Xuất khẩu - điểm sáng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19: Tận dụng tốt thời cơ
Ngày nhập : 03/04/2020 14:25
 
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, một số lĩnh vực suy giảm khá mạnh trong quý I/2020. Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu vẫn là một điểm sáng, tạo ra vị thế xuất siêu nhờ một số lĩnh vực, sản phẩm trụ vững, thậm chí gia tăng sự hiện diện trên thị trường thế giới nhờ phát huy năng lực và tận dụng tốt thời cơ.

Điểm danh 8 nhóm sản phẩm dẫn đầu

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, dịch Covid-19 lây lan mạnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu (EU) và Hoa Kỳ, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu quý I/2020 vẫn đạt 59,08 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019; cán cân thương mại quý I thặng dư 2,8 tỷ USD (cùng kỳ năm 2019 xuất siêu 1,5 tỷ USD). Đóng góp quan trọng vào kết quả trên là 8 nhóm sản phẩm lớn, chiếm 70,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước…

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cho rằng, kết quả xuất khẩu của nhóm hàng chủ lực là rất ấn tượng trong bối cảnh khó khăn bao trùm toàn cầu… Theo đánh giá của ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thực tế kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực thể hiện sự đúng đắn trong định hướng thu hút đầu tư từ các tập đoàn quốc tế có công nghệ hiện đại và khả năng sáng tạo để hỗ trợ việc chuyển dịch cơ cấu, tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế trong nước. “Xét về nguyên nhân trực tiếp, xuất khẩu tăng chủ yếu do sự điều tiết của thị trường toàn cầu. Song, bên cạnh đó cũng là sự nỗ lực của nhà sản xuất khi bản thân họ cũng gặp không ít khó khăn về nguồn nhân lực, nguồn nguyên liệu do ảnh hưởng của dịch Covid-19”, ông Phan Hữu Thắng bình luận.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, không phải ngẫu nhiên mà các nhóm hàng nói trên được coi là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Thực tế, trong nhiều năm qua, nhóm hàng này vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhìn chung, đó đều là những sản phẩm có sức cạnh tranh và phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của các thị trường nhập khẩu…

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản và nhiều hàng hóa khác vào thị trường có sức mua cao hàng đầu thế giới. Hội đồng Liên minh châu Âu vừa thông qua quyết định phê chuẩn EVFTA ngày 30-3, nên khi được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn (dự kiến vào mùa hè này), EVFTA chính thức có hiệu lực. Khi đó, rất nhiều dòng thuế sẽ được cắt giảm. “Tuy nhiên, sự chuẩn bị của mỗi đơn vị xuất khẩu là rất cần thiết, đòi hỏi sự nghiêm túc, bài bản vì nếu không đáp ứng được các yêu cầu khắt khe, nhất là về tiêu chuẩn và xuất xứ, thì cũng khó tận dụng được cơ hội”, ông Trần Thanh Hải khuyến nghị.

Trong khi đó, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu thủy sản sang EU có thể tăng trưởng trên 20% trong năm 2020 và tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo. Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do khác, nên nhiều mặt hàng của Việt Nam đứng trước thời cơ thuận lợi để xuất khẩu, đặc biệt khi dịch Covid-19 lắng xuống và nhiều nước sẽ tăng cường nhập khẩu để bù đắp.

Trong nguy có cơ, nền kinh tế vẫn có một số ngành, lĩnh vực duy trì tăng trưởng, nhất là xuất khẩu. Điều đó cho thấy, nếu tận dụng tốt thời cơ, phát huy năng lực, Việt Nam vẫn có thể duy trì nhịp độ xuất khẩu, thậm chí là tăng trưởng mạnh hơn nữa trong thời gian còn lại của năm 2020.

(Nguồn: Tạp chí Tài chính)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh