Chất “xúc tác” thúc thị trường chứng khoán 2019
Ngày nhập : 27/02/2019 11:20
 
Việt Nam đã vượt qua Thái Lan khi được chọn là điểm đến của cuộc đàm phán thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Sự kiện quan trọng trên hứa hẹn nâng tầm vị thế của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông, du dịch, dịch vụ.

Dòng tiền lớn chảy mạnh

Chuỗi phiên tăng điểm ấn tượng của chỉ số VN-Index trong 2 tuần giao dịch đầu đầu năm Kỷ Hợi 2019 không chỉ mang lại niềm tin cho đại bộ phận nhà đầu tư, mà còn mang thông điệp lạc quan đối với xu thế thị trường quý I và cả năm.

Chỉ số chứng khoán VN-Index đã bứt phá từ mức 908,62 điểm, vượt qua 2 vùng kháng cự quan trọng 920 - 925 điểm và 955 - 960 điểm, với thanh khoản bùng nổ trên 2 sàn giao dịch, đặc biệt là sàn HOSE (giá trị giao dịch trung bình 4.800 tỷ đồng/phiên).

Dòng tiền lớn chảy mạnh vào thị trường, tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc các nhóm ngành xây dựng, ngân hàng, dầu khí, bất động sản, dược phẩm, với một số mã cổ phiếu điển hình như VIC, VNM, GAS, VCB, DHG, VRE.

Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, VN-Index nhiều khả năng sẽ sớm lấy lại số điểm đã mất trong năm 2018 và quay lại khu vực 1.100 - 1.200 điểm trong năm 2019. Nhìn lại diễn biến VN-Index vào thời điểm này năm ngoái, chỉ số cũng có những chuỗi phiên tăng điểm thần tốc, mang lại sự hưng phấn, lạc quan cho giới đầu tư khi tăng vượt 1.000 điểm và chỉ kết thúc khi đạt đỉnh cao tại khu vực 1.200 điểm giai đoạn đầu tháng 4/2018.

“Xanh vỏ, đỏ lòng”: Chuyện nhỏ trong xu hướng tăng

Phân tích kinh tế vĩ mô Việt Nam và diễn biến thị trường chứng khoán trong 3 năm (2016 - 2018) cho thấy, chúng ta đang đứng trước một xu hướng tăng lớn của thị trường. Nhiều  khả năng 2018 chỉ là năm điều chỉnh sau 2 năm tăng mạnh và rất có thể sẽ hồi phục trong giai đoạn 2019 - 2020.

Thực tế, năm 2018, nhiều nhà đầu tư cá nhân, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước đã thất bại khi danh mục đầu tư đều ghi nhận sự thua lỗ lớn. Ngay cả các quỹ đầu tư danh tiếng, có thâm niên hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam như Dragon Capital, VinaCapital, Mekong Capital, hay các quỹ đầu tư mới đến từ Nhật bản, Hàn Quốc… cũng không có kết quả đầu tư tốt.

Nhóm cổ phiếu lớn, cổ phiếu hàng đầu thị trường là những mã tăng mạnh giai đoạn cuối năm 2017 và đầu năm 2018 là những cổ phiếu “tội đồ”, có mức sụt giảm giá lớn trong phần lớn thời gian còn lại của năm 2018.

Thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh từ mốc 1.200 điểm về dưới 900 điểm trong năm 2018 ngay cả khi các chỉ báo kinh tế vĩ mô khởi sắc (GDP cả năm tăng 7,08%), được dự báo tiếp tục biến động mạnh khi kinh tế vĩ mô năm 2019 có những khó khăn để duy trì đà tăng trưởng. Vì thế, sự hồi phục nhanh và mạnh về điểm số chứng khoán thời gian vừa qua gây nhiều bất ngờ.

Ðã có ý kiến cho rằng, chứng khoán Việt Nam đang có hiện tượng “xanh vỏ, đỏ lòng” khi dòng tiền lớn chỉ “kéo” các cổ phiếu blue-chips và cơ hội không dành cho đa số nhà đầu tư. Lực cầu lớn chỉ kéo các cổ phiếu lớn, trong khi nhiều cổ phiếu khác không biến động nhiều, thậm chí giảm giá.

Tuy nhiên, nghĩ theo hướng khác và nhìn bao quát thị trường cho thấy, dòng tiền lớn chảy vào các nhóm cổ phiếu cơ bản hàng đầu trong các nhóm ngành như xây dựng, ngân hàng, bảo hiểm, tiêu dùng, bất động sản, đặc biệt là dầu khí, trước khi lan tỏa sang các nhóm cổ phiếu đầu cơ, hay nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Hiện tượng tăng điểm luân phiên giữa các nhóm cổ phiếu dự kiến sẽ tiếp diễn ngay sau đó và tiếp tục gây tiếc nuối cho các nhà đầu tư mất kiên nhẫn.

Bối cảnh kinh tế vĩ mô thế giới và Việt Nam năm 2019 khác so với năm 2018. Nếu năm 2018, khi đỉnh điểm về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang thì năm 2019, mức độ ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam phần nào suy giảm. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 4 lần trong năm 2018, thì việc tăng tiếp lãi suất được cân nhắc rất kỹ và tần suất sẽ giảm trong năm 2019.

Ðối với nền kinh tế Việt Nam, tăng trưởng kinh tế đang theo quỹ đạo, tăng trưởng GDP cao nhất trong 10 năm giai đoạn 2008 - 2018, nhiều nhóm ngành nghề đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt, đặc biệt là nhóm ngành có thiên hướng xuất khẩu như gia công may mặc, sản xuất linh kiện điện tử, thủy sản.

Quy mô, vốn hóa thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục tăng, thị trường chứng khoán phái sinh thu hút sự quan tâm lớn đối với các nhà đầu tư. Ngay cả thế giới biến động khó lường thì kinh tế Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng và thể hiện là nền kinh tế năng động, thu hút đầu tư hấp dẫn nhất khu vực châu Á.

Chất xúc tác

Có một số điểm mà nhà đầu tư cần quan tâm trong năm 2019, hứa hẹn là chất xúc tác, không chỉ giúp nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng tốc, mà còn giúp thị trường chứng khoán sẽ hồi phục tốt và là điểm đến của dòng tiền đầu tư nước ngoài.

Thứ nhất, Việt Nam đang tỏ rõ ý chí quyết tâm thúc đẩy phát triển kinh tế, khuyến khích phát triển nội lực, khu vực kinh tế tư nhân, thông qua tham gia các hiệp định thương mại tự do, các hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA, hay cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp và tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước.

Thứ hai, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan khi được chọn là điểm đến của cuộc đàm phán thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Sau Singapore, Việt Nam lại có vinh dự này, bởi mô hình kinh tế mở cũng như chính trị ổn định. Sự kiện quan trọng trên hứa hẹn nâng tầm vị thế của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông, du dịch, dịch vụ. Ðây có thể là cơ hội bứt phá của kinh tế Việt Nam trong năm 2019 cũng như các năm tiếp theo, khi các sự kiện quốc tế được diễn ra thường xuyên hơn, cơ sở hạ tầng, cầu cảng, đường sá tiếp tục nâng cấp và mở mới.

Thứ ba, thị trường chứng khoán Việt Nam đã được tổ chức FTSE đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng thị trường mới nổi thứ cấp trong vòng ít nhất 1 năm. Cho dù chúng ta chưa thể đánh giá chính xác được mức độ ảnh hưởng tích cực, nhưng ít nhất, tiềm năng cũng như các bước phát triển của thị trường chứng khoán đang được các tổ chức tín dụng và các quỹ đầu tư chuyên nghiệp quốc tế đánh giá cao.

Như vậy, chúng ta đã nhìn ra những điểm sáng của bức tranh toàn cảnh kinh tế cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam. Diễn biến hồi phục mạnh của thị trường chứng khoán ngay giai đoạn đầu năm đã và đang củng cố niềm tin và hơn hết, các nhà đầu tư sẽ mạnh dạn mua và nắm giữ cổ phiếu hơn.

Trong ngắn hạn, VN-Index sẽ đối mặt với ngưỡng kháng cự 1.000 điểm (+/-10 điểm), nhưng điều này không quan trọng khi việc đầu tư vào từng cổ phiếu cụ thể được quan tâm hơn và trong năm 2019, chỉ số nhiều khả năng sẽ quay lại vùng 1.100 - 1.200 điểm một lần nữa.

Chiến lược mua và nắm giữ các cổ phiếu triển vọng ở mức giá hấp dẫn được đánh giá cao, bên cạnh đó là chiến lược tìm ra các cổ phiếu bị thị trường quên lãng bấy lâu, những cổ phiếu mà thị trường định giá thấp giá trị.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang có nhiều cơ hội hơn rủi ro. Cổ phiếu của các doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời và giá cổ phiếu đang xuống thấp cũng có thể không phải là lựa chọn tồi, bởi ngay cả các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp tốt đều có những thăng trầm trong quá trình phát triển.

Dự báo, năm 2019 tiếp tục là năm của nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, xây dựng và vật liệu, tài nguyên cơ bản, thủy sản, dệt may, tiêu dùng, ngân hàng và dầu khí. Trong việc lựa chọn cổ phiếu, nhà đầu tư nên quan tâm đến giá trị doanh nghiệp hơn là các chỉ số tài chính như lợi nhuận/doanh thu hay P/E.

(Nguồn: Đầu tư chứng khoán)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh