Tiếp tục nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”
Ngày nhập : 17/11/2020 16:33
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cả năm từ 2,5 - 3%; tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
 

Đây là một trong những nội dung tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2020 vừa được Chính phủ ban hành.

Thực hiện tốt các chính sách ASXH cho người dân bị thiệt hại do thiên tai

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan và các địa phương liên quan khẩn trương tổng hợp đề xuất hỗ trợ thiệt hại do thiên tai của các địa phương. Phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để khôi phục sản xuất tại vùng bị thiệt hại do thiên tai theo quy định. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại về nhà ở do thiên tai gây ra trên địa bàn một số địa phương miền Trung và Tây Nguyên, báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động rà soát các khoản nợ vay của người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, có giải pháp tháo gỡ khó khăn về vay vốn và thực hiện xử lý nợ vay bị rủi ro theo quy định. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương liên quan sớm rà soát, đề xuất và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho người dân các địa phương bị thiệt hại do thiên tai.

Bộ Công Thương chỉ đạo tổ chức cung ứng đầy đủ các hàng hóa, vật tư thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ người dân vùng bị thiệt hại do thiên tai, bảo đảm bình ổn giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá đột biến. Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương khôi phục hệ thống lưới điện, bảo đảm cung ứng điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất tại các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Bộ Giao thông vận tải khẩn trương có phương án khắc phục, khôi phục các cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là những khu vực giao thông bị chia cắt; bảo đảm an toàn giao thông vùng bị thiệt hại do thiên tai.

Chính phủ đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tiếp tục phát huy truyền thống tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”, quan tâm, hỗ trợ, ủng hộ nhân dân các địa phương bị thiệt hại do thiên tai bão lũ sớm vượt qua khó khăn, mất mát, ổn định đời sống. Các cấp, các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, có chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời để cộng đồng doanh nghiệp, người dân nỗ lực phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động để bù đắp, góp phần giảm bớt những tổn thất, thiệt hại do thiên tai, bão lũ đã gây ra đối với đồng bào miền Trung.

Điều hành đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất

Để hoàn thành mức cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong thời gian còn lại của năm, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cả năm từ 2,5 - 3%; tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, các bộ, cơ quan, địa phương, nhất là hai Thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh, không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch COVID-19; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, nhất là kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, đeo khẩu trang tại nơi công cộng và nơi tập trung đông người. Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nâng cao năng lực xét nghiệm, điều trị trên diện rộng, khả năng truy vết, dự trữ đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế; chủ động sản xuất và hợp tác để người dân sớm tiếp cận vắc xin ngừa COVID-19. Đồng thời, có giải pháp phù hợp, tạo thuận lợi cho chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh và đón công dân về nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị toàn quốc về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA, vốn vay ưu đãi, bảo đảm gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong công tác này, nhất là công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI; các mô hình kinh tế mới.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, không hạ chuẩn tín dụng. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Bảo đảm nguồn cung hàng hoá dịp cuối năm

Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương có giải pháp sớm khôi phục các chuỗi cung ứng, thúc đẩy phát triển ngành logistics, công nghiệp hỗ trợ. Tranh thủ cơ hội duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, nhất là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA; tăng cường thực hiện các giải pháp truy xuất nguồn gốc hàng hoá. Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa phù hợp, tổ chức tốt các kênh phân phối hàng hóa gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; chú trọng phát triển thương mại điện tử. Chủ động kế hoạch bảo đảm nguồn cung hàng hoá dịp cuối năm…

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh