Việt Nam - điểm đến đầu tư hiệu quả và hấp dẫn
Ngày nhập : 21/04/2022 09:54
Mặc dù vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam sụt giảm trong quý I vừa qua so cùng kỳ 2021, tuy nhiên theo các chuyên gia, sự sụt giảm vừa qua chỉ mang tính thời điểm và xu hướng vẫn tích cực nếu môi trường đầu tư kinh doanh (MTĐTKD) thuận lợi và tiếp tục cải thiện hơn.
 

Sụt giảm, nhưng không đáng ngại

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong quý I vừa qua chỉ đạt 8,91 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, yếu tố đóng góp duy nhất vào sụt giảm này đến từ phần vốn đăng ký cấp mới khi lượng vốn này chỉ đạt 3,21 tỷ USD, giảm tới 54,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, khi đi vào phân tích cụ thể hơn thì vấn đề không nghiêm trọng như nhiều người lo ngại.

Trước tiên là quý I các năm từ 2018 đến 2022, lượng vốn đăng ký cấp mới lần lượt là: 2,12; 3,82; 5,53; 7,22 và 3,21 tỷ USD. Nhìn vào đó có thể thấy, quý I/2021 có sự gia tăng đột biến. Lý giải về sự gia tăng đột biến này, bà Phí Thị Phương Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê, Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho biết, trong quý I/2021 có 2 dự án đăng ký mới rất lớn với số vốn đăng ký lên tới 4,41 tỷ USD. Nếu loại trừ 2 dự án mang tính đột biến này thì thực tế quý I/2021 vốn đăng ký cấp mới chỉ còn 2,81 tỷ USD. Đem so mức 3,21 tỷ USD của quý I vừa qua thì còn thấp hơn.

Bên cạnh đó theo bà Nga, mặc dù vốn đăng ký cấp mới quý I so với cùng kỳ 2021 giảm rất mạnh, nhưng tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam không giảm nhiều do phần vốn đăng ký tăng thêm và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đều tăng mạnh. Trong đó, vốn tăng thêm đạt 4,07 tỷ USD, tăng 93,3% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần tăng 102,6% so cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, số dự án cũng tăng lên (số dự án cấp mới tăng 37,6%; số lượt dự án điều chỉnh tăng vốn tăng 41,6%; số lượt dự án góp vốn, mua phần tương đương quý I/2021).

Đặc biệt, lượng vốn thực hiện trong quý đầu năm nay đạt tới 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất trong quý I của 5 năm qua. “Những tín hiệu đó cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận Việt Nam là điểm đến an toàn, và thể hiện niềm tin của họ đối với hoạt động sản xuất và MTĐTKD tại Việt Nam”, bà Nga nói.

Niềm tin mà bà Nga đề cập thực tế cũng được các doanh nghiệp, hiệp hội nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam khẳng định. Báo cáo khảo sát định kỳ (Chỉ số Môi trường Kinh doanh BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) trong quý I/2022 có thể xem là một ví dụ cho thấy rõ điều này. Chỉ số BCI này từng xuống mức cực thấp chỉ 15,2 điểm trong quý III/2021, tăng lên 61 điểm vào quý IV/2021 (khi các hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường) và tiếp tục tăng lên 73 điểm trong quý I vừa qua - tức chỉ còn thấp hơn khoảng 4 điểm ở thời điểm cuối năm 2019 trước khi dịch Covid-19 bùng phát. “Với việc Việt Nam nới lỏng các quy định chống dịch và tiếp tục phục hồi phát triển kinh tế, lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu hiện đang lạc quan hơn. Chỉ số BCI có khả năng duy trì xu hướng đà tăng này trong quý tới, đi cùng với triển vọng kinh doanh lạc quan hơn”, báo cáo khảo sát của EuroCham nêu.

Điểm đến đầu tư hiệu quả và hấp dẫn

Bình luận về kết quả BCI quý I/2022, Chủ tịch EuroCham Alain Cany nói: “Lãnh đạo các doanh nghiệp cho thấy sự ủng hộ hết lòng đối với môi trường đầu tư bình thường mới sau đại dịch của Việt Nam. Có rất nhiều yếu tố dẫn đến sự lạc quan sau khi các hạn chế và quy định chống dịch của Việt Nam được nới lỏng và kết quả khảo sát BCI đã phản ánh điều này”.

Trong khi đó nhiều chuyên gia cho rằng, việc chỉ dựa vào số liệu một, hai quý (là khoảng thời gian không dài và số liệu vốn từ các dự án đăng ký mới có thể nhanh chóng thay đổi tùy vào thời điểm ghi nhận cụ thể) sẽ rất khó để kết luận về xu hướng dòng vốn FDI vào Việt Nam. Cụ thể theo ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, mặc dù vốn đăng ký sụt giảm trong quý I nhưng xét trên bối cảnh chung chưa thấy có vấn đề gì đáng quan ngại.

“Việt Nam là thị trường rất hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài (thị trường mới nổi với tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh), trong khi các FTA đang giúp cho Việt Nam tận dụng được các lợi thế. MTĐTKD ở Việt Nam cũng đang tiếp tục có những cải thiện tích cực… Tất cả những yếu tố đó cho thấy Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn nên xu hướng FDI vẫn sẽ tương đối tích cực”, ông Cường nhận định.

Chuyên gia này cho rằng, với các nhà đầu tư nước ngoài thì yếu tố mà họ nhìn vào nhiều nhất là MTĐTKD - thậm chí còn quan trọng hơn cả những ưu đãi. Ở góc độ này, mặc dù MTKD tại Việt Nam trong những năm qua đã có những cải thiện rất tốt nhưng bối cảnh dịch bệnh vừa qua nhất là năm 2021 với việc kiểm soát đi lại chặt chẽ, có những quy định ở nhiều địa phương mang tính chất cục bộ đã làm xáo trộn, đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy chuỗi lao động… Tuy nhiên, các vấn đề đó chỉ mang tính nhất thời và về cơ bản đã được khắc phục nên đến nay MTKD không còn quan ngại nào quá lớn nữa.

Song bên cạnh đó, một xu hướng và cũng là rủi ro cần quan tâm là sau thực trạng giảm sút đầu tư FDI trên toàn cầu vì đại dịch Covid vừa qua và đến nay vẫn chưa phục hồi được hoàn toàn thì vẫn có khả năng các nhà đầu tư lớn rút về thị trường trong nước trong bối cảnh chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều nền kinh tế lớn đang diễn ra và môi trường địa chính trị quốc tế đang bất định hơn. Dòng vốn FDI trên toàn cầu khi khó phục hồi nhanh hoặc thậm chí tiếp tục suy giảm như vậy sẽ ít nhiều có tác động đến khu vực, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên ông Nguyễn Minh Cường nhận định: “Nhìn chung xu hướng FDI đầu tư vào khu vực ASEAN đến nay vẫn có sự ổn định, chưa thấy có sự suy giảm đột biến diễn ra. Với tiềm năng của Việt Nam thì chúng tôi chưa thấy có yếu tố gì đáng báo động về xu hướng FDI vào Việt Nam trong tương lai”.

Lạc quan hơn, Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh: “Sự phục hồi kinh tế đang diễn ra nhanh chóng. Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến đầu tư hiệu quả và hấp dẫn nhất trên thế giới”. Ông Alain Cany cũng dẫn một quyết định của Chính phủ gần đây khi cho biết: “Quý trước, EuroCham đã kêu gọi những hành động cấp thiết trong việc mở cửa trở lại lĩnh vực du lịch. Điều này đã được giải quyết và chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ. Bạn bè, thành viên gia đình và đồng nghiệp đang làm việc bên ngoài Việt Nam của chúng tôi hiện có thể dễ dàng nhập cảnh vào đất nước như trong điều kiện trước khi xảy ra đại dịch. Đây là một tin tốt lành cho tất cả chúng ta”.

Chủ tịch EuroCham tin tưởng, với những diễn biến tích cực gần đây và với việc Việt Nam ngày càng hội nhập với tư cách là một trung tâm kinh tế quốc tế, Việt Nam có cơ hội thu hút làn sóng FDI xanh, chất lượng cao mới từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một điểm đến đầu tư an toàn và cạnh tranh.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh