Đầu tư giá trị trong xu thế tích cực
Ngày nhập : 26/12/2017 16:05
Đầu tư giá trị hay lướt sóng đều phải xác định đúng thời điểm mua vào để tránh mua đỉnh

Gần đây, nhà đầu tư (NĐT) hay hỏi nhau “VN-Index hiện tại đắt hay không để nhảy vào thị trường đầu tư?”. Thực tế, khó có thể đưa ra câu trả lời chính xác cho câu hỏi này vì không có một công thức nào có thể đo định được chỉ số của thị trường là đắt hay rẻ. Một chuyên viên phân tích của CTCK Rồng Việt đưa ra một câu trả lời: “VN-Index đắt hay không phải theo định giá P/E”. Và cũng theo vị này thì câu trả lời là VN-Index đang đắt so với các thị trường khác.
 

Nắm bắt được xu hướng của thị trường, tâm lý NĐT hưng phấn và gần như mua gì cũng có lời

Nói như vậy vì nếu theo dõi xuyên suốt trong một thời gian dài, NĐT có thể thấy chỉ số P/E thực sự tăng, thậm chí tăng rất mạnh, vượt qua mức đỉnh 17.x lần. Lập luận này dựa trên việc quan sát diễn biến chỉ số chứng khoán của các thị trường Qatar, UAE và Pakistan trong những năm gần đây.

Đơn cử, với thị trường Qatar và UEA trước thời điểm công bố được nâng hạng, P/E của 2 chỉ số đều có xu hướng tăng trước đó vài tháng và thực sự tăng mạnh trong giai đoạn giữa thời điểm công bố và chính thức thăng hạng. Trong giai đoạn có thể nhận thấy P/E của DSM Index và ADSM Index tăng lần lượt 45% và 56%. Xu hướng tăng sau đó không còn duy trì được lâu đối với P/E của DSM Index nhưng đối với ADSM Index thì P/E còn tiếp tục tăng khoảng gần 1 năm sau đó và cũng nhanh chóng giảm mạnh trở lại như diễn biến của DSM Index.

Diễn biến cũng khá tương tự đối với 2 chỉ số KSE và KSE 30 Index của thị trường Pakistan. Trước khi chính thức được công bố thăng hạng, P/E của 2 chỉ số đã tăng từ tháng 1/2016. Thông tin chính thức thăng hạng vào tháng 5 năm ngoái đã giúp P/E của KSE Index tăng tiếp tục sau đó thêm khoảng 1 năm để từ mức 11.x lên mức gần 15.x trước khi điều chỉnh giảm trở lại sau khi chính thức được thăng hạng. Chỉ số KSE30 cũng diễn biến tương tự nhưng lại “đổ dốc” sớm hơn đến nửa năm. Như vậy, mức tăng P/E của 2 chỉ số nêu trên lần lượt là 46% và 47% trong giai đoạn giữa thời điểm công bố thăng hạng và chính thức thăng hạng.

Như vậy, dựa trên kinh nghiệm từ những thị trường này, có thể thấy P/E của VN-Index còn cửa tăng khá nhiều trước sự kiện thăng hạng này. Điều quan trọng là phần lớn mức tăng xuất hiện khoảng giữa thời điểm công bố và chính thức được thêm vào nên việc dự đoán chính xác thời điểm thăng hạng của thị trường Việt Nam có thể chỉ mang tính tham khảo do nhà đầu tư vẫn còn khá nhiều thời gian kể từ khi thông tin chính thức được MSCI công bố đến lúc thị trường được chính thức thăng hạng.

Sau việc định giá tiềm năng của thị trường, rõ ràng, NĐT trong nước có thể lên kế hoạch đầu tư giá trị hay lướt sóng ngay để đón đầu đợt sóng tăng. Và thực tế thời gian qua cũng đã chứng minh, khi nắm bắt được xu hướng của thị trường, tâm lý NĐT hưng phấn và gần như mua gì cũng có lời.

Tuy nhiên, đối với các nhà phân tích, để có thể thành công thì NĐT phải đầu tư giá trị thay vì lướt sóng. Trường hợp CTCP Chế biến gỗ Đức Thành (GDT) là một ví dụ. GDT là DN niêm yết chuyên sản xuất và kinh doanh các mặt hàng từ gỗ cao su, có tỷ suất sinh lợi hàng đầu với ROE đạt 40,6%. Sản phẩm chính của GDT gồm đồ bếp (65,5% tổng doanh thu), đồ gỗ gia đình (25,5%), đồ chơi và các sản phẩm khác (9%). Hoạt động xuất khẩu chiếm khoảng 85% doanh thu với mức tăng trưởng bình quân trong 3 năm gần nhất đạt xấp xỉ 13%. Về lý thuyết, GDT gần như không có rủi ro về thanh khoản với tỷ lệ thanh toán nhanh duy trì trên 2 lần và khả năng chi trả lãi vay đạt trên 100 lần trong 2 năm trở lại đây…

Tóm lại, GDT là mã cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, nhưng NĐT phải đầu tư giá trị mới có lời. Vì năm 2017, DN này dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 70% (tương ứng với tỷ suất cổ tức 10,9%). Trong khi đó, nếu lướt sóng thì không thể đạt được kỳ vọng vì thanh khoản của GDT rất thấp do không được nhiều NĐT chú ý.

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh