Dòng vốn ETF vẫn là điểm sáng trên thị trường chứng khoán
Ngày nhập : 15/07/2022 16:59
(TBTCO) - Nhận định về dòng tiền khối ngoại trong thời gian tới, giới phân tích cho rằng, với định giá thị trường đang ở mức thấp, bên cạnh đó, thế mạnh của Việt Nam trong việc kiểm soát tỷ giá – lạm phát – lãi suất là khả năng điều hành linh hoạt và chủ động, ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Do đó, thị trường chứng khoán Việt vẫn sẽ hấp dẫn dòng tiền ngoại, biểu hiện qua động thái của các quỹ hoán đổi danh mục.
 

Khối ngoại mua ròng tháng thứ 3 liên tiếp

Trong báo cáo cập nhật dòng vốn toàn cầu tháng 6/2022, SSI Research thống kê, tại thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, dòng tiền ETF (quỹ hoán đổi danh mục) tiếp tục vào ròng tháng thứ 3 liên tiếp. Trong đó, DCVFM VNDiamond và Fubon tiếp tục là 2 quỹ ETF nâng đỡ tốt nhất cho thị trường, khi ghi nhận giá trị mua ròng tương ứng là 890 tỷ đồng và 1.100 tỷ đồng trong tháng 6; nâng quy mô tài sản lần lượt tăng lên gần 18,8 và 12,7 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng tài sản các quỹ ETF tại Việt Nam.

Thực tế, dù ghi nhận mức bán ròng khá mạnh trong tuần trước, song khối ngoại vẫn mua ròng nhẹ 52 tỷ đồng trên kênh thỏa thuận, nhờ đó thu hẹp đà bán ròng chung. Điểm sáng trong giao dịch của khối ngoại là các quỹ ETF nội vẫn tiếp tục hút ròng 18,5 triệu USD để nâng tổng ròng tiền qua các kênh ETF kể từ đầu năm đạt gần 357 triệu USD, chủ yếu tập trung ở ETF Diamond 253 triệu USD và ETF Fubon 226 triệu USD.

Bà Nguyễn Hoài Phương - Giám đốc đầu tư, điều hành Quỹ VASEp, Vinacapital, cho rằng: “Cả 2 yếu tố định giá và nội tại của nền kinh tế Việt Nam đều đang hấp dẫn, biến số chủ yếu là rủi ro toàn cầu, khó dự báo. Các tháng còn lại của năm 2022 sẽ là khá thử thách cho TTCK, nhưng với định giá hấp dẫn, bất cứ thông tin tích cực nào cũng có thể hỗ trợ thị trường và tâm lý nhà đầu tư”.

Mới đây, Quỹ đầu tư Thái Lan Krungthai Asset Management (KTAM) khuyến nghị các nhà đầu tư nên đầu tư vào TTCK Việt Nam, bởi triển vọng tăng trưởng cao của thị trường này đang được hỗ trợ từ việc giá chứng khoán còn rẻ.

Trong khi đó, quỹ nội VFM VN30 quay lại bị rút ròng -280 tỷ đồng, sau khi ghi nhận vốn vào ròng trong 2 tháng trước, bên cạnh 2 quỹ nước ngoài là VanEck và FTSE Vietnam tiếp tục bị rút ròng với giá trị tổng cộng khoảng -65 tỷ đồng. Như vậy, tổng dòng vốn ETF ghi nhận giá trị +1.659 tỷ trong tháng 6 và nâng giá trị lũy kế từ đầu năm lên 8.376 tỷ đồng. Tương tự, dòng tiền từ các quỹ chủ động vào ròng trong tháng 6, với quy mô thu hẹp hơn so với tháng trước, xuống chỉ còn +27,5 tỷ (từ mức 272 tỷ đồng trong tháng 5).

Tính chung cho nửa đầu năm 2022, các quỹ chủ động vẫn rút hơn 930 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu vào tháng 2 và tháng 3. Xu hướng bán ròng đã phần nào yếu dần ở các quỹ chủ động, tuy nhiên việc giải ngân lại chỉ mang tính cục bộ và khiến cho dòng tiền chủ động vẫn đang tương đối yếu.

Các chuyên gia SSI Research cho rằng, giao dịch khối ngoại mua ròng trên thị trường chứng khoán trong tháng 6, với tổng giá trị là 2,9 nghìn tỷ đồng. Với việc khối ngoại ở các thị trường trong khu vực đều ghi nhận bán ròng tương đối mạnh trong tháng 6, tín hiệu mua ròng tại thị trường Việt Nam là điểm nhấn tích cực. Tuy nhiên, lưu ý rằng giao dịch khối ngoại trên thị trường Việt Nam thường có độ trễ nhất định so với các quốc gia trong khu vực, do vậy không loại trừ khả năng giao dịch khối ngoại sẽ theo xu hướng bán trong thời gian tới.

Nhiều yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Nhìn chung, dòng vốn dẫn dắt khối ngoại trên thị trường trong thời gian qua chủ yếu đến từ các quỹ ETF. Trong thời gian tới, dòng vốn ETF vẫn có thể duy trì sức hấp dẫn nhất định, với các sản phẩm mới liên tiếp ra mắt như Quỹ DCVFMVNMIDCAP (tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa thuộc chỉ số VNMidcap) và Quỹ KIM VNFINSELECT (tập trung vào các cổ phiếu tài chính thuộc chỉ số VNFIN Select).

Đối với dòng vốn từ các quỹ chủ động, SSI Research có quan điểm thận trọng khi sức ép lên tỷ giá vẫn còn trong giai đoạn còn lại của năm. Xu hướng yếu đi của dòng vốn toàn cầu cũng khiến cho dòng vốn vào Việt Nam khó có thể xuất hiện sự bứt phá, đặc biệt là khi rủi ro về tăng trưởng/lạm phát của kinh tế thế giới chưa được nhìn nhận một cách rõ ràng…

                                                                               (Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh