Việt Nam thuộc nhóm các nước bứt phá về kinh tế kỹ thuật số
Ngày nhập : 15/12/2020 13:19
Việt Nam được ghi nhận là quốc gia ngày càng có thái độ ủng hộ mạnh mẽ đối với tương lai kỹ thuật số, thúc đẩy phát triển nền kinh tế kỹ thuật số, báo cáo về Chỉ số Thông minh Kỹ thuật số DII mới được công bố ngày 7/12/2020 ghi nhận. 

Đây là báo cáo của Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts thực hiện với sự hợp tác cùng Mastercard. Báo cáo này thể hiện những tiến bộ mà các quốc gia đã đạt được trong việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số.

Chỉ số năm nay xét hai thành phần: Phát triển kỹ thuật số và Niềm tin kỹ thuật số. Phát triển kỹ thuật số cho biết động lực lịch sử của một nền kinh tế từ quá khứ vật lý đến hiện tại kỹ thuật số. Niềm tin kỹ thuật số là cây cầu kết nối hành trình từ hiện tại kỹ thuật số đến tương lai kỹ thuật số thông minh và toàn diện.
 

Trên bức tranh về sự phát triển kỹ thuật số toàn cầu được tái hiện trong báo cáo này, các nền kinh tế “nổi bật” về kinh tế kỹ thuật số là Hoa Kỳ, Đức, Israel, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Malaysia là những nền kinh tế năng động nhất về kỹ thuật số.

Những nền kinh tế này có nguồn nhân lực sẵn sàng ở mức độ cao, hợp tác R&D tích cực giữa ngành công nghiệp và giới nghiên cứu, cũng như thành tựu lớn trong việc tạo ra và đưa các sản phẩm kỹ thuật số trở thành xu hướng, có nền kỹ thuật số tiên tiến và thể hiện động lực cao. Họ là những nước đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy đổi mới, xây dựng dựa trên các lợi thế hiện có theo cách năng suất và hiệu quả.

Úc, New Zealand và Nhật Bản được ghi nhận là các nền kinh tế kỹ thuật số đã trưởng thành, có trạng thái chấp nhận kỹ thuật số cao, tuy nhiên động lực phát triển số đang chậm lại. Những nền kinh tế này có xu hướng đánh đổi tốc độ lấy tính bền vững. Vì thế các quốc gia này được xếp vào nhóm các nền kinh tế “đình trệ”.

Trong nhóm các nền kinh tế “bứt phá” của báo cáo này có Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan. Đây là những nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, cả về kinh tế số và có động lực tăng trưởng đáng kể, rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Trong khi đó Philippines và một số nước khác được xếp vào số những nền kinh tế “cảnh báo” vì có nhiều lỗ hổng về cơ sở hạ tầng. Mặc dù vậy, giới trẻ đang thể hiện sự nhiệt tình về một tương lai kỹ thuật số thông qua việc tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội và thanh toán di động.

Đánh giá của Mastercard cho thấy, các nền kinh tế như Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam ngày càng có thái độ ủng hộ đối với tương lai kỹ thuật số, được thúc đẩy bởi nỗ lực nhanh chóng mở rộng áp dụng và cơ hội kỹ thuật số.

Theo các chuyên gia của Mastercard và Trường Fletcher, nhìn chung, các nền kinh tế tiên tiến về kỹ thuật số có mức công bằng kinh tế xã hội cao hơn sẽ thể hiện thái độ tích cực hơn đối với công nghệ kỹ thuật số. Trong khi đó, các nền kinh tế bứt phá phát triển nhanh tỏ ra lạc quan hơn so với nhóm cảnh báo.

Trong bản báo cáo này, Việt Nam đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng 90 nền kinh tế với điểm số đạt 62,37 về thúc đẩy phát triển kỹ thuật số với yếu tố động lực. Trong phần xếp hạng về yếu tố thúc đẩy niềm tin với các chỉ số thành phần, báo cáo cho biết Việt Nam đứng thứ 30/42 về yếu tố trải nghiệm với điểm số đạt 42,8 và đạt 52,65 điểm về yếu tố hành vi sử dụng kỹ thuật số, xếp hạng 17/42 và đạt 76,38 điểm về yếu tố thái độ, đứng thứ 3/42

Bản báo cáo này cũng đưa ra các kết luận chính có liên quan đến Việt Nam: Trong số các quốc gia ở phía nam toàn cầu, có một số ngoại lệ cho thấy rằng không nhất thiết phải tiến hóa kỹ thuật số để tránh tình huống kinh tế xấu nhất.

Cả Indonesia và Việt Nam - hai nền kinh tế đạt điểm tương đối thấp trên thẻ điểm tiến hóa kỹ thuật số, nhưng vẫn đang trên đà phát triển nhanh - đều tránh được những kết quả xấu nhất. Chính phủ Indonesia đã có thể tăng chi tiêu Chính phủ gần 10%; trong khi xét trên cơ sở tương đối, Indonesia đang hoạt động tốt hơn nhiều so với các quốc gia khác, quốc gia này vẫn đang đối mặt với cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong hơn hai thập kỷ.

Bản báo cáo này đã nhắc đến Việt Nam với sự khẳng định Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất tăng trưởng trong năm nay do Chính phủ đã có thể kiểm soát lây lan virus bằng các biện pháp cực kỳ nhanh chóng và tích cực. Cả Chính phủ và người dân đều có kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh, sẵn sàng thực hiện các biện pháp phòng ngừa sớm như đóng cửa nhưng cũng đã rất năng động và linh hoạt với sự phát triển các phương thức kinh doanh mới và sự phát triển số hóa rất nhanh.

Các quốc gia quy mô trung bình như Kenya, Việt Nam, Bangladesh, Rwanda và Argentina đã và đang sử dụng công nghệ kỹ thuật số, với tiềm năng đi tắt đón đầu và chuyển đổi nền kinh tế. Những bước nhảy vọt này tạo nên những hình mẫu và tiêu chuẩn lý tưởng cho các quốc gia “Cảnh báo” về cách sử dụng nền kinh tế kỹ thuật số làm đòn bẩy cho sự thay đổi.

Ông Matthew Driver, Phó Chủ tịch Điều hành phụ trách Dịch vụ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mastercard ghi nhận: "Chỉ trong vài tháng, COVID-19 đã thúc đẩy công cuộc số hóa khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhanh hơn ít nhất 5 năm, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của hệ sinh thái kỹ thuật số trong toàn khu vực. Với mức độ tin cậy và gắn kết ngày càng tăng của người tiêu dùng cũng như sự phát triển của số hóa trong phân khúc doanh nghiệp quy mô nhỏ, tất cả đều được hỗ trợ sâu sắc bởi các hành động kiến tạo chủ động từ phía Chính phủ, mở ra nhiều cơ hội to lớn cho nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực".

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh