Chứng khoán tuần: Tháng 11 kỷ lục
Ngày nhập : 04/12/2017 15:27
Đây là tháng tăng trưởng mạnh nhất trong lịch sử hậu khủng hoảng của thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời là tháng có mức độ mua ròng lớn chưa từng thấy của nhà đầu tư nước ngoài.
 
 
Giao dịch tuần qua “lân” sang 1 phiên của tháng 12, nhưng điều đó cũng không làm giảm đi ánh hào quang của tháng 11 nhiều kỷ lục. Đây là tháng tăng trưởng mạnh nhất trong lịch sử hậu khủng hoảng của thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời là tháng có mức độ mua ròng lớn chưa từng thấy của nhà đầu tư nước ngoài.

Chứng khoán Việt tăng trưởng mạnh thứ 2 toàn cầu

Chốt phiên giao dịch đầu tiên của tháng 12, VN-Index đạt 960,33 điểm. Như vậy từ đầu năm đến nay, chỉ số đại diện của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng 44,59%. Theo thống kê từ thị trường quốc tế, mức tăng trưởng này đã đứng thứ 3, chỉ sau Argentina với mức tăng trưởng 59,25% và sau Mông Cổ với mức tăng trưởng 110,1%.

Tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục giữ vị trí thứ 2 toàn cầu ở tốc độ tăng trưởng 1 tháng (13,96%), 3 tháng (21,76%) và 6 tháng (29,46%) chỉ sau Mông Cổ. Tốc độ tăng trưởng của thị trường Việt Nam vượt xa tốc độ tăng trưởng của các thị trường mới nổi và phát triển khác, cũng như tăng trưởng gấp nhiều lần các thị trường khác trong khu vực. Ví dụ Singapore 1 tháng tăng trưởng chỉ có 1,71%, 3 tháng tăng 5,26% và 6 tháng tăng 6,6% và từ đầu năm tới giờ tăng 19,02%.

Riêng với thị trường trong nước, tháng 11/2017 cũng là tháng tăng trưởng mạnh hoàn toàn trái với quy luật. Tháng 11/2017, VN-Index tăng 13,5%, trong khi kể từ năm 2007, chỉ duy nhất tháng 11/2013 là chỉ số có tăng trưởng và cũng rất nhẹ: 2,1%.

Nếu tính theo từng tháng, tháng 11/2017 cũng là tháng lập kỷ lục về tốc độ kể từ tháng 1/2013. Trong lịch sử thị trường kể từ sau 2007, chỉ duy nhất 3 tháng mà VN-Index tăng mạnh hơn tháng 11 năm nay, là các tháng 5/2009 (tăng trưởng 28%), 8/2009 (tăng 17,1%) và tháng 1/2013 (tăng 16%).

Ngoại trừ hiện tượng bất thường năm 2009 đi cùng với gói hỗ trợ lãi suất hậu khủng hoảng, thị trường chứng khoán Việt Nam năm nay có được sự góp sức của nhiều cổ phiếu vốn hóa rất lớn mới niêm yết sau này. Đặc biệt trong tháng 11, chính các cổ phiếu khổng lồ đã tạo nên mức tăng trưởng kỷ lục như vậy.

Vốn hóa của VN-Index (sàn HSX) tính đến ngày 1/12/2017 là khoảng 2,55 triệu tỷ đồng thì vốn hóa của 20 cổ phiếu lớn nhất chiếm xấp xỉ 76%. Ngay trong nhóm 20 mã lớn nhất này cũng có sự cách biệt rất lớn về vốn hóa: 5 mã lớn nhất có vốn hóa trên 100 ngàn tỷ đồng mỗi mã theo thứ tự là VNM, SAB, VIC, VCB và GAS. Vốn hóa thấp nhất nhóm là GAS cũng đạt 156.561 tỷ đồng. Nhóm 5 mã kế tiếp chỉ có vốn hóa từ thấp nhất 84.360 tỷ đồng đến cao nhất 94.103 tỷ đồng. Nhóm 5 mã nhỏ nhất trong số 20 mã này, lại chỉ có vốn hóa dưới 50.000 tỷ đồng.

5 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường lại là các mã có tốc độ tăng trưởng thuộc hàng lớn nhất tháng 11, trong số 20 mã vốn hóa hàng đầu. Đó là lý do tại sao tháng 11/2017 VN-Index lại "bay" cao đến như vậy: Các cổ phiếu lớn nhất đã dẫn dắt chỉ số và hầu hết có mức tăng cao hơn chỉ số. VNM tăng 23,6%, SAB tăng 15,2%, VIC tăng 27,4%, VCB tăng 17,1%, GAS tăng 12,9%.
 
 

Kỷ lục của dòng vốn

Để các cổ phiếu vốn hóa lớn tăng trưởng mạnh và thúc đẩy thị trường chung tăng trưởng, cần một lượng tiền rất lớn. Tháng 11/2017 cũng là tháng thanh khoản của thị trường đạt đến con số chưa từng có trong lịch sử: Trung bình 7.718,9 tỷ đồng/phiên.

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến thanh khoản kỷ lục nói trên. Thứ nhất là thị trường đón nhận thêm một số cổ phiếu mới niêm yết, trong đó có cổ phiếu rất lớn và thanh khoản dồi dào như VRE. Thứ hai là xuất hiện các thương vụ quy mô khổng lồ như giao dịch thỏa thuận ở VRE, VNM, DIG.

Tháng 11 cũng là tháng ghi nhận kỷ lục về dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường. Mặc dù phần lớn dòng vốn này giao dịch thông qua thỏa thuận trực tiếp, nhưng hiệu ứng chung vẫn là đổ vốn ròng vào thị trường.

Thống kê từ hai Sở giao dịch cho thấy tháng 11/2017 đã có tổng hợp 10.414,9 tỷ đồng mua ròng trên thị trường chứng khoán. Đây là mức giao dịch lớn chưa từng có trong lịch sử tính theo tháng.

Dòng vốn này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tạo thanh khoản chung cho thị trường đạt quy mô kỷ lục. Tính theo trung bình phiên, nhà đầu tư nước ngoài giải ngân chiếm 32,3% tổng giá trị thị trường và bán ra chiếm 26,1% hàng ngày. Nếu tính theo giá trị tuyệt đối, trong tháng 11 nhà đầu tư nước ngoài giải ngân 54.794,5 tỷ đồng, bán ra 44.379,7 tỷ đồng.

Hiện tượng dòng vốn ngoại đổ vào thị trường lớn như vậy không chỉ xuất phát từ các đợt thoái vốn khổng lồ. Phần rất lớn lượng tiền đi qua kênh này nhưng không được ghi nhận trực tiếp trên thị trường hàng ngày. Phần còn lại có mối liên hệ nhất định: Các tổ chức bên cạnh mua quá đấu giá cũng mua thêm trên thị trường. Mặc dù có hiện tượng thoái vốn từ một số quỹ thâm niên, nhưng rõ ràng lượng vốn ròng được ghi nhận qua thị trường niêm yết ở một quy mô gần 22.900 tỷ đồng kể từ đầu năm đã xác nhận lượng vốn vào ròng ở mức lớn chưa từng thấy./.
 

(Theo Thời Báo Tài Chính Việt Nam)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh