Chứng khoán tuần: Thị trường đã 'rẻ' trở lại ?
Ngày nhập : 14/05/2018 09:56
Phiên giao dịch cuối tuần bật tăng được xem như một phản ứng tích cực khi thị trường rơi trở lại vùng đáy cũ.
 
 
Thị trường tuần qua đã có những phiên giao dịch thót tim khi tâm lý biến đổi chóng mặt. Từ chỗ tăng vọt trên 35 điểm ngay đầu tuần, VN-Index mất sạch điểm số vào ngày thứ Năm. Tưởng như thị trường sẽ trở về điểm xuất phát thì ngày cuối tuần lại “ghi điểm”.

Tính chung cả tuần, chỉ số VN-Index vẫn có được mức tăng hơn 18 điểm, ghi nhận tuần đảo chiều phục hồi đầu tiên sau 4 tuần lao dốc chóng mặt. Mặc dù chỉ số giảm thấp nhất trong tuần là 1.014 điểm, trong khi đáy cũ là 1.004 điểm, nhưng vẫn có thể coi thị trường đang lần tìm về vùng đáy gần nhất. Vì vậy phiên giao dịch cuối tuần bật tăng được xem như một phản ứng tích cực khi thị trường rơi trở lại vùng đáy cũ.

Trên phương diện kỹ thuật, các phản ứng như vậy được xem là dấu hiệu của việc thị trường đang cố gắng trụ lại tại đáy và tìm kiếm điểm cân bằng. Đương nhiên VN-Index hoàn toàn có thể điều chỉnh một vài lần nữa để xuống thấp hơn mức 1.014 điểm, nhưng chừng nào chỉ số vẫn nằm trên mức 1.004 điểm, khả năng trụ lại tại đáy vẫn được đánh giá cao hơn.

Cơ hội tạo đáy trong khoảng 1.000-1.004 điểm của VN-Index đang trở nên sáng hơn, vì trong lần điều chỉnh thứ hai này, tốc độ giảm không còn lớn như trước. Mức giảm mạnh nhất là ngày thứ Năm khi chỉ số mất hơn 28 điểm. Các phiên giảm còn lại trong tuần chỉ dưới 4 điểm.

Việc giảm tốc độ rơi cũng là một dấu hiệu đáng chú ý và tích cực. Đợt điều chỉnh dữ dội đang diễn ra không xuất phát từ nguyên nhân cơ bản nào đặc biệt, chẳng hạn như rủi ro thông tin, mà chủ yếu là do mức định giá cổ phiếu quá cao, cộng với việc sử dụng đòn bẩy vô tội vạ. Do đó thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tháng 4 đi ngược thế giới, trong khi các thị trường khác tăng điểm thì Việt Nam lại giảm rất mạnh. Nói cách khác, chính yếu tố đầu cơ quá nóng đã làm hại thị trường VIệt Nam, chứ không phải các yếu tố kinh tế vĩ mô hay vi vô của doanh nghiệp khiến giá cổ phiếu điều chỉnh mạnh như vậy.

Yếu tố cơ bản tốt của nền kinh tế là xương sống của xu hướng tăng trưởng dài hạn của thị trường chứng khoán. Vì vậy có thể khẳng định thị trường vẫn đang trong xu thế tăng kéo dài tính bằng nhiều năm. Biến động như tháng 4 vừa rồi chỉ là nhịp điều chỉnh ngắn hạn trong một xu thế tăng giá. Do đó, nếu các yếu tố ngắn hạn giảm áp lực lên thị trường thì khả năng kết thúc điều chỉnh sẽ xuất hiện.

Các yếu tố ngắn hạn ở đây, như mới nói phía trên, chính là sự định giá quá cao của nhiều cổ phiếu và việc sử dụng đòn bẩy quá nhiều. Lấy ví dụ, tại thời điểm thị trường đạt đỉnh đầu tháng 4, tỷ lệ P/E của VN-Index 12 tháng gần nhất vào khoảng 22,1 lần, trong khi tại đáy tháng 2 vừa rồi, P/E của VN-Index khoảng 18,5 lần. Tại phiên tạo đáy gần nhất ngày 3/5, P/E của VN-Index khoảng 18,3 lần, đã thấp hơn đáy điều chỉnh tháng 2/2018.
 
 

Như vậy yếu tố đầu tiên là mức định giá dường như đã trở lại “bình thường”. Nếu như thời điểm cuối tháng 2 thị trường chấp nhận mức P/E quanh 18 lần thì lúc này cũng có thể chấp nhận tương tự. Mặc dù vậy cũng phải nói thêm rằng, thị trường hiện tại đang trong giai đoạn được đánh giá cao hơn quá khứ gần. Chẳng hạn năm 2017, VN-Index dao động trong khoảng đạt đỉnh với P/E 17 lần và chạm đáy với P/E khoảng 13 lần. Năm 2016 thị trường còn được định giá thấp hơn nữa, với các đáy điều chỉnh ngắn hạn của VN-Index chỉ tương ứng P/E 10 lần.

Yếu tố ngắn hạn thứ hai quyết định khả năng tạo đáy là các đợt giải chấp và bán tháo đã làm suy giảm mức độ sử dụng đòn bẩy hay chưa? Đây không phải là điều dễ dự đoán vì không có số liệu thống kê đầy đủ. Tuy nhiên một lần nữa thị trường lại có những biểu hiện có thể ước đoán: Đó là mức biến động điểm số hàng ngày.

Rõ ràng là trong tháng 4, thị trường chứng khiến liên tục các phiên sụt giảm 20-30 điểm, thậm chí các phiên giảm trên 40 điểm. Đó là biểu hiện của sức ép bán tháo rất lớn. Kể từ khi thị trường tạm thời chạm đáy 1.004 điểm ngày 3/5 đến nay, mới có một phiên duy nhất giảm 28 điểm ngày 10/5 vừa rồi. Nếu mức giảm trên 20 điểm không tái xuất hiện nữa, có thể khẳng định sức ép bán tháo đã giảm đi đáng kể.

Một điều hiển nhiên là thị trường vẫn có thể điều chỉnh xuống sâu hơn mức 1.000-1.004 điểm của chỉ số VN-Index. Vẫn chưa có gì đảm bảo thị trường đã thật sự tạo đáy. Tuy nhiên các yếu tố định lượng đang cho thấy thị trường đã được định giá hợp lý hơn sau quá trình lao dốc cực mạnh tháng 4.

Quá trình đó cũng đã giải phóng đáng kể lượng cổ phiếu mua bằng vốn vay trên đỉnh. Thị trường sẽ tạo đáy nếu được chấp nhận mức định giá hiện tại. Ngược lại, nếu thị trường tiếp tục giảm, tức là các tổ chức đầu tư lớn vẫn nghĩ rằng P/E quanh 18 lần vẫn là quá cao.
 
 
(Theo Thời Báo Tài Chính Việt Nam)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh