Việt Nam có nhiều lợi thế tiếp cận toàn diện thị trường EU nhờ EVFTA
Ngày nhập : 09/06/2020 11:36
Phát biểu tại buổi họp báo ngày 8/6, Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti cho biết, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Việt Nam. Việt Nam là nước số 1 trong khu vực ASEAN có lợi thế tiếp cận toàn diện thị trường EU.
 

Đại sứ Eu Giorgio Aliberti (bên phải ảnh) phát biểu tại họp báo. Ảnh: LV

Nhiều lợi ích cho kinh tế Việt Nam

Ngày 8/6, Quốc hội Việt Nam đã chính thức phê chuẩn 2 hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA). Bình luận về vấn đề này, Đại sứ Giorgio Aliberti cho rằng, đây là sự kiện mang tính lịch sử trong quan hệ 2 bên. Việc Quốc hội Việt Nam thông qua 2 hiệp định trên với số phiếu tán thành cao thể hiện mạnh mẽ, rõ ràng cam kết giữa hai bên trong việc thực thi hiệp định này sau 10 năm đàm phán. Hai hiệp định này, đặc biệt với EVFTA là thành tố quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế cũng như trao đổi thương mại Việt Nam- EU.

Đại sứ Giorgio Aliberti cho biết, EVFTA mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Việt Nam. Trong đó, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm EU giá rẻ hơn. EVFTA cũng mang đến lợi ích cho các DN Việt khi giúp tiếp cận thị trường EU với tiêu chuẩn cao, sức mua lớn. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN xuất khẩu sang EU. EVFTA cũng giúp nâng cao chất lượng lao động khi Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn lao động cao được quy định trong hiệp định…

Theo Đại sứ Giorgio Aliberti, Việt Nam đang đứng trước lợi thế cạnh tranh lớn so với các nước trong khu vực. Trong khối ASEAN, chỉ có Singapore có FTA với EU, tuy nhiên nước này chỉ tập trung dịch vụ, còn Việt Nam sản xuất hàng hóa là chính. Do vậy, Việt Nam là nước số 1 có lợi thế tiếp cận toàn diện thị trường EU.

Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ thực thi từ 1/8/2020, kể từ ngày đầu tiên có hiệu lực, mức thuế suất sẽ về 0% đối với 71% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và hầu hết hàng hóa xuất khẩu sang EU giảm về mức 0% trong lộ trình 7 năm tiếp theo.

Đại sứ EU cho biết, theo ước tính của WB, chỉ riêng việc tận dụng các ưu đãi thuế quan thực thi EVFTA có thể giúp GDP của Việt Nam tăng 2,4% và xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030, đồng thời thêm khoảng 800.000 người thoát nghèo vào năm 2030. Tuy nhiên, việc diễn ra như thế nào phụ thuộc vào thực thi đến đâu và quá trình cải cách của Việt Nam ra sao.

Giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu

Theo Đại sứ Giorgio Aliberti, những “lợi ích động” trên chỉ có thể hiện thực khi có thêm FDI  hỗ trợ. Nhưng để EVIPA có hiệu lực thì cần được sự phê chuẩn của nghị viện từng thành viên EU và phải mất khoảng 2-3 năm để hoàn tất quá trình phê chuẩn này.

Tuy nhiên, cũng rất đáng mừng là để EVFTA được thực hiện đầy đủ, ý nghĩa, trong quá trình đàm phán, quy định về đầu tư đã được đưa vào hiệp định. Đầu tư thường đến sau hoạt động thương mại, nên khi có hoạt động thương mại mạnh mẽ, các nhà đầu tư EU sẽ quan tâm hơn đến thị trường. Đầu tư của EU là đầu tư có chất lượng cao và sẽ làm “thay đổi cuộc chơi” thương mại, giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt, theo Đại sứ EU, ở thời điểm sau đại dịch Covid-19 thì EVFTA còn mang lại cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mạnh mẽ hơn nữa cho Việt Nam. “Đây là cơ hội vàng cho Việt Nam, bởi sau đại dịch, các quốc gia trên toàn cầu nhận thấy rằng, không nên chỉ tập trung vào 1 quan hệ thương mại mà cần phải đa dạng hóa thị trường”, Đại sứ Giorgio Aliberti nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi về việc làm sao có thể thu hút được FDI có chất lượng từ EU, Đại sứ Giorgio Aliberti cho rằng, chính sách thu hút FDI cần có sức hút mang tính toàn diện, không chỉ là những ưu đãi cắt giảm thuế đối với các DN đầu tư. Điều quan trọng là tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi hấp đẫn, có sự minh bạch trong thủ tục hành chính, thực thi chính sách của mình, cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp hoạt động hiệu quả. Nếu không có những yếu tố này thì sẽ khó thu hút FDI từ EU chất lượng cao.

Theo Đại sứ EU, Việt Nam là 1 trong nước có lợi thế so sánh với các nước trong khu vực, đang có lợi thế cạnh tranh nhất là khi EVFTA đi vào thực thi. Việt Nam cần nắm bắt lợi thế này. Thách thức đặt ra cho Chính phủ là tạo ra cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho các DN, nhà đầu tư, việc số hóa các quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi đơn giản hóa, thủ tục hành chính cũng cần phải được thúc đẩy. Để có được sự cải thiện trong xuất khẩu cần tập trung sản xuất nhiều hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.

Đại sứ cũng bày tỏ quan điểm, trong quan hệ thương mại, xu hướng đã diễn ra từ nhiều năm nay, từ 2001-2018, tăng trưởng xuất khẩu sang EU tăng trung bình 16%/năm. Tuy nhiên, nếu đặt giá trị thương mại trong tỷ trọng thương mại toàn cầu, thì tỷ trọng này đang nhỏ dần đi. Do đó, DN Việt Nam không nên tự mãn những gì đạt được mà cần nắm bắt để tận dụng cơ hội, phát triển hơn nữa khi đứng trước nhiều tiềm năng và cơ hội để cải thiện.

Trước lo ngại về việc khi mức thuế quan giảm xuống thì  rào cản phi thuế quan từ EU sẽ cao hơn, Đại sứ EU cho rằng, ở cả 2 phía, Việt Nam và EU cần phải có những quy định cụ thể khi thực thi EVFTA. Các cơ quan thẩm quyền của 2 bên có trách nhiêm thực hiện các cam kết, để các biện pháp phi thuế quan không phải là biện pháp thay thế cho rào cản thuế quan trước đây, để nó không phải là dòng cản trở cho xuất khẩu và nhập khẩu giữa 2 bên.

(Nguồn: Thời báo tài chính Việt Nam)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh