Đảm bảo tăng trưởng bền vững
Ngày nhập : 23/07/2021 15:29
Ngày 22/7, Quốc hội đã nghe Chính phủ trình bày Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 6 tháng và dự kiến Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Theo đó, mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững…; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp...

Tăng trưởng bình quân khoảng 6,5-7%

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm 2021-2025, Chính phủ đã đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, tăng 2 chỉ tiêu so với giai đoạn 2016-2020, với 8 chỉ tiêu về kinh tế, 9 chỉ tiêu về xã hội và 6 chỉ tiêu về môi trường. Một số chỉ tiêu quan trọng là: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi NSNN bình quân 3,7% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%.

Để đạt mục tiêu này, Chính phủ đã đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm bám sát và cụ thể hóa phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển KT - XH 5 năm 2021-2025 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua.
 
 

Theo đó, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển KT - XH, nhưng căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên, quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống dịch. Nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khả thi, hiệu quả.

Bên cạnh đó Chính phủ sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo, hoặc chưa đầy đủ theo hướng vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó chủ động, tích cực sửa đổi, hoàn thiện; nghiên cứu khẩn trương ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết những vấn đề tồn đọng, phức tạp gây thất thoát, lãng phí; trường hợp cần thiết ban hành một luật sửa nhiều luật hoặc nghị quyết thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh chưa được quy định trong luật hoặc đã có nhưng có nhiều vướng mắc, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn...

Đặc biệt Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền, xác định cụ thể trách nhiệm, gắn với kiểm soát quyền lực và tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát. Điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa giữa các chính sách nhằm kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó là đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số…

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh