽ giúp thúc đẩy năng suất lao động…
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh