Truyền thông quốc tế đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020
Ngày nhập : 23/12/2020 11:25
Bất chấp một năm nhiều khó khăn và thách thức nhất, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, tất cả các nội dung và mục tiêu ưu tiên đặt ra cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đều được hoàn tất trọn vẹn. Chia sẻ trên trên truyền thông quốc tế, một số chuyên gia còn đánh giá Việt Nam đã đạt được những thành công "không tưởng" trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành trên toàn cầu.
 

Những thành công được coi là "không tưởng"

“Việt Nam đã đạt được những thành công được coi là không tưởng” là dòng tít đã được hãng tin Sputnik nhấn mạnh trong một bài viết mới đây để nói về năm 2020 - một năm rất đặc biệt với Việt Nam trên trường chính trị quốc tế.

Lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao của mình, Việt Nam vừa đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN, vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và bối cảnh của năm 2020 cũng rất đặc biệt mà có lẽ sẽ không bao giờ lặp lại. Đó là sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã xáo trộn toàn bộ cuộc sống và hoạt động trên toàn cầu, trong đó thay đổi cả cách mà mọi người tương tác, hợp tác và làm việc với nhau.

Sputnik đánh giá Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, với sự chuẩn bị chu đáo, lựa chọn mục tiêu và ưu tiên, để lại nhiều dấu ấn quan trọng.

Tờ Khmer Times của Campuchia ngày 16/11 cũng nhận định là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho ASEAN. Việc chọn chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” cho năm 2020 thể hiện mong muốn của Việt Nam đảm bảo một ASEAN thống nhất, đứng vững trước tác động của tình hình quốc tế và khu vực.

Một trong những điểm khác biệt nhất của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam là hầu hết các hội nghị đều được tổ chức trực tuyến (duy nhất có Hội nghị cấp cao Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN vào tháng 2/2020 là họp tiếp xúc trực tiếp tại Hà Nội), trong bối cảnh COVID-19 làm tê liệt nhiều hoạt động ở khu vực, và nhiều nước ASEAN cũng như đối tác của ASEAN chịu ảnh hưởng nặng nề, phải triển khai nhiều quy định giãn cách xã hội, thậm chí đóng cửa, phong tỏa nhiều khu vực.

Theo nhìn nhận của Sputnik, chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” do Việt Nam đề xuất ban đầu chủ yếu để đối phó với sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang trở nên nghiêm trọng hơn cũng như mong muốn tạo lập sự gắn kết chặt chẽ hơn trong nội khối về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh, nhưng nay lại được bổ sung và nhấn mạnh thêm trước một vấn đề an ninh y tế - sức khỏe mới phát sinh là gắn kết và thích ứng để phòng chống đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, Việt Nam và các thành viên ASEAN khác cũng đã tổ chức thành công các nội dung trong chương trình thường kỳ của ASEAN, bao gồm chuỗi các hội nghị cấp cao và các hội nghị với các đối tác, qua đó mang lại các kết quả tích cực trong các hoạt động then chốt của ASEAN, như thống nhất hành động trong quan hệ kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh nội khối, mở rộng quan hệ ngoại khối, giải quyết thỏa đáng các mâu thuẫn, va chạm và giải quyết vấn đề Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các bên trên cơ sở công bằng và tuân thủ UNCLOS-1982…

RCEP và dấu ấn Việt Nam

Một thành công vô cùng lớn khác không thể không kể đến trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 do Việt Nam làm Chủ tịch là việc 10 nước ASEAN cùng với 5 đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand) đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Với các thành viên chiếm gần 1/3 dân số thế giới; 29% GDP toàn cầu, RCEP đang mở ra một khu vực thương mại tự do mới còn lớn hơn cả Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada và Liên minh châu Âu. Theo các nhà phân tích, RCEP mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế, thương mại mới đầy hứa hẹn. Khuôn khổ hợp tác mới của RCEP sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025, từ đó giúp đưa ASEAN trở thành đối tác năng động, mạnh mẽ, hợp tác vì sự thịnh vượng chung.

Hãng tin Reuters của Anh mô tả RCEP là một trong những kết quả mong chờ nhất tại Hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua.

Trang mạng báo New York Times (Mỹ) và South China Morning Post (Hồng Kông, Trung Quốc) dẫn lời một số chuyên gia kinh tế cho rằng, hiệp định này được thông qua có thể gây áp lực cho một số công ty Mỹ và các công ty đa quốc gia khác bên ngoài khu vực, đặc biệt là sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP (sau này là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP).

Trong khi đó theo trang mạng Asiatimes.com, RCEP được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các công ty và thương nhân khi cho phép họ xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận này mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia. Đặc biệt, RCEP cũng là thỏa thuận thương mại tự do đầu tiên giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc - các cường quốc kinh tế công nghiệp hóa của châu Á.

Vì thế, RCEP không chỉ được kỳ vọng sẽ giúp các quốc gia ASEAN phục hồi kinh tế trong thời gian tới, sau đại dịch COVID-19, mà còn là biểu tượng nêu bật tầm quan trọng của khu vực ở giai đoạn hiện nay - giai đoạn được một số nhà phân tích nhận định là “Thế kỷ châu Á”.

Các dự báo cho thấy ASEAN có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào cuối thập kỷ này. Năm 2019, tổng GDP của ASEAN đã đạt 2.570 tỷ USD.

Asiatimes.com nhận định, Việt Nam - một trong những ngôi sao đang lên - đã sử dụng tốt vị thế của mình để thúc đẩy các nước cùng đồng lòng cải cách các vấn đề khu vực.

Còn theo Sputnik, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, trong năm 2020, vai trò quốc tế của ASEAN đã gia tăng đáng kể. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và biến động, ASEAN vẫn đạt được sự đồng thuận rất cao về những vấn đề tối quan trọng có liên quan đến hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như đang thể hiện vai trò trung tâm của mình trong đối thoại, hợp tác và phát triển bền vững.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh