Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Tạo sân chơi bình đẳng, không ngừng đổi mới, lấy khách hàng làm trung tâm
Ngày nhập : 22/12/2021 16:05
Hướng tới mô hình ngân hàng số (Digital Banking) hoạt động trong kỷ nguyên số, ứng dụng nền tảng công nghệ mới nhất đối với tất cả các chức năng, sản phẩm, dịch vụ và ở mọi cấp độ trong hoạt động của ngân hàng là mục tiêu lâu dài của các ngân hàng Việt Nam thời gian tới...

Để làm được như vậy, các chính sách, khuôn khổ pháp lý liên quan đến chuyển đổi số ngành Ngân hàng phải làm thế nào để có thể vừa tạo ra sân chơi bình đẳng; bảo đảm sự phát triển, đổi mới; hạn chế rủi ro (nhất là rủi ro công nghệ) và bảo vệ người tiêu dùng. Đây cũng là một trong những mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hướng tới nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ về chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số.

Phát triển ngân hàng số đã trở thành một hướng đi tất yếu của các ngân hàng trong kỷ nguyên 4.0. Có thể hiểu, ngân hàng số là một hình thức ngân hàng số hóa tất cả những hoạt động và dịch vụ ngân hàng truyền thống. Nói cách khác, tất cả những gì người dùng có thể làm ở các chi nhánh ngân hàng bình thường, đã được số hóa và tích hợp vào một ứng dụng ngân hàng số duy nhất.

Tuy nhiên, định nghĩa ngân hàng số là số hóa ngân hàng là không đủ. Ngân hàng số cần được hiểu là một mô hình kinh doanh mới, một cách tiếp cận mới với những giá trị mới, thay vì chỉ số hóa những thứ đã có.

Theo các chuyên gia, ngân hàng số có nhiều mức độ. Trong đó, 1.0 là giai đoạn ngân hàng đa kênh cung cấp nhiều dịch vụ như Internet Banking, Mobile Banking; 2.0 là thời kỳ hợp kênh, tung mọi dịch vụ lên một ứng dụng, thuận tiện cho người dùng sử dụng; giai đoạn 3.0 là người dùng có thể thực hiện tất cả dịch vụ tài chính từ xa mà không cần đến ngân hàng; còn giai đoạn 4.0 là tập trung vào trải nghiệm, cá nhân hóa người dùng.
 

Hoạt động chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng được đẩy mạnh

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng, Chính phủ, NHNN đã ban hành nhiều văn bản, hoàn thiện chính sách cũng như hành lang pháp lý.  

Trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và triển khai các định hướng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021). Theo đó, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch nhằm đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của NHNN theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc CMCN 4.0, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về chuyển đổi số của Chính phủ; phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm của khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.

Trước đó, NHNN cũng đã triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá, tạo điều kiện chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng như bổ sung quy định pháp lý về trung gian thanh toán, ban hành chuẩn thanh toán thông qua mã phản hồi nhanh QR, tiêu chuẩn thẻ chíp nội địa, ban hành quy định mở tài khoản thông qua xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC) (Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 04/12/2020 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán); đồng thời, ban hành các kế hoạch nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số như: Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0; Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của NHNN giai đoạn 2021 - 2025.

Hạ tầng thanh toán cũng được nâng cấp và hoạt động an toàn, hiệu quả, thông suốt. Hệ thống thanh toán điện tử; Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử được vận hành ổn định, liên tục và an toàn. Mạng lưới ATM, POS được phủ sóng đến tất cả tỉnh, thành trên cả nước.

Theo khảo sát của NHNN, 95% các tổ chức tín dụng Việt Nam đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), dữ liệu lớn (Big Data)... vào hoạt động cung ứng dịch vụ giúp đơn giản hóa quy trình thủ tục, rút ngắn thời gian cung ứng dịch vụ và hỗ trợ công tác đánh giá, phân loại khách hàng.

Nhiều nghiệp vụ được số hóa 100% (như: Gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, quản lý nhân sự, kế toán - tài chính...).

Đến nay, số lượng, giá trị giao dịch ngân hàng qua kênh số có sự tăng trưởng mạnh. Theo số liệu của NHNN, trong 6 tháng đầu năm 2021, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm 2020 như tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 7,84% về số lượng và tăng 38,76% về giá trị, giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 62,5% về số lượng và 32,03% về giá trị, giao dịch thanh toán qua điện thoại di động tăng 82,71% về số lượng và 115,11% về giá trị, giao dịch qua kênh QR code tăng tương ứng 79,93% về số lượng và 164,85% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số lượng giao dịch bằng ví điện tử được xử lý thành công đạt xấp xỉ 802,56 triệu món với tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 302,16 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt là 85,38% về số lượng giao dịch và 91,57% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020…

Chuyển đổi số giúp ngân hàng tối đa hóa lợi nhuận

Một trong đích đến quan trọng của quá trình chuyển đổi số là giúp ngân hàng tiết giảm chi phí tối đa, qua đó tăng doanh thu và lợi nhuận. Do đó, bên cạnh chỉ tiêu lợi nhuận, CIR (tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập) là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá mức độ hiệu quả trong hoạt động của các ngân hàng. CIR của các ngân hàng ngày càng giảm cho thấy, ngân hàng đang hoạt động khá hiệu quả, tốn ít chi phí hoạt động hơn để tạo ra doanh thu.

Thực tế khảo sát báo cáo tài chính quý II/2021 của các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, hầu hết ngân hàng đều có CIR giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020, nhờ quá trình đẩy mạnh chuyển đổi số trong những năm gần đây, qua đó giúp lợi nhuận của các ngân hàng tăng và khá bền vững…

Thực tế, quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng cũng gặp không ít thách thức như chi phí đầu tư cho công nghệ không hề nhỏ, cần nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và kỹ thuật cao, trong khi tội phạm công nghệ cũng ngày càng tinh vi, phức tạp trên quy mô toàn cầu. Bên cạnh đó, rào cản lớn nhất là thói quen của người dân trong sử dụng dịch vụ ngân hàng, đa số vẫn e ngại với các hình thức giao dịch mới, thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến, đặc biệt tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, bên cạnh đó là những lo ngại về an toàn thông tin và dữ liệu người dùng; các vụ mất tiền trong tài khoản vẫn xảy ra khiến người dân e ngại khi sử dụng dịch vụ. Do đó, cần cú hích lớn để thay đổi thói quen người dùng. Trong khi đó, quy trình xây dựng, ban hành chính sách thường đi sau đà phát triển của công nghệ. Sự kết nối hạ tầng công nghệ thanh toán chưa được triển khai rộng khắp, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thực tế, các ngân hàng Việt Nam chưa có hệ sinh thái số đúng nghĩa, chưa thực sự thu hút và tạo sự gắn bó của khách hàng. Các sản phẩm số của nhiều ngân hàng khá giống nhau, chưa có nét đặc trưng riêng dẫn đến tình trạng cạnh tranh lẫn nhau.

Hướng tới mô hình ngân hàng số thuần túy đúng nghĩa

Tại Việt Nam, phần lớn các ngân hàng hiện nay mới số hóa ở cấp độ 1, 2, một số ít các ngân hàng còn lại đang ở những bước sơ khai, ban đầu của cấp độ 3. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vẫn chưa có ngân hàng số thuần túy theo đúng nghĩa của nó. Ở đây được hiểu là mô hình ngân hàng số hoạt động trong kỷ nguyên số, ứng dụng nền tảng công nghệ mới nhất đối với tất cả các chức năng, sản phẩm và dịch vụ và ở mọi cấp độ trong hoạt động của ngân hàng.

Việc hoàn thiện chính sách, hành lang pháp lý có vai trò quan trọng, để có thể vừa tạo ra sân chơi bình đẳng, vừa bảo đảm sự phát triển, đổi mới, vừa hạn chế rủi ro (nhất là rủi ro công nghệ) và bảo vệ người tiêu dùng. Khâu tạo hành lang pháp lý (kể cả quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát - Sandbox) cần triển khai nhanh hơn, tránh tâm lý quá cầu toàn, sợ sai; vì đây là những vấn đề mới, vừa làm vừa hoàn thiện.

Theo đó, thời gian tới, NHNN cần tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số ngành Ngân hàng, như: Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ, trong đó, tập trung triển khai Nghị định mới về TTKDTM và có kế hoạch triển khai thử nghiệm cho các Fintech khi Chính phủ ký ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng; NHNN đang hoàn thiện trình Thủ tướng ban hành Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025 và phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu tại Đề án; phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money); tiếp tục chỉ đạo nâng cấp, hoàn thiện, phát triển hạ tầng chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử; mở rộng triển khai hệ thống ACH (hệ thống bù trừ tự động) tại Việt Nam theo hướng mở rộng sản phẩm dịch vụ và mở rộng kết nối các ngân hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ công; triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm giúp các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong kỷ nguyên số; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành Ngân hàng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

Ở tầm vĩ mô, Việt Nam cần đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm... từ đó, cho phép xác định được chủ thể của giao dịch, cơ sở để phát triển được thanh toán điện tử.

NHNN và Bộ Công an nghiên cứu để triển khai việc tích hợp chữ ký số trên thẻ căn cước công dân gắn chip. Điều đó sẽ giúp thực hiện được việc xác thực công dân trong các bản ký kết hợp đồng tín dụng. Ngân hàng cũng sẽ giải ngân khoản vay online, thay vì hiện nay dù ngân hàng làm quy trình cho vay trực tuyến, nhưng đến khi giải ngân, khách hàng vẫn phải đến quầy giao dịch để ký.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan (như Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông, NHNN) cần xây dựng quy định về bảo vệ dữ liệu người dùng, định danh số, hoàn thiện quy định bảo mật giao dịch, an ninh thông tin. Đồng thời, cần hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ số, trong đó, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ ngành Ngân hàng; tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng của ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số.

Ngoài ra, chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số phải gắn với thúc đẩy tài chính toàn diện. Theo đó, triển khai các nội dung liên quan đến phát triển ngân hàng số, hợp tác Ngân hàng - Fintech, ứng dụng công nghệ thông tin trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện; đồng thời cung ứng dịch vụ ngân hàng an toàn, thuận tiện với giá cả hợp lý cho người dân chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt người dân khu vực vùng sâu, vùng xa, cũng như chú trọng nâng cao hiểu biết, kỹ năng tài chính…

Nâng cao tiện ích và trải nghiệm cho khách hàng, bên cạnh bài toán về chi phí đầu tư công nghệ và khả năng thu hồi vốn, giá trị của công nghệ kéo dài bao lâu là những vấn đề mà các ngân hàng thương mại phải tính đến. Vì vậy, mỗi ngân hàng trong từng giai đoạn phát triển có thể định mức ra sự phát triển cho riêng mình về chỉ tiêu trải nghiệm khách hàng, hoàn vốn, thu lợi nhuận...

Để thu hút người dùng, bên cạnh đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao kỹ năng sử dụng dịch vụ ngân hàng số, các ngân hàng cần tăng cường chất lượng dịch vụ, có quy trình hướng dẫn đào tạo, thực hiện cài đặt và sử dụng dịch vụ Mobile Banking thật đơn giản để thay đổi thói quen người dùng.

Thực tế, trong ngân hàng số và thanh toán số không thể không nhắc tới quan hệ hợp tác Ngân hàng - Fintech. Hiện có tới 81% tổ chức tín dụng lựa chọn mô hình hợp tác giữa Ngân hàng - Fintech để cùng phát triển. Việc “bắt tay” với Fintech cần được các ngân hàng đẩy mạnh bởi những lợi ích cho cả ngân hàng, Fintech và người sử dụng dịch vụ, giúp đẩy nhanh quá trình số hóa ngân hàng.                                
                                                               
                                                                                               (Nguồn: Tạp chí Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh